Lại chuyện Watergate của "cha đẻ bom hạt nhân Pakistan"
Những người am tường hẳn biết chuyện ông Abdul Qadeer Khan, được mệnh danh là “cha đẻ bom hạt nhân của Pakistan”, đã tạo ra một vụ xì căng đan không mấy dễ chịu cho Islamabad hồi năm ngoái khi thú nhận có bán bí mật hạt nhân cho CHDCND Triều Tiên, Libya và Iran.
Pakistan đầu năm nay đã xác nhận có chuyện mua bán giữa ông Khan với Iran, và dù chính quyền bác bỏ chuyện quản thúc nhà khoa học này, Khan đã không được phép tiếp khách, thậm chí các nhà điều tra quốc tế về vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân cũng không được tiếp cận để thẩm vấn ông.
Ông Ruud Lubbers, người nắm quyền thủ tướng Hà Lan từ 1982 đến 1994, khi trả lời phỏng vấn một đài phát thanh hôm 9/8, đã tuyên bố rằng chính quyền Hà Lan có thể đã bắt giữ Khan từ nhiều chục năm trước (nhờ đó có thể tránh được vụ xì căng đan mang tên Khan?).
Theo ông Lubbers, trong thập niên 1970, giới chức Hà Lan nghi ngờ ông Khan kinh doanh bí mật hạt nhân khi đang làm công tác nghiên cứu hạt nhân cho hãng Urenco, và ít nhất 2 lần, vào năm 1975 và 1986, họ đã suýt bắt và buộc tội ông Khan. Tuy nhiên, cuối cùng ông Khan vẫn có thể trở về Pakistan một cách êm xuôi. Tại sao?
Theo ông Lubbers, đó là vì CIA muốn thế! “Tình báo Mỹ đã bảo chúng tôi cung cấp cho họ tất cả thông tin, không bắt giữ Khan và rằng họ sẽ theo sát Khan” – ông Lubbers nói. Chính quyền Hà Lan đã tuân lệnh CIA nhưng ông Lubbers cho biết bản thân ông thắc mắc không rõ cách CIA làm có thích hợp không.
CIA không vô tư khi “nương tay” với Khan. Ngoài chuyện muốn Pakistan không thua sút đối thủ Ấn Độ trên bàn cờ hạt nhân, Washington cũng muốn có quan hệ tốt với Islamabad để chống quân đội Liên Xô ở Afghanistan vào những năm 1980.
Lợi bất cập hại, Iran – một trong những “điểm đến” của các bí mật hạt nhân Pakistan – giờ đây đang khiến phương Tây lo âu vì chuyện bắt đầu lại hoạt động làm giàu uranium. Xem ra, thắc mắc của ông Lubbers về cách hành xử của CIA với Khan đã có câu trả lời.
Theo Đ. Liêm
Người lao động