1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lá bài người Kurd: Mỹ cầm đằng chuôi, Nga-Syria nắm đằng lưỡi

Những cảnh báo nguy hiểm về mối quan hệ “đồng sàng dị mộng” giữa chính phủ Syria và lực lượng người Kurd phải chăng sắp trở thành hiện thực?

Lá bài người Kurd: Mỹ cầm đằng chuôi, Nga-Syria nắm đằng lưỡi - 1

Người Kurd đang đánh chiếm Qamishli, bắt 50 quân chính phủ

Trong mấy ngày qua, lực lượng Cảnh sát người Kurd (Asayish) và lực lượng vũ trang địa phương Syria (NDF) khu vực tỉnh đông bắc Al-Hasakah (giáp với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ) đã giao chiến kịch liệt với nhau ở khu vực thành phố Qamishli - thủ phủ của tỉnh này.

Chính phủ Syria và PYD (Chính quyền tự trị người Kurd) đã đi đến một thỏa thuận ngừng bắn vào tối 20/4 nhằm chấm dứt xung đột ở Qamishli. Nhưng thỏa thuận này chỉ kéo dài đúng ba giờ trước khi Asayish và NDF lại nổ súng giao tranh gần trạm kiểm soát Qamishli.

Toàn bộ thỏa thuận dừng bắn đổ vỡ chỉ vì một nhóm sĩ quan Asayish từ chối dừng xe trước một trạm kiểm soát NDF.

NDF nổ súng cảnh cáo và giữa hai bên bùng phát cuộc đọ súng. Xung đột diễn ra suốt đêm, bất chấp những cố gắng nhiều lần của chính quyền tự trị PYD và chính phủ Syria can thiệp nhằm ngăn chặn cuộc chiến lan rộng giữa 2 phe vốn vẫn coi nhau là đồng “chí hướng”.

Trận đấu súng xuất phát từ “cái tôi” quá lớn của lực lượng cảnh sát người Kurd và sự thiếu tỉnh táo của NDF đã khiến hai bên có khoảng gần một chục người thương vong, trở thành một trong những cuộc đụng độ đẫm máu diễn ra bên trong Qamishli.

Ngoài cuộc đọ súng diễn ra giữa NDF và Asayish, cuộc đụng độ giữa lực lượng vũ trang địa phương Al-Hasakah cũng xảy ra với các lực lượng bán quân sự Assyria (bao gồm nhóm Sootooro và Hamiyah Al-Jazeerah).

Giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn trong ngày 21-4 và đến ngày 22-4 đã có thông tin cho biết, lực lượng vũ trang người Kurd đã chiếm giữ nhà tù Qamishli và bắt giữ ít nhất 50 lính chính phủ Syria đang đóng chốt tại đây, sau hai ngày giao chiến kịch liệt.

Tuy nhiên, hãng thông tấn Firat lại đưa tin rằng, sau khi thất bại trong nỗ lực phòng thủ tại nhà tù này, có tới 67 lính chính phủ Syria đã đầu hàng lực lượng vũ trang người Kurd.

Các chiến binh Đơn vị dân quân người Kurd (YPG) ở thành phố Qamishli
Các chiến binh Đơn vị dân quân người Kurd (YPG) ở thành phố Qamishli

Giám đốc một tờ báo địa phương là anh Barzan Iso cho biết, giao tranh giữa hai bên tiếp tục diễn ra ác liệt vào vào ngày 22-4, sau khi Asayish chiếm được nhà tù Allya. Quân chính phủ đã nã súng cối vào các khu vực của thị trấn. Trong đó, chủ yếu nhằm vào khu vực quanh nhà tù này.

Trên Facebook của Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd” (YPG) cũng đăng tải hình ảnh nhà tù này bị hư hại nặng sau các cuộc giao chiến ác liệt giữa hai bên.

Cuộc đụng độ giữa các lực lượng ủng hộ chính phủ Syria và các lực lượng vũ trang người Kurd - vốn vẫn coi nhau là cùng chí hướng trong cuộc chiến chống IS - có thể chỉ bùng phát do những nguyên nhân cục bộ, không phải chủ ý của chính quyền Syria và PYD.

Thế nhưng điều này cũng cho thấy mối liên hệ lỏng lẻo giữa chính quyền Damascus và người Kurd. Mặc dù vẫn hợp tác với Syria để đánh IS và al-Nusra, nhưng người Kurd cũng chỉ nhằm phục vụ lợi ích của chính mình, còn thực sự chưa bao giờ họ coi chính quyền Damascus là đồng minh.

Về bản chất, mối quan hệ này không phải là đồng minh, bạn bè mà đơn thuần là sự cộng tác giữa 2 đối thủ chống một kẻ địch chung mạnh hơn. Do đó, nó có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào. Nhìn sự việc ở Qamishli dưới góc độ khác, sự nguy hiểm còn lớn hơn.

Cũng chưa ai khẳng định được rằng, xung đột có bùng phát trên quy mô lớn hay không, nhưng nếu điều đó xảy ra, quân đội Syria và lực lượng ủng hộ sẽ dễ dàng bị quét ra khỏi khu tự trị người Kurd.

Qamishli quan trọng như thế nào với Nga và Syria?

Điểm đặc biệt đáng chú ý là thành phố Qamishli - nằm đối diện với thành phố Nusaybin, thuộc tỉnh Mardin, ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ - được Nga và Syria đặc biệt coi trọng trong chiến lược trấn thủ vùng đông bắc, nhằm chống lại sự xâm nhập của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng IS từ Iraq sang.

Ngoài ra, việc Nga chú ý đặc biệt tới thành phố này và quân đội Syria tiếp tục đồn trú ở đây cũng nhằm mục đích ngăn chặn phạm vi chiếm giữ và ảnh hưởng quá lớn của người Kurd, đồng thời làm đối trọng với lực lượng Mỹ đang tràn vào các khu tự trị của PYD.

Trước đó có tin rằng, hồi giữa tháng 1 vừa qua, Nga đã điều chuyên gia và lính công trình không quân đến tu sửa sân bay Qamishli, nhằm biến nó trở thành căn cứ không quân đông bắc, khống chế không phận vùng đông bắc Syria, giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.

Một mục đích khác của Nga khi nhắm đến căn cứ này là nhằm đối phó với việc Mỹ đã triển khai quân đến sân bay quân sự Rimelan (cách Qamishli khoảng 70km), hiện đại hóa nó trở thành một căn cứ không quân trong khu tự trị do người Kurd tuyên bố.

Các chuyên gia Mỹ đang chuẩn bị xây đường băng và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác của sân bay này, đủ để máy bay chiến đấu cất và hạ cánh. Việc xây dựng đã bắt đầu từ hồi tháng 10-2015. Việc một sân bay Mỹ hiện diện ở đây là điều rất đáng chú ý.

Về bản chất, cả Nga lẫn Mỹ đều hợp tác và trợ giúp người Kurd Syria trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, nhưng Moscow chưa bao giờ điều khiển được người Kurd, mà “ông chủ” thực sự của YPG chính là Washington.

Người Kurd Syria là công cụ để thực hiện các mục tiêu của Washington ở Syria, do đó, trước sau gì Mỹ cũng sẽ sử dụng con bài người Kurd để chống lại chính quyền Bashar al-Assad.

Sân bay Rmeilan Mỹ đang đồn trú cách sân bay Qamishli chưa đầy 70km
Sân bay Rmeilan Mỹ đang đồn trú cách sân bay Qamishli chưa đầy 70km

Trong 3 vùng thuộc Khu tự trị mà người Kurd tuyên bố, bao gồm Jazira Canton (tỉnh al-Hasakah) và Afrin Canton, Kobane Canton (2 thị trấn thuộc tỉnh Aleppo), Mỹ đã xây dựng sân bay ở al-Hasakah và điều quân vào khu vực đập nước Tishrin ở gần Kobani (Kobane).

Mỹ sẽ xây dựng các sân bay, công trình quân sự biến khu vực tự trị người Kurd thành các điểm tập kết binh lực, dự trữ vũ khí trang bị. Ngoài ra, Washington có thể mở các căn cứ huấn luyện cho binh lính người Kurd và những ai nữa thì có trời mới biết.

Sự hợp tác với người Kurd trong chiến dịch quân sự chống khủng bố IS là con dao hai lưỡi mà nếu Damascus và Mosscow không kiểm soát được thì chắc chắn họ sẽ nhận lấy phần lưỡi.

Thông qua con bài người Kurd, Washington thực chất đã xây dựng được một “tiểu vương quốc”, đường hoàng hiện diện bên trong lãnh thổ Syria mà chính quyền Damascus không thể làm gì được. Sau này, đó sẽ là mối họa lớn khiến Syria không lúc nào yên.

Nếu người Kurd chiếm giữ toàn bộ phần đất của các tỉnh Aleppo, al-Raqqa, al-Hasakah thì họ sẽ kiểm soát toàn bộ các tỉnh phía bắc Syria, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ và có thể thành lập khu tự trị rộng lớn hơn so với tuyên bố ban đầu, chạy dọc biên giới Syria, sang đến khu tự trị Kurd ở Iraq.

Kể cả khi người Kurd vẫn giữ nguyên quy chế tự trị, không tuyên bố tách ra thành lập quốc gia riêng thì Damascus cũng không bao giờ còn kiểm soát được các khu vực này nữa. Người Kurd và đằng sau là Mỹ mới là các “ông chủ” thực sự của khu vực phía bắc Syria.

Theo Thiên Nam

Đất Việt