1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ký ức về cuộc nói chuyện khó quên

Một buổi chiều tháng 11/1993, phòng khánh tiết trụ sở UBND TP. Hồ Chí Minh đầy ắp quan chức và báo giới đến nghe ông Lý Quang Diệu nói chuyện về phát triển kinh tế.

Ông Lý Quang Diệu (giữa, hàng đầu) thăm Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) 1 vào năm 1997
Ông Lý Quang Diệu (giữa, hàng đầu) thăm Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) 1 vào năm 1997

Vào lúc đó, sau chuyến đi thăm Việt Nam lần đầu của ông vào tháng Tư năm trước, đã râm ran đồn đại về việc ông Lý Quang Diệu được mời làm cố vấn kinh tế cho Việt Nam…

Quả là một tin đồn ấn tượng vào thời điểm mà kinh tế thị trường mới chỉ "chập chững bước" ở Việt Nam, cả trong thực tế lẫn về mặt học thuật. Còn nhớ từ tháng 11/1989 đến tháng 8/1990, trên trang 2 báo Tuổi Trẻ mỗi sáng thứ ba hàng tuần có một cột báo tựa đề "kinh tế học từ A đến Z", mỗi kỳ viết về một thuật ngữ kinh tế, tỉ như "cất cánh kinh tế", "Dow Jones", "IMF"… những a,b,c của tiểu từ điển kinh tế học, và tạp chí Phát triển Kinh tế của Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh đã sang nhờ tác giả viết cho một mục tương tự cho sinh viên!

Còn nhớ mãi đến năm 1992 mới lần đầu tiên tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh cuộc hội thảo quy mô mang tên “Diễn đàn đầu tư”, có tác giả đã trình bày các loại hình đầu tư (đầu tư hướng đến xuất khẩu hay đầu tư hướng đến thay thế nhập khẩu, đầu tư chế biến, lắp ráp…)! Những năm tháng đó, lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ chưa được tháo gỡ, các hãng nước ngọt Mỹ chưa được nhảy vào (và họ sẽ là những người Mỹ nhảy vào sớm nhất sau khi tháo gỡ cấm vận) và tất nhiên sách giáo khoa kinh tế học từ các nước kinh tế thị trường cũng chưa vào, có ra nước ngoài học thì đọc.

Và buổi chiều đó, ông Lý Quang Diệu đã nói đến nhiều thứ, từ đầu tư nước ngoài đến quản lý đầu tư nước ngoài, trong đó có vấn đề tạo động lực cho phát triển kinh tế. Đang thao thao phát biểu, cử tọa đang uống lấy những gì ông nói, thì ông dừng lại hỏi: "Các ông có tấm bản đồ Sài Gòn cùng các tỉnh lân cận không, từ đây ra đến biển"? Một yêu cầu bất ngờ, mãi sau mới có được tấm bản đồ TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Vũng Tàu. Và ông nói không ngừng về một khu vực kinh tế tập hợp Thành phố cùng chừng ấy tỉnh lại với nhau, từ đó tạo ra một chuỗi các động lực như thế nào, cộng lực như thế nào một khi tất cả cùng thông thương với nhau, cùng làm một trong một kế hoạch phát triển chung, hình thành một khu vực trọng điểm kinh tế.

Người nghe thì đã quen với những ranh giới hành chính cứng ngắc chưa kịp vỡ lẽ, còn ông thì vẫn cứ thao thao bất tuyệt cứ như thể đang có một vùng duy nhất bao gồm chừng đó tỉnh, thành. Hóa ra ông trình bày từ góc độ của một (cựu) lãnh đạo một đất nước chứ không phải một thị trưởng hay một tỉnh trưởng. Singapore tuy về diện tích nhỏ bé chỉ ngang với một thành phố, song đã và còn sẽ phát triển như là một quốc gia, và ông đã nhìn cả một lô tỉnh thành, từ TP. Hồ Chí Minh đến Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu - Côn Đảo... thành một vùng, một tỉnh thành duy nhất trong tư duy của mình. Khi ông hỏi ban tổ chức một tấm bản đồ cả vùng ông vừa nêu tên, nhất định rằng ở nhà, ông đã điều nghiên rất kỹ tấm bản đồ đó cùng những dữ kiện trong đầu. Cách nói của ông phản ánh một ao ước kiểu giá mà đất nước ông cũng có chừng đó điều kiện, đất đai… Và những người nghe ở cuộc nói chuyện chiều hôm đó, các lãnh đạo, viên chức tỉnh, thành cũng chỉ là những người của từng tỉnh, thành một.

Ký ức về một ông Lý Quang Diệu từ cuộc nói chuyện của ông sẽ còn là một trăn trở không nguôi.

Theo Danh Đức
Thế giới và Việt Nam