“Kỷ nguyên Thái Bình Dương” không dừng ở tuyên bố
Sau thời gian tạm lắng, châu Á-Thái Bình Dương (châu Á-TBD) sôi động trở lại với chuyến công du của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới 4 nước Indonesia, Brunei, Malaysia và Philippines, từ ngày 6 đến 12/10, được cho là để củng cố chiến lược “xoay trục” sang châu Á của chính quyền Mỹ.
Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ, đây là “một phần trong cam kết của Washington nhằm tăng cường sự can dự về chính trị, kinh tế và an ninh của Mỹ ở châu Á-TBD”.
Chuyến đi lần này của ông Obama diễn ra đúng 2 năm sau ngày chủ thuyết “Kỷ nguyên Thái Bình Dương của Mỹ” ra đời. Trong bài xã luận trên tạp chí Mỹ Foreign Policy tháng 10/2011, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton công nhận châu Á-TBD là động lực mới của thế giới với những cỗ máy kinh tế trọng yếu của nền kinh tế toàn cầu. Do vậy, “đến lúc Mỹ giúp xây dựng các cấu trúc và thể chế như từng làm ở châu Âu sau Thế chiến 2, cấu trúc đã và đang đem lại vô vàn lợi ích cho Mỹ. Và giờ đây, Mỹ cần làm như vậy ở châu Á, với tư cách là một quốc gia châu Á-TBD”.
Nhìn lại lịch sử, Mỹ đã và đang tự coi mình là một cường quốc châu Á-TBD, kể từ khi chiếc thuyền đầu tiên của nước này căng buồm tới Quảng Đông, Trung Quốc sau cuộc Cách mạng Mỹ (năm 1783). Tuy nhiên, trong thế kỷ XVIII và XIX, khu vực này chỉ xếp hàng thứ yếu khi Washington ưu tiên bảo đảm an toàn biên giới trên bộ.
Thế kỷ XX, mối đe dọa của Đức và sự mở rộng của Liên Xô đã khiến phần lớn các nhà lãnh đạo Mỹ thời Chiến tranh Lạnh phải theo đuổi chính sách “Ưu tiên châu Âu trước nhất”.
Đến thời Tổng thống George W.Bush, nhân danh tư tưởng tân bảo thủ cực đoan, chính quyền Bush đề xuất chủ thuyết “Kỷ nguyên mới của Mỹ”, và để thực hiện tham vọng chủ thuyết này, trong 8 năm cầm quyền, Mỹ không ngừng theo đuổi chính sách “Tạo chấn động làm khiếp nhược”, khống chế giới lãnh đạo các nước Trung Đông và Bắc Phi chống lại chính sách ngoại giao của Washington.
“Kỷ nguyên Thái Bình Dương của Mỹ” là phản ứng tích cực của chính quyền Obama sau chuỗi dài thay đổi và xáo trộn, từ biến cố lịch sử ngày 11/9/2001. Việc ông Obama triệt thoái toàn bộ lực lượng quân đội ra khỏi Iraq và Afghanistan đồng nghĩa con đường để duy trì thế mạnh toàn cầu của Mỹ giờ đây không còn đi qua ngả Baghdad, Jerusalem, Teheran hay Kabul, mà chuyển qua các tuyến hàng hải hướng về châu Á-TBD, thách thức trực diện với Trung Quốc ngay tại nơi mà Bắc Kinh mặc định coi là “sân nhà”.
Để thực thi đa tham vọng, Mỹ đẩy mạnh phát triển quan hệ với đồng minh truyền thống Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Úc, Thái Lan…, tiếp cận Ấn Độ, Indonesia, Singapore, New Zealand, Malaysia, Mông Cổ, Brunei và các đảo quốc ở Thái Bình Dương.
Xét ở khía cạnh địa-chính trị, đây là vòng cung quanh Trung Quốc, trong đó Nhật Bản là hạt nhân. Một liên minh như vậy được cho là phù hợp đường lối chiến lược Mỹ ở châu Á-TBD, không chỉ ở thời điểm hiện tại.
Bởi lẽ, từ năm 1945, Tổng thống Mỹ Harry Truman đã đề ra học thuyết domino với mục đích kiềm chế các nước XHCN ở châu Á-TBD. Ông Truman hy vọng xây dựng và đưa Nhật Bản vào trung tâm Tổ chức Hiệp ước Đông Bắc Á. Khi ấy, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã chấp thuận ý tưởng khôi phục lực lượng vũ trang Nhật Bản, hợp lực với Philippines, Đài Loan, Hàn Quốc... xung quanh Nhật Bản. Sau hơn nửa thế kỷ, ý tưởng trên hồi sinh.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tái khẳng định, trước năm 2020, Mỹ sẽ triển khai 60% tàu chiến hải quân, điều động 60% lực lượng không quân tại nước ngoài tới châu Á-TBD, đồng thời nhấn mạnh: “Sẽ là thiển cận và ngu ngốc khi kết luận rằng, cam kết tái cân bằng lực lượng ở châu Á của Washington không thể tồn tại lâu được”. Với sự chuyển động mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực trên bình diện song phương lẫn đa phương tại châu Á-TBD, chính quyền Obama đang cho thấy “Kỷ nguyên Thái Bình Dương của Mỹ” sẽ không dừng ở những tuyên bố.