Kinh tế Trung Quốc có nguy cơ giảm phát
(Dân trí) - Theo các nhà dự báo thị trường, kinh tế Trung Quốc có nguy cơ giảm phát trong bối cảnh đà phục hồi sau đại dịch có dấu hiệu chững lại.
Trung Quốc dự kiến công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng vào ngày 9/8. Kết quả khảo sát các chuyên gia kinh tế của Reuters cho thấy lạm phát tại nước này trong tháng 7 có thể giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái và không thay đổi so với tháng 6 năm nay.
Nếu đúng, đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc ghi nhận lạm phát giảm kể từ đầu năm 2021. Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc.
Sau đại dịch, các nhà bán lẻ tích trữ hàng hóa với kỳ vọng nhu cầu sẽ gia tăng nhờ các hạn chế được dỡ bỏ. Tuy nhiên, doanh số bán hàng trong mùa hè năm nay lại sụt giảm, khiến họ chịu áp lực phải giảm giá bán. Giá ô tô cũng giảm sau khi Tesla hạ giá, gây ra cuộc chiến giá cả, buộc các thương hiệu khác giảm giá theo.
Trong bối cảnh nhu cầu suy yếu và giá thị trường giảm, các nhà máy của Trung Quốc cũng buộc tính phí thấp hơn đối với hàng hóa. Lạm phát giá sản xuất của Trung Quốc, theo dõi giá hàng hóa xuất xưởng, giảm 5,4% so với cùng kỳ vào tháng 6.
Homin Lee, chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại Lombard Odier, dự đoán báo cáo lạm phát tháng 7 có thể phản ánh tình trạng giảm phát toàn diện, với giá cả thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. "Giá xuất xưởng đang ở dưới 0 rất nhiều, điều đó sẽ ảnh hưởng đến số lượng hàng hóa", ông Lee nói với CNBC.
Tháng trước, Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cũng nhận định: "Nguy cơ giảm phát (của kinh tế Trung Quốc) đang hiện hữu".
Giảm phát có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, vì người tiêu dùng sẽ trì hoãn việc mua sản phẩm nếu họ hy vọng hàng hóa rẻ hơn nữa trong tương lai. Điều này dẫn đến việc các công ty cắt giảm đầu tư khi lợi nhuận của họ bị sụt giảm.
Dữ liệu thương mại được công bố hôm 8/8 cho thấy nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc đều giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 7, làm tăng thêm mối lo ngại về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Xuất khẩu giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 12,4%, một phần do chi phí nguyên liệu thô như dầu thô giảm.
Theo Jim Reid, chiến lược gia tại Deutsche Bank, dữ liệu thương mại nhấn mạnh rằng nền kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục bị kéo xuống do nhu cầu suy yếu ở cả trong và ngoài nước.