1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kinh tế Nga có vượt “sóng cả” trong nhiệm kỳ 4 của ông Putin?

(Dân trí) - Với việc ông Vladimir Putin đắc cử nhiệm kỳ tổng thống 6 năm, AFP nhận định sẽ có rất nhiều thách thức về kinh tế mà nhà lãnh đạo Nga cần “chèo lái” con thuyền Nga vượt qua.


Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Sputnik)

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Sputnik)

Phát biểu tại một diễn đàn đầu tư quốc tế diễn ra ở thủ đô Moscow hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Putin nhận định nền kinh tế Nga đang có dấu hiệu phục hồi với những chỉ số rất lạc quan về sức khỏe nền kinh tế. Tuy nhiên, theo AFP, dù kinh tế Nga đã ổn định sau giai đoạn suy thoái, nhưng mức tăng trưởng dự đoán chưa cao so với mức kỳ vọng của điện Kremlin.

Trong 6 năm kế tiếp, Tổng thống Putin được mong chờ sẽ tiếp tục điều phối con thuyền kinh tế Nga vượt hàng loạt con “sóng cả” với 5 thách thức chính, theo AFP.

Thách thức đầu tiên là về nguồn lực con người. Đây là một trong những điểm mà ông Putin bày tỏ sự quan tâm trong chiến dịch của ông. Sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, tỉ lệ sinh ở Nga đã có sự giảm sút. Sau vài thập niên, khi lực lượng sinh ra sau năm 1991 bước vào độ tuổi lao động, bài toán về số lượng và chất lượng nhân sự được cho là có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế Nga.

Thêm vào đó, thế hệ này tiếp tục bước vào độ tuổi sinh nở nhưng tỉ lệ sinh dường như vẫn chưa có cải thiện đáng kể. Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin từng nhận định gần đây rằng khoảng 10-15 năm nữa lượng dân số trẻ của Nga sẽ giảm. Ngoài ra, những đòi hỏi về chuyên môn, kinh nghiệm của đội ngũ nhân lực sẽ ngày càng khắt khe hơn.

Độ tuổi về hưu hiện tại của Nga là 55 với nữ và 60 với nam, vào hàng thấp trên thế giới. Với xu hướng suy giảm nhân khẩu học ở độ tuổi trẻ và các chế độ chính sách còn đang ở mức chưa cao, đây có thể trở thành một gánh nặng cho ngân sách của liên bang.

Bản thân ông Putin đã thẳng thắn cho rằng Nga cần phải có sự cải tổ, nhưng ông nhận định hiện tại chưa phải là thời điểm chín muồi. Với đồng lương không quá cao, nhiều người hưu trí ở Nga cũng gặp những khó khăn nhất định bởi sự tăng giá hàng tiêu dùng trong những năm gần đây. Nhằm đối phó với tình trạng này, điện Kremlin gần đây cho biết họ sẽ có những biện pháp hiệu quả nhằm giúp lương hưu tăng nhanh hơn lạm phát.

Nhân viên một công ty dầu khí Nga (Ảnh minh họa: Sputnik)
Nhân viên một công ty dầu khí Nga (Ảnh minh họa: Sputnik)

Thách thức thứ 3 nằm ở vấn đề thu hút đầu tư. Bản thân ông Putin cũng cho rằng Nga nên tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích cạnh tranh, tạo một môi trường thuận lợi hơn để thu hút dòng tiền từ nước ngoài. Các chuyên gia cho rằng sở dĩ Nga không trả đũa lệnh trừng phạt và các biện pháp cấm vận của Mỹ là vì Nga không muốn leo thang căng thẳng và khiến các nhà đầu tư nước ngoài khó khăn hơn trong việc tiếp cận thị trường Nga.

Tuy con số tăng trưởng đầu tư nước ngoài trong năm 2017 của Nga tăng 4,4%, nhưng con số khả quan này xuất phát từ những dự án lớn và chỉ đầu tư 1 lần như dự án xây cầu nối Crimea với Nga hoặc đầu tư cho World Cup 2018. Vì vậy, về lâu về dài, Nga cần có tầm nhìn chiến lược trong vấn đề thu hút dòng tiền từ bên ngoài đổ vào.

Theo ngân hàng Alfa, việc Nga tăng trưởng kinh tế là điều tốt, nhưng cơ cấu kinh tế của Nga phụ thuộc quá nhiều vào ngành thương mại hàng hóa và thiếu đi sự đa dạng cần thiết có thể là “con dao hai lưỡi”. Đơn cử kinh tế Nga hưởng lợi từ mặt hàng năng lượng, dầu thô, khí đốt nhờ trữ lượng tự nhiên lớn từ những năm 2000 tới 2013, song tới năm 2015-2016, sự sụt giảm giá cả toàn cầu của mặt hàng này kéo theo sự khó khăn của nền kinh tế Nga.

Các chuyên gia cho rằng Nga cần đa dạng hóa hơn nữa nền kinh tế và nên bắt đầu cân nhắc tham gia một cách quyết liệt hơn nữa vào những ngành công nghiệp của tương lai như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông minh, người máy.

Trong bài phát biểu hồi năm ngoái, ông Putin cho rằng Nga cần tăng năng suất lao động thông qua hiện đại hóa sản xuất và lập các đơn vị công nghiệp mới dựa trên những công nghệ hiện đại cũng như nâng cao chất lượng giáo dục. Năng suất lao động là một bài toán cần lời giải đáp, nhất trong hệ thống kinh tế mà các chuyên gia đánh giá là chưa tối ưu hóa tối đa và chưa đạt hiệu quả thực sự tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, nền kinh tế Nga cần phải cải tiến và hiệu quả hơn nữa nhằm đối diện với những thách thức khó khăn tăng dần.

Đức Hoàng

Theo AFP