1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khủng hoảng Ukraine: Những sự thật EU không thể làm ngơ

EU có thể nhằm mắt cho qua trước hiện trạng của đất nước Ukraine, nhưng có những sự thật mà họ buộc phải đối diện.

Ukraine mà châu Âu nhào nặn

Hơn một năm sau cuộc cách mạng sắc màu tại Ukraine, châu Âu và Mỹ đã tạo dựng lên một chính phủ tại quốc gia Đông Âu này từ biểu tình, bạo loạn, và lật đổ chiếm chính quyền. Và sau một năm đó, một nhà nước mà phương Tây vốn cho rằng đang thượng tôn dân chủ đã diễn ra ra sao?

Ngày 18/4/2015, tổ chức giám sát đặc biệt của OSCE cùng với Trung tâm kiểm soát và điều phối JCCC đã đưa ra báo cáo về việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine. Và theo đó, họ thừa nhận rằng có bên thứ ba đang cố tình phá vỡ thỏa thuận này.

Thậm chí, một phái đoàn của OSCE còn bị tấn công trực tiếp và họ cũng thừa nhận rằng đây không phải là lực lượng của quân ly khai Donbass hay quân chính phủ Ukraine.

Trong khi đó, một nhóm phiến quân tự xưng "Quân đội nổi dậy Ukraine" vừa lên tiếng qua email nhận trách nhiệm về cái chết của 5 thành viên đối lập, trong đó có một nhà báo. Đồng thời, nhóm này cũng khẳng định sẽ giết thêm "những kẻ phản bội Ukraine".
 
OSCE thừa nhận có thế lực thứ ba đang lộng hành tại Ukraine

OSCE thừa nhận có thế lực thứ ba đang lộng hành tại Ukraine

Như vậy, bản thân cơ quan trung lập nhất hiện diện ở Ukraine vào thời điểm này cũng không thể xác định bên thứ ba là thế lực nào. Điều họ có thể khẳng định duy nhất là Ukraine hoàn toàn mất kiểm soát và thỏa thuận Minsk đang bị phá hủy từng ngày.

Còn với chính quyền Ukraine, họ đang kiểm soát đất nước ra sao? Kiev không thể xử lý được những kẻ phạm tội, và họ phải nhờ đến tổ chức hình sự quốc tế vào cuộc để điều tra những tội ác chiến tranh, tội ác diệt chủng xảy ra trên đất nước này từ thời còn đang cách mạng màu.

Nội bộ chính trị chia rẽ nghiêm trọng và thể hiện bằng những cuộc thanh trừng, bắt bớ, tước đoạt quyền lực. Trong khi đó, các cánh quân địa phương dưới sự bảo trợ của các nhà tài phiệt mọc lên như nấm và hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của Kiev.

Bản thân nội các của Tổng thống Poroshenko cũng thể hiện sự bất lực của chính quyền này, khi các quan chức cấp cao tầm bộ trưởng hay cố vấn đại đa số đều đi thuê từ các nghị sĩ hay chuyên gia phương Tây. Tuy nhiên, dù được thuê mướn với mục đích cải cách đất nước, thì nền kinh tế Ukraine vẫn tràn lan tham nhũng và đứng trước nguy cơ phá sản.

Ukraine đã rơi vào sự hỗn loạn  và ẩn chứa đầy rẫy những nguy cơ tổn hại đến lợi ích của châu Âu, khi chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa phát xít được dung dưỡng ngoài vòng pháp luật. Đây là sự thật bày ra trước mắt EU. EU có nhìn nhận sự thật này không hay cố tình nhắm mắt làm ngơ?
 
Đống đổ nát từng là nhà dân tại một ngôi làng gần Donetsk

Đống đổ nát từng là nhà dân tại một ngôi làng gần Donetsk

Sự thật trong mối quan hệ Nga, Mỹ

Dù EU có cố quên đi hình ảnh tệ hại từ "đứa con" mà họ đã tạo ra ở Ukraine, nhưng còn một sự thật khác mà châu Âu dù có cố gắng quên đi nhưng vẫn hiển hiện trước mắt.

Thành viên nghị viện EU Dario Tamburrano ngày 18/4/2015 đã có một cuộc phỏng vấn với truyền thông châu Âu và thừa nhận rằng, càng ngay, EU càng tỏ ra do dự trước cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Ukraine.

Theo ông Tamburrano, các nước thành viên EU đã dần nhận thấy sự hợp tác về mặt kinh tế, thương mại không thể nào dung hợp với các mưu toan về địa chính trị. Đồng thời, EU không thể không thừa nhận tầm quan trọng trong việc hợp tác thương mại với kinh tế Nga.

Ông Tamburrano cho rằng EU đã nhận ra sự quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Nga và cuộc khủng hoảng tại miền đông Ukraine nên được giải quyết nhanh nhất có thể để tránh các thảm hoạ nhân đạo. Nhưng thực tế thì thảm họa nhân đạo chỉ là một trong những cách nói giảm nói tránh nỗi sợ hãi của EU, điều họ lo sợ là một vấn nạn càng hiện hữu.

Nỗi sợ ấy được thể hiện qua các bản báo cáo tài chính của các quốc gia thành viên, đặc biệt các nước Đông Âu, khi ngân sách quốc gia của họ thâm hụt trầm trọng do tác động từ việc áp đặt cấm vận và dừng hợp tác làm ăn với Nga. Nó còn được thể hiện rõ ràng hơn khi người dân của chính những quốc gia này rầm rộ biểu tình về việc đời sống của họ bị tác động từng ngày do những chính sách của chính quyền khi theo đuổi lợi ích và ý chí của Mỹ để đối đầu với Nga.
Châu Âu ngày càng do dự về việc theo đuổi ý chí Mỹ hay tìm đến lợi ích Nga
Châu Âu ngày càng do dự về việc theo đuổi ý chí Mỹ hay tìm đến lợi ích Nga

Mối quan hệ với Mỹ cũng là một sự thật khiến EU phải đau đớn. Cả châu Âu đang phải gồng mình chống lại làn sóng khủng bố trên chính lục địa ánh sáng này. Và nguyên nhân chỉ vì họ đã nhiều năm trời theo chân quân Mỹ viễn chinh khắp các đất nước đạo Hồi ở Trung Đông, và nay là cuộc chiến với IS ở Iraq và Syria.

Tiếp đến, cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng phơi bày việc vị thế của châu Âu trong con mắt nước Mỹ ra sao. Washington coi EU là đồng minh quan trọng, nhưng họ để cho đồng minh ấy thiệt hại nặng nề vì trừng phạt Nga, phải móc hầu bao để chu cấp cho Kiev, và nhận trách nhiệm đứng mũi chịu sào giải quyết mớ hỗn loạn ở Ukraine hiện nay.

Không muốn theo đuổi tham vọng của Mỹ nhưng EU cũng khó cho thể rút chân. Bản thân Cộng hòa Séc đã phải khẳng định rằng khi nào còn NATO, khi đó châu Âu còn giữ vai trò chư hầu.

Tuy nhiên, khi lợi ích bị va chạm quyết liệt, khi những thiệt hại từ việc từ bỏ hợp tác đàng hoàng sòng phẳng với Nga đang ngày càng hiện rõ, châu Âu sẽ phải làm gì? Những tuyên bố của Thành viên nghị viện EU Dario Tamburrano chỉ thể hiện một điều duy nhất, EU đang tích cực thay đổi suy nghĩ của mình để hướng đến việc tự chủ và bảo vệ lợi ích cho chính những người dân của mình.

Theo Đỗ Minh Tú
Đất Việt