1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khủng hoảng trong cơ quan mật vụ Mỹ

Trong 150 năm kể từ khi được lập, chưa bao giờ cơ quan mật vụ Mỹ lại rơi vào nhiều bê bối đến mức khủng hoảng như hiện nay.

Báo cáo của Ủy ban Cải cách chính phủ và giám sát Hạ viện Mỹ (HOGRC) công bố hôm 4-12 cho biết, chỉ trong vòng 10 năm qua, mỗi năm, cơ quan mật vụ Mỹ (USSS) đều phạm ít nhất từ 12-18 sai phạm khác nhau.

143 sai phạm trong 10 năm

Báo cáo dài gần 500 trang của HOGRC cho biết, những sai phạm của USSS ngày càng nhiều đã bộc lộ những khiếm khuyết không thể chấp nhận được của cơ quan này. Đặc biệt, trong 3 năm nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Mỹ George W.Bush và 7 năm ông Barack Obama làm Tổng thống, các mật vụ Mỹ đã bị phát hiện say xỉn, lơ là công tác và thậm chí là dính bê bối với gái mại dâm trong và ngoài nước.

Theo Chủ tịch HOGRC, nghị sĩ đảng Cộng hòa Jason Chaffetz, điều này là không thể chấp nhận được và nó đẩy các “yếu nhân” của Mỹ, đặc biệt là Tổng thống vào tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Thậm chí, dù Giám đốc USSS Julia Pierson đã từ chức sau một loạt sai sót của lực lượng này thì cũng chưa giải quyết được hết gốc rễ của vấn đề.

Khủng hoảng trong cơ quan mật vụ Mỹ - 1

Thành viên đội K-9 thuộc USSS kiểm soát an ninh phía Bắc Nhà Trắng. (Ảnh: Getty)

Nghị sĩ Jason Chaffetz khẳng định, cuộc điều tra do HOGRC thực hiện là nhằm phân tích cụ thể hơn những sai sót của USSS để từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp nhất. Trong báo cáo của mình, HOGRC cũng đã cố gắng thuyết phục các nghị sĩ trong Quốc hội khi nêu ra 4 sai sót lớn của USSS trong 5 năm qua.

Đó là vụ có người đã bắn tới 4 viên đạn vào Nhà Trắng ngày 11-11-2011 nhưng mãi đến gần một tuần sau các đặc vụ mới phát hiện ra. Vụ thứ 2 là bê bối với gái mại dâm của 13 đặc vụ Mỹ khi họ tới Cartagena, Colombia để giám sát công tác an ninh trước khi ông Barack Obama có chuyến công du nước này. Vụ việc này xảy ra vào năm 2012 và kể từ đó, hoạt động của USSS bắt đầu bị giới chức và báo chí Mỹ “săm soi” nhiều hơn.

Tại trang 39 của bản báo cáo, HOGRC đã nhắc đến việc USSS để cho một nhân viên bảo vệ mang súng đi cùng thang máy với Tổng thống Barack Obama trong một sự kiện tổ chức ở Atlanta hồi năm ngoái. Điều đáng nói là nhân viên bảo vệ này từng có tiền án, tiền sự.

Cũng trong năm 2014, USSS còn để “sót” một người đàn ông cầm dao theo người đi lang thang khắp nơi trong Nhà Trắng. Gần đây nhất là vào ngày 4-3, một nhóm mật vụ uống rượu tại một quán bar ở thủ đô Washington rồi say xỉn đến mức lái xe tông vào một rào chắn an ninh gần Nhà Trắng…

Đấy là đối với công tác bảo vệ cho người đứng đầu chính quyền Washington. Còn với nhiệm vụ bảo vệ các cựu Tổng thống, Phó Tổng thống…USSS cũng mắc không ít sai sót.

Trả lời phỏng vấn hãng NBCNews, nghị sĩ Jason Chaffetz nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng, có 2 nguyên nhân dẫn đến những yếu kém của USSS trong thời gian qua là số lượng mật vụ giảm khiến áp lực công tác tăng ảnh hưởng đến tinh thần của các mật vụ. Nguyên nhân thứ 2 là khả năng lãnh đạo, điều hành của Ban giám đốc USSS. Vì vậy, chúng tôi đã đề xuất phải có một cuộc cải tổ sâu rộng cơ quan này”.

Và kế hoạch cải tổ

Hồi tháng 2 vừa qua, tức gần 3 tháng sau khi bà Julia Pierson từ chức, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức bổ nhiệm ông Joseph P.Clany làm Giám đốc USSS.

Hãng Washingtonpost trích dẫn báo cáo của HOGRC cho biết, 9 tháng sau khi nhận trọng trách này, ông Joseph P.Clany đã nỗ lực tái thiết USSS với việc tuyển mộ nhân viên mới; đầu tư công sức, trí tuệ cho các chương trình huấn luyện; tiến hành các đợt diễn tập mở rộng tại một cơ sở ở ngoại ô thủ đô Washington. Tổng cộng có 8 lớp tuấn huấn riêng rẽ đã được tiến hành.

Hãng tin Reuters thì cho hay, USSS đang lập kế hoạch tuyển thêm 1.100 nhân viên mới gồm 700 sĩ quan mặc sắc phục và 400 đặc vụ thường phục trong 5 năm tới. Như vậy, quân số của USSS sẽ tăng lên 17% thành 6.647 người.

Hồi tháng 7, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua một dự luật tạm cho phép USSS tuyển thêm ít nhất 200 sĩ quan mặc sắc phục và 85 đặc vụ mặc thường phục bắt đầu từ tháng 10 vừa qua. Được biết, hiện USSS đang có hơn 6.500 nhân viên, trong đó có 3.300 đặc vụ, 1.300 sĩ quan sắc phục và số còn lại là nhân viên kỹ thuật, hành chính.

Các đặc vụ nằm trong đội bảo vệ, đội đặc nhiệm có trách nhiệm làm việc với các cơ quan liên bang, bang, địa phương khác và quân đội để đảm bảo an toàn cho Tổng thống khi ông du hành trên chiếc Air Force One và lập đoàn hộ tống khi Tổng thống dùng chiếc Limousine.

Để công việc bảo vệ được thuận tiện, Cơ quan mật vụ Mỹ đã chia ra làm nhiều đội, trong đó đội sắc phục có nhiệm vụ hỗ trợ công tác bảo vệ an ninh tại khu vực phức hợp của Nhà Trắng, nơi cư trú của Phó Tổng thống, Bộ Ngân khố và khu vực công sự ngoại giao ở thủ đô Washington D.C. Các sĩ quan thuộc đơn vị sắc phục này thường xuyên tuần tra bằng xe đạp, đi bộ, xe môtô và ôtô để thực hiện nhiệm vụ của mình. Hỗ trợ hoạt động của đơn vị sắc phục có đơn vị chống bắn tỉa.

Tờ USA Today cho biết, USSS trực thuộc Bộ An ninh nội địa và được Tổng thống Abraham Lincoln ký sắc lệnh thành lập tháng 4 năm 1865. Khi đó, USSS được ủy nhiệm trực thuộc Bộ Ngân khố để ngăn chặn việc làm tiền giả. Mãi đến năm 1901, sau vụ ám sát Tổng thống William McKinley, Quốc hội mới phê chuẩn giao quyền bảo vệ Tổng thống cho USSS. Đến nay, các nhiệm vụ này vẫn được ủy quyền theo luật pháp của Mỹ và thậm chí quyền thế của USSS ngày càng được gia tăng.

Theo Chi Anh

Công an nhân dân