Khủng hoảng tài chính phủ bóng xuống Hội nghị cấp cao Á - Âu
(Dân trí) - Tìm kiếm phương thức đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính đang lan nhanh và đã gây ra những thiệt hại lớn khắp thế giới là mục tiêu chính của Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ bảy (ASEM-7) khai mạc hôm qua tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.
Lãnh đạo 43 quốc gia, trong đó có 27 nước trong Liên minh châu Âu (EU), 10 thành viên ASEAN và 6 nước châu Á khác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Pakistan và Ấn Độ, đã tham dự hội nghị trong bối cảnh các sàn chứng khoán từ châu Á đến châu Âu lại trải qua một “ngày đen tối”. Khủng hoảng tài chính lan rộng càng thôi thúc các quốc gia châu Á quyết tâm hợp tác đối phó với thách thức hiện nay.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch nước chủ nhà Hồ Cẩm Đào thừa nhận khủng hoảng gây bất ổn định cho nền kinh tế Trung Quốc. Ông kêu gọi các nước hợp sức đối phó với khủng hoảng.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Barroso cũng ra kêu gọi tương tự. Theo ông, chiếm tới 60% dân số toàn thế giới và tạo ra 50% tổng sản lượng nội địa, hai châu Á và châu Âu phải hợp tác với nhau để tái tạo niềm tin và ổn định kinh tế thế giới.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, với tư cách là Chủ tịch luân lưu của EU, trong phần tiếp xúc riêng với chủ tịch Trung Quốc đã bài tỏ hy vọng là ASEM-7 sẽ đóng góp vào việc chuẩn bị cho hội nghị G 20 được tổ chức tại Washington vào ngày 15/11 tới.
Cũng tại Bắc Kinh, trước khi ASEM-7 khai mạc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và 10 nước ASEAN đã thông báo thành lập Quỹ tương trợ 80 tỷ USD để hợp sức đối phó với khủng hoảng.
Báo chí cho rằng với quyết định này, châu Á đã chứng tỏ ý muốn tự giải quyết khó khăn của mình với việc đồng thời thiết lập một cơ chế giám sát các nền kinh tế trong vùng - một loại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khu vực.
Cuộc khủng hoảng tài chính lan nhanh khắp châu Á đã gây ra thiệt hại. Từ vài ngày qua, người ta nói đến một khoản tiền khổng lồ - tới gần 2/3 giá giá trị của mình, mà Tập đoàn Citic Pacific, một quỹ đầu tư công, vừa để mất chỉ trong vòng chưa đầy 48 giờ sau khi đã lỗ hàng tỷ USD trước đó trong các dịch vụ mua bán tiền tệ. Những vụ thua lỗ kiểu này có nguy cơ gia tăng tại châu Á.
Nhật Mai
Theo báo nước ngoài