Không có Nga, công nghệ tên lửa Trung Quốc chỉ là con số 0
Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ của Nga đã cho biết, Tập đoàn “vũ khí tên lửa chiến thuật” Nga vừa có bản báo cáo chi tiết thường niên năm 2012, về các đơn đặt hàng tên lửa, trong đó Ấn Độ, Trung Quốc là các khách hàng mua sắm lớn các loại tên lửa.
Bản báo cáo cho biết, Trung Quốc đã đề xuất mua của Nga 1 lô tên lửa chống hạm X-31A (Kh-31A) với giá trị hợp đồng là 50 triệu USD, thời điểm giao hàng vào năm 2015. Điều đáng ngạc nhiên là Pháp cũng đề nghị một hợp đồng trị giá 36,8 triệu USD mua tên lửa Kh-31P, để trang bị trên máy bay chiến đấu Rafale bán cho Ấn Độ.
Phía Trung Quốc cũng đã đề nghị Viện thiết kế Raduga của Nga, bán cho lô tên lửa hành trình chống hạm dẫn đường bằng radar chủ động Kh-59MK và tên lửa chống bức xạ (còn gọi là tên lửa chống radar) Kh-58USHKE. Gói mua sắm này cũng có giá 50 triệu USD và thời điểm bàn giao tên lửa cũng vào năm 2015, như hợp đồng mua loại tên lửa Kh-31.
Các chuyên gia công nghệ của Nga cho biết, 20 năm trở lại đây, thông qua việc hấp thụ công nghệ của hàng loạt loại tên lửa chiến thuật tiên tiến của Nga, nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã “vay mượn” trí tuệ của Nga, để nâng cao trình độ kiến thức cơ bản và công nghệ kỹ thuật tên lửa chiến thuật của mình, nghiên cứu mô phỏng và phát triển mới hàng loạt loạt tên lửa “Made in China”.
Một số quốc gia phương Tây nhận định, chính nhờ nhập khẩu các loại tên lửa tiên tiến của Nga, mà công nghệ tên lửa lạc hậu của Trung Quốc mới có bước đột phá mãnh liệt, chỉ trong vòng 20 năm đã nhảy qua 2 thế hệ tên lửa. Một số chuyên gia công nghệ Nga cũng nhận xét, nếu không hấp thụ được công nghệ tên lửa tiên tiến của Nga, đến giờ trình độ kỹ thuật tên lửa của Trung Quốc vẫn đang mò mẫm trong bóng tối.
Cần phải chỉ ra, hàng loạt khả năng tác chiến hiện đại của không quân, hải quân và lục quân Trung Quốc đều xuất phát từ mua sắm tên lửa Nga, mô phỏng và phát triển các loại tên lửa mới. Ví dụ như tên lửa Kh-31A và Kh-31P có thể giúp không quân Trung Quốc tấn công các tàu mặt nước hạng nặng, hoặc đánh phá các hệ thống radar của trận địa tên lửa, vô hiệu hóa khả năng phòng không của đối phương, sau đó tấn công mặt đất bằng các loại tên lửa khác.
Tên lửa chống bức xạ Kh-58UShKE
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 PMU2 mua của Nga, cũng làm trình độ và khả năng bảo vệ không phận của bộ đội phòng không mặt đất Trung Quốc có bước nhảy vọt về chất. Trong suốt một thời gian dài trước khi mua được S-300PMU2, đóng vai trò chủ lực trong lực lượng tên lửa đất đối không Trung Quốc, chỉ là loại tên lửa Hồng Kỳ-2 (HQ-2) rất lạc hậu, sản xuất từ mấy chục năm về trước.
Mua sắm các loại vũ khí tên lửa chiến thuật tiên tiến của Moscow đã cho Bắc Kinh có cơ hội, lần đầu tiên tiếp xúc với những lý luận thiết kế, chế tạo vũ khí tiên tiến hàng đầu thế giới, giúp cho các chuyên gia kỹ thuật tên lửa Trung Quốc, có cơ hội tiếp xúc và đi sâu tìm hiểu những tinh hoa công nghệ vũ khí Nga, giải mã được những công nghệ then chốt trong công nghệ chế tạo tên lửa.
Cứ như vậy, theo đà hấp thụ ngày càng nhiều công nghệ tiên tiến của Nga, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã có bước tiến lớn, thậm chí là đại nhảy vọt, giúp Trung Quốc rút ngắn được khoảng cách 20 năm công nghệ, để trở thành một cường quốc về công nghệ tên lửa trên thế giới, chỉ chịu kém 2 nước dẫn đầu là Nga và Mỹ. Có thể nói, vũ khí Nga, đặc biệt là tên lửa đã đóng vai trò then chốt trong chiến lược an ninh quốc gia của Trung Quốc.