1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khi Trung Quốc đổ cát thay đổi nguyên trạng ở Trường Sa

Từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc (TQ) đã xây đảo nhân tạo trên mỏm 7 bãi đá san hô tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thông qua các hoạt động hút cát và san hô từ đáy biển và các thực thể lúc nổi lúc chìm, TQ đã tạo ra hơn 2.000 mẫu Anh (acres) đảo mới tại các bãi cạn này.

Bài viết dưới đây sẽ phân tích những ảnh hưởng pháp lý của hành động trái phép này.

Tác giả J. Ashley Roach là thành viên của Hiệp hội Luật quốc tế Hoa Kỳ (ASIL), Chỉ huy hải quân Hoa Kỳ (đã nghỉ hưu), Tư vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (đã nghỉ hưu).

Các báo cáo công khai về hoạt động của TQ từ hình ảnh vệ tinh cho biết 7 bãi đá san hô mà TQ đang bồi đắp và xây đảo bao gồm bãi Tư Nghĩa, Vành Khăn, Xu Bi, Chữ Thập, Ga Ven, Gạc Ma và Châu Viên. Các hình ảnh từ vệ tinh cũng cho thấy hoạt động nạo vét của TQ từ 10 rặng san hô khác.

Vì 7 bãi đá trên được hình thành một cách tự nhiên từ san hô và bao quanh bởi nước, vùng biển mà mỗi thực thể này được hưởng tùy thuộc vào việc:
 
(1) chúng có nổi trên mặt nước ở mọi thời điểm, có thích hợp cho con người sinh sống hoặc cho một đời sống kinh tế riêng hay không, trong trường hợp đó, nó sẽ là “đảo”;
 
(2) nếu nổi trên mặt nước hoàn toàn nhưng con người không thể sinh sống trên đó hoặc không có đời sống kinh tế riêng, sẽ được xem là “đá”;
 
(3) nếu nó chìm khi thủy triều lên nhưng nổi khi thủy triều xuống, được gọi là “bãi cạn lúc chìm lúc nổi”;
 
(4) luôn chìm dưới mặt nước biển.

Khi Trung Quốc đổ cát thay đổi nguyên trạng ở Trường Sa
Đá Gạc Ma, ảnh chụp ngày 10/6/2015. Hình ảnh này nằm trong loạt ảnh TQ xây cơ sở quân sự ở Biển Đông được tờ Washington Post (Mỹ) mới đây đăng tải

Nếu thực thể được gọi là “đảo”, nó sẽ được quyền hưởng đầy đủ các vùng biển riêng (như với đất liền - ND) và là chủ thể của các tuyên bố chủ quyền. Các vùng biển riêng này bao gồm lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa.

Nếu thực thể nổi trên mặt nước hoàn toàn, không cần biết nó nhỏ như thế nào nhưng nó không thích hợp con người sinh sống hay có đời sống kinh tế riêng, nó được xem là đá và cũng là chủ thể cho các tuyên bố chủ quyền. Đá vẫn được phép có lãnh hải nhưng không được phép có Vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa riêng.

Nếu thực thể là bãi cạn lúc nổi lúc chìm (LTE), nó không có các vùng biển riêng, nhưng nếu nằm trong phạm vi 12 hải lý của một hòn đảo khác, nó có thể được dùng làm điểm cơ sở cho việc mở rộng lãnh hải của hòn đảo đó ra hướng biển. Chủ quyền của các LTE nằm trong vùng lãnh hải của một hòn đảo thuộc về quốc gia nào có chủ quyền về hòn đảo đó. Tuy nhiên, LTE không phải là chủ thể để tuyên bố chủ quyền.

Nếu thực thể luôn chìm dưới mặt nước, chúng hoàn toàn không có vùng biển riêng và cũng không phải là chủ thể của tuyên bố chiếm hữu (như tuyên bố về chủ quyền). Điều này xuất phát từ nguyên tắc “đất thống trị biển” (ví dụ như, các quyền hàng hải bắt nguồn từ chủ quyền của các quốc gia ven biển đối với các vùng đất ven biển).

Chế độ pháp lý của 7 thực thể

Chưa có một sự thống nhất chung về chế độ pháp lý của các thực thể này, nhưng dường như đã có một sự đồng thuận đối với một vài thực thể được nêu ở sau đây. Trong số đó, đáng chú ý là khẳng định của Philippines trong vụ kiện chống lại TQ năm 2013: “Không một thực thể nào trong quần đảo Trường Sa do TQ chiếm đóng có thể thích hợp cho con người sinh sống hoặc có đời sống kinh tế riêng” (nói cách khác, các thực thể đó nhiều nhất cũng chỉ là đá).

Bãi Ga Ven, Tư Nghĩa, Vành Khăn và Xu Bi: Trong các tuyên bố của Philippines chống lại TQ liệt kê rằng bốn thực thể trên đều chìm dưới nước khi thủy triều lên và không được quyền tuyên bố chủ quyền.

Từ điển địa lý điện tử về quần đảo Trường Sa (2011) (The 2011 Digital Gazzeter of the Spratly Islands), liệt kê các thực thể đã có quốc gia chiếm đóng và/hoặc nổi lên mặt nước khi thủy triều xuống và các nguồn tham khảo mà từ điển này trích dẫn cũng đồng ý rằng 4 thực thể này là bãi cạn lúc nổi lúc chìm (LTE). Bãi Vành Khăn và Xu Bi cũng cách bất kỳ đảo nào quanh đó hơn 12 hải lý nên cũng không được sử dụng làm các điểm cơ sở.

Bãi Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên: Trong yêu sách của mình chống lại TQ, Philippines liệt kê 3 thực thể này là đá nổi trên mặt nước khi thủy triều lên. Tuy nhiên, Từ điển địa lý điện tử về quần đảo Trường Sa lại cho rằng chúng là bãi cạn lúc nổi lúc chìm.

Theo báo cáo, bãi Gạc Ma cách bãi Cô Lin không tới 4 hải lý và cách đảo Sinh Tồn không tới 12 hải lý, và bãi Châu Viên cách bãi Đá Đông không tới 12 hải lý. Nếu các khoảng cách trên chính xác, các bãi này có thể được sử dụng như điểm cơ sở.

Nếu một trong 7 thực thể trên là đá, chúng được quyền có lãnh hải 12 hải lý. Tuy nhiên, có vẻ như chưa có lãnh hải hay điểm cơ sở nào được tuyên bố xung quanh bảy thực thể này

Cơ chế pháp lý của các đảo nhân tạo

Những vùng đất được bồi đắp trên các bãi cạn lúc nổi lúc chìm và các bãi chìm hoàn toàn ở Trường Sa được xem là “đảo nhân tạo” và không được hưởng quy chế pháp lý của đảo. Đảo nhân tạo không có lãnh hải và sự tồn tại của nó không làm ảnh hưởng đến việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Đảo nhân tạo cũng không phải chủ thể của các tuyên bố chủ quyền, nhưng các quốc gia ven biển có toàn toàn quyền xây dựng và quản lý các hoạt động xây dựng, vận hành và sử dụng nó. Các quốc gia ven biển cũng có quyền tài phán đối với các đảo nhân tạo này. Các quốc gia ven biển được phép thiết lập các vùng an toàn hợp lý xung quanh đảo nhân tạo khi cần thiết và thường không vượt quá bán kính 500 mét tính từ mép ngoài của đảo nhân tạo.

Các đảo nhân tạo và vùng an toàn có thể không được thiết lập ở những nơi mà có thể cản trở việc sử dụng các tuyến đường hàng hải được công nhận là thiết yếu cho các hoạt động hàng hải quốc tế.

Vì không có quy chế pháp lý như đảo và không có lãnh hải riêng, đảo nhân tạo không thay đổi được quy chế pháp lý của các thực thể mà từ đó nó được tạo ra. Ví dụ như một hòn đảo nhân tạo được xây trên một bãi chìm hoặc một bãi cạn lúc nổi lúc chìm sẽ không tạo ra lãnh hải quanh chính thực thể đó và không phải là đối tượng của sự chiếm hữu nào (như chủ quyền), dù các quốc gia ven biển vẫn có quyền tài phán trên đảo nhân tạo đó.

Việc xây dựng các ngọn hải đăng trên đảo nhân tạo, như theo các báo cáo, cũng sẽ không ảnh hưởng đến quy chế pháp lý về vùng biển hay chủ quyền của các thực thể này.

Bảy thực thể này trong quần đảo Trường Sa và các đảo nhân tạo đang được xây ở đây vẫn còn đang trong tình trạng tranh chấp về việc quốc gia ven biển nào có quyền tài phán đối với đảo nhân tạo và chủ quyền đối với các thực thể nơi các đảo nhân tạo được tạo ra. Công ước về Luật biển cũng không có bất kỳ quy định nào cho việc giải quyết vấn đề này. Thay vào đó, các tòa án quốc tế sẽ là nơi làm rõ các quy tắc để giải quyết tranh chấp này nếu các bên tranh chấp đều đồng ý về thẩm quyền xử lý của Toà. Trong trường hợp quần đảo Trường Sa, sự đồng thuận này đã không đạt được.

Yêu sách chủ quyền của TQ

TQ luôn khẳng định mình có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và các vùng nước tiếp giáp. Hành động này vẫn tiếp tục diễn ra dù chúng sai một cách rõ ràng qua các tuyên bố mạnh mẽ và liên tục về chủ quyền của các quốc gia khác bao gồm Việt Nam và Philippines.

Gần đây, TQ dường như còn yêu sách vùng trời trên các đảo nhân tạo như không gian chủ quyền của mình và không quốc gia nào có quyền bay qua mà không có sự cho phép của TQ. TQ cũng đã yêu cầu máy bay quân sự Mỹ không được phép bay qua các vùng không phận của mình.

Ngày 21/5/2015, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định Mỹ không di chuyển trong khu vực 12 hải lý của các thực thể trên. Do Công ước về Luật biển không có quy định cụ thể nào về việc điều chỉnh các hoạt động bay phía trên các đảo nhân tạo, và những thực thể này không được hưởng vùng lãnh hải riêng, cũng như chưa có bất cứ một yêu sách lãnh hải nào xung quanh những thực thể này trong thực tế, dường như tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ thể hiện một quyết định cho các tính toán khác (ví dụ như, một sự thận trọng trong chính sách, chứ không phải là một sự chấp nhận có tính nghĩa vụ pháp lý), hoặc tuyên bố đó chỉ thể hiện là phát ngôn viên không phải là luật sư và không am tường về luật quốc tế áp dụng cho các thực thể đó.
 
(Còn tiếp)
 
Dịch: Việt Cường - Minh Trang (cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông)
Theo Vietnamnet
 
Khi Trung Quốc đổ cát thay đổi nguyên trạng ở Trường Sa