1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khi trên đầu có tên lửa

CHDCND Triều Tiên vừa bắn chùm “pháo bông” Scud, Nodong, Taepodong rơi xuống biển Nhật Bản xong, thì đến Đài Loan thử tên lửa Hsiung Feng-3 có thể bay đến một số tỉnh thành duyên hải Trung Quốc; sau đó đến lượt Ấn Độ thử “định kỳ” tên lửa Agni III có thể bay đến Bắc Kinh. Bao giờ đến lượt Pakistan thử tên lửa “định kỳ” để trả lễ?

Tất cả các vụ trên diễn ra trong vòng chưa đầy một tuần lễ, nhắc nhở rằng hầu như trên đầu mỗi nước ở châu Á nay đều có tên lửa. Tất nhiên, hầu như nước nào, trong khả năng của mình, cũng tìm cách đề phòng, nước giàu theo cách giàu, nước nghèo cũng ráng bấm bụng.

Như phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Singapore hôm 3/7/2006 trên The Strait Times: “Chúng ta đang nằm trong vành đai của ngày càng nhiều các quốc gia có tên lửa các loại. Chúng ta không mong rằng đó là những đe dọa trực tiếp đối với chúng ta, song chúng ta phải thận trọng cảnh giác để lên kế hoạch phòng không”.

Đề phòng kiểu "nhà giàu"

Bức ảnh tư liệu dưới đây của Hạm đội 7 Hoa Kỳ trong cuộc tập trận Valiant Shield tháng trước trên biển Nhật Bản, tiêu biểu cho hệ thống phòng chống tên lửa toàn cầu trên biển của Hoa Kỳ. Hạm đội 7 chịu trách nhiệm tuần tra trên một diện tích lên đến 52 triệu dặm vuông trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây là khu vực “trọng điểm” tên lửa từ nhiều nguồn. Bởi thế, Hoa Kỳ phải thiết lập một vành đai phòng thủ từ xa bằng tên lửa Patriot (thay cho tên lửa Nike Hercules) từ thập niên 1980 tại châu Âu và Hàn Quốc.

Trong vụ Bình Nhưỡng thử tên lửa, Hoa Kỳ đã huy động một lực lượng hùng hậu để theo dõi nhất cử nhất động của Bình Nhưỡng. Nhiệm vụ này cơ bản được trao cho US NORTHCOM (Bộ chỉ huy Bắc Mỹ), tổng hành dinh đóng tại căn cứ không quân Peterson (tiểu bang Colorado). NORTHCOM, “phát ngôn viên chính thức” loan báo thông tin về vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, cho biết: hôm 3/7/2006, do chịu trách nhiệm tiên phong về việc phóng tên lửa đánh chặn, NORTHCOM đã ra lệnh cho hai đơn vị tên lửa chống tên lửa đóng tại Fort Greely (Alaska) và Vandenberg (California) khởi động sẵn sàng đánh trả trong suốt quá trình phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.

Song, thật nhanh chóng, bộ tư lệnh NORTHCOM đã phân tích trong từng trường hợp phóng tên lửa của Bình Nhưỡng là có đe dọa đến Hoa Kỳ hoặc các lãnh thổ hay không, để kết luận rằng không có gì đe dọa buộc phải ra tay (nguồn: NORTHCOM 4, 5/7/2006).  

 

Khi trên đầu có tên lửa - 1

Hạm đội 7 Hoa Kỳ trong

cuộc tập trận Valiant

Shield tháng trước.

Trong thực tế, hiệu quả của hệ thống này như thế nào? Philip E. Coyle III, nguyên phụ tá bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ từ 1994-2001 và nguyên giám đốc trung tâm thử nghiệm và lượng giá (Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ), giải thích như sau trên Wall Street Journal (3/7/2006) một ngày trước khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa: “Đó là một hệ thống phòng thủ nhiều “tầng”, từ tầm gần, tầm trung đến tầm xa. Hãy hình dung nhìều “vòm tròn bằng kính” chụp lên trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Tên lửa đối phương sẽ “dội” phải các mái vòm đó. Tầm gần là hệ thống tên lửa Patriot. Tầm xa thì có các hầm phóng tên lửa liên lục địa ở Alaska và California có tầm bắn đến 5.000km. Tuy nhiên, trong thực tế của 10 lần thử nghiệm đánh chặn chỉ có năm lần đánh trúng mục tiêu, và từ bốn năm qua lại chưa từng đánh trúng, kể cả hai lần mới đây. Mặt khác, nếu như đối phương sử dụng kỹ thuật nhiễu sóng radar chưa chắc đã đánh trúng. Hệ thống này chính xác hiệu quả đến đâu? 50% hay 10%? Tôi muốn nói là hệ thống này chưa tỏ ra có khả năng bảo vệ Hoa Kỳ trong những điều kiện chiến đấu thật sự”.

Tại sao Mỹ đã chi 100 tỉ USD cho chương trình này từ trào Tổng thống Reagan mà vẫn chưa hoàn thiện được? Philip E. Coyle giải thích: “Vấn đề không còn ở chỗ các tên lửa, mà ở chỗ các hệ thống radar theo dõi tên lửa đối phương, và ở độ nhạy của các cảm ứng hồng nhiệt gắn trên các tên lửa đánh chặn và trên các vệ tinh đeo bám “quốc gia mục tiêu”.

Nếu Bình Nhưỡng phóng tên lửa trong ngày hôm nay, cầu mong rằng radar trên các chiến hạm Aegis trong khu vực này phát hiện được. Cũng mong rằng hệ thống vệ tinh DSP có mặt trên quĩ đạo từ 20 năm qua hoạt động hữu hiệu. Chúng ta có từ 20-30 phút để phản ứng trước khi tên lửa đối phương bay đến đây. Vấn đề ở chỗ chúng ta có phát hiện và phát hiện chính xác đến đâu”.

Philip E. Coyle giải thích sự khác biệt giữa hai quan niệm chiến lược tên lửa của một bên là Mỹ và một bên là Nga và TQ: “Nga có vô số tên lửa có thể làm “lộn tùng phèo” mọi hệ thống phòng thủ tên lửa mà chúng ta có thể tưởng tượng ra. Thành ra, Nga chẳng màng đến các chương trình phòng thủ tên lửa của chúng ta. TQ có khoảng 20 tên lửa có thể bắn tới Hoa Kỳ, trong đó một số có trang bị thiết bị nhiễu radar và phản ứng. Có lẽ TQ cũng đi theo cách của Nga, nghĩa là tràn ngập hệ thống phòng thủ của chúng ta bằng số lượng tên lửa”.

Đầu năm nay, Tổng thống Nga Putin đã dõng dạc loan báo Nga đang làm chủ một hệ thống tên lửa tấn công Topol-M (có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa). Đó là những tên lửa “có tốc độ siêu thanh và có thể chỉnh đường bay khi bay” (AP, 31/1/2006), thậm chí có thể bay chữ chi để “tránh đạn” (Missile Threat 10/7/2006).

Sau vụ tên lửa Bình Nhưỡng, hôm 7/7/2006, chính Tổng thống Bush đã thừa nhận rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ “còn khiêm tốn”. Trong khi chờ đợi, Hoa Kỳ vẫn dựa trên hệ thống hiện tại.

Ngay trong lúc này, Hoa Kỳ đang thuyết phục CH Czech và Ba Lan tiếp nhận các dàn phóng Patriot thế hệ 3. Ở châu Á, Ấn Độ, trong xu hướng “đồng minh chiến lược” với Mỹ đã sẵn sàng tiếp nhận Patriot-3. Ngoài ra, Ấn Độ cũng muốn tham gia chương trình tên lửa chống tên lửa Arrow của Israel. Tháng sáu vừa qua, Nhật Bản cũng đã được cung cấp Patriot-3 song song với sản xuất nhượng quyền. Đài Loan đang đợi hết hạn “cấm vận vũ khí” (do lập trường đòi độc lập trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan năm 2004) vào năm 2007 tới để xin mua Patriot-3, bổ sung cho Patriot-1 và 2.

Thế nhưng, không phải đồng minh nào của Mỹ cũng hoan hỉ “đón” Partriot: Canada, sau vụ Bình Nhưỡng phóng tên lửa, đã tuyên bố không tham gia chương trình này. Khác biệt ở chỗ: nước nào cảm thấy đang là mục tiêu thì tham gia; nước nào cảm thấy không có “ân oán giang hồ” gì với ai thì tránh không chứa “bom nổ chậm” trong nhà; nước nào có khả năng thì lo mà chuẩn bị.

Những éo le trong chuẩn bị

Tất nhiên, Mỹ không phải là nước độc nhất cung cấp (bán) tên lửa chống tên lửa. Nga cũng đang là một nước hàng đầu xuất khẩu các tên lửa này. Hệ thống tên lửa chống tên lửa “thời thượng” nhất của Nga hiện nay là S-300 có khả năng diệt tên lửa hành trình (cỡ Tomahawk của Mỹ).

Theo Missile Threat, Nga đang tìm cách bán tên lửa này cho Iran qua ngả Belarus. Hệ thống tên lửa S-300 này, không xa lạ cả với VN lẫn TQ, có tầm bắn hữu hiệu đến 150km, tầm phát hiện của radar kèm theo lên đến 400km. Cuối năm ngoái, Nga cũng đã bán tên lửa chống máy bay Tor-21 cho Iran (Novosti, 15/12/2005). Thật ra, việc bán tên lửa này cũng có “mục đích” của nó. Cũng như Mỹ, Nga cũng cần đến một vành đai phòng thủ từ xa. Nếu Mỹ muốn đưa Patriot-3 vào Ba Lan, CH Czech, thì Nga cũng đã có sẵn

S-300 ở Belarus. Có khi cả Nga và Mỹ cùng bán tên lửa cho một nước thứ ba, nhằm đề phòng một nước “thứ tư”. Đó là trường hợp Ấn Độ, mua cả tên lửa Mỹ lẫn Nga. Đầu tháng bảy này, Ấn Độ mua của Nga ba tàu chiến “tàng hình” cùng 28 tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm sau khi đã ngỏ ý tiếp nhận tên lửa Patriot-3 của Mỹ.

Trong quá khứ, công nghệ tên lửa của Ấn Độ bắt đầu từ tên lửa Agni I phóng ngày 22/5/1989 đã thoát thai từ sự chuyển giao kỹ thuật của Mỹ, Nga, Anh, Pháp: từ 1963-1975, hơn 350 tên lửa các loại của bốn nước này đã được phóng “thị phạm” từ căn cứ Thumba của Ấn Độ.

Các mâu thuẫn, thậm chí đối kháng giữa Mỹ, Nga với TQ trong những năm đó trùng hợp với quan hệ xung đột giữa Ấn Độ và TQ, mà cao điểm là cuộc đụng độ biên giới năm 1962, giải thích sự chuyển giao kỹ thuật này cho Ấn Độ. Đến năm1976, Tây Đức tham gia chuyển giao kỹ thuật điều khiển tên lửa. Mục tiêu, tất nhiên, vẫn là TQ (Bulletin of the Atomic Scientists, November 1989).

30 năm sau, cũng vẫn mục tiêu đó, thêm mục tiêu phụ là Pakistan. NDTV của Ấn Độ ngay hôm chủ nhật 9/7/2006 phóng tên lửa Agni III đã phát bài viết sau: “Ấn Độ đối diện nguy cơ tên lửa từ Pakistan ở phía tây và TQ từ phía đông bắc. Chuơng trình tên lửa của Pakistan là một thí dụ ngoạn mục của sự phổ biến tràn lan tên lửa từ Bắc Triều Tiên và TQ.

Tên lửa Shaheen (của Pakistan), thường được gọi là Hatf 3, trong thực tế là tên lửa M-11 của TQ có tầm bắn 300km. Tên lửa Shaheen II thật ra là tên lửa M-18 của TQ có tầm bắn 2.000km. Tên lửa Ghauri (từ I đến III) là tên lửa Nodong và Taepodong của CHDCND Triều Tiên. TQ bỏ xa Ấn Độ về tên lửa và có tầm bắn chiến lược đến bất cứ địa điểm nào của Ấn Độ”.

Cũng có khi Nga bán tên lửa S-300 và máy bay chiến đấu Su-27 cho một nước thứ hai, song cũng bán loại tên lửa và máy bay đó cho một nước khác vốn e dè nước thứ hai kia. Vấn đề là: bán cho nước thứ hai để nước này phòng vệ chống lại một cường quốc là đối thủ của Nga; bán cho nước thứ ba để nước này phòng vệ chống lại cả nước thứ hai và cường quốc kia.

Thế nhưng, trong tương lai gần, điểm nóng vẫn là khu vực biển Nhật Bản. Giữa Tokyo và Bình Nhưỡng, bên nào sẽ tỏ ra “tự chế” hơn? Nhật Bản đang tỏ ra mất kiên nhẫn trước Bình Nhưỡng, khi đòi tấn công phòng ngừa nếu như Bình Nhưỡng tiếp tục nhắm Nhật Bản. Song song là eo biển Đài Loan.

Theo Hữu Nghị

Tuổi trẻ