1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Xung quanh tuyên bố thành lập chính thể liên bang của người Kurd:

Khi "người bị bỏ rơi" lên tiếng

Việc người Kurd ở Syria tuyên bố thành lập chính thể liên bang hôm 16-3 đang gây phản ứng trái chiều ở cả khu vực Trung Đông lẫn trên phạm vi toàn cầu. Vì sao chỉ một nhóm người thiểu số ở Syria cũng có thể khiến cả thế giới phải quan ngại?

Ngày 16-3, người Kurd ở miền Bắc Syria đã tuyên bố về kế hoạch thành lập chính thể liên bang, một thể chế được hy vọng có thể áp dụng trên toàn bộ đất nước.

Theo đó, ba khu tự trị của người Kurd ở Kurdistan (Rojava), miền Bắc Syria sẽ được hợp nhất và đặt tên là Liên bang miền Bắc Syria. Liên bang này là đại diện cho người Kurd, người Turkmen, người Arập ở miền Bắc Syria và là sự mở rộng khuôn khổ tự trị mà người Kurd và các nhóm dân tộc khác đã hình thành.

Tuy nhiên, theo như người đại diện của đảng Liên minh dân chủ người Kurd ở Syria tại Nga, Liên bang này không tách khỏi Syria, mà vẫn là một phần của Syria. Việc thành lập chính thể liên bang dự kiến sẽ được thực hiện sau khi một hội nghị của người Kurd đang được tổ chức tại thị trấn Rmeilan, tỉnh Hassakeh, phía Bắc Syria kết thúc.

Người Kurd là người dân tộc thiểu số đông nhất ở Syria, chiếm hơn 10% dân cư trước chiến tranh của đất nước 23 triệu dân. Người Kurd hiện đang sống tập trung tại tỉnh Hassakeh, nằm giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Người Kurd ở Syria đang kiểm soát dải đất chạy dài 400 km dọc theo biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, từ biên giới với Iraq đến sông Euphrates. Họ cũng kiểm soát một phần của biên giới Tây Bắc trong khu vực Afrin.

Cộng đồng người Kurd ở Syria tuyên bố thành lập chính thể liên bang ngày 16-3.
Cộng đồng người Kurd ở Syria tuyên bố thành lập chính thể liên bang ngày 16-3.

Việc thành lập chính thể liên bang của người Kurd ở miền Bắc Syria trên lý thuyết không được cả Chính phủ Syria và phe đối lập ủng hộ. Ngày 17-3, Chính phủ và phe đối lập Syria đã bác bỏ tuyên bố trước đó của người Kurd về việc thành lập một khu vực liên bang ở miền Bắc nước này.

Hãng thông tấn SANA của Syria dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Syria cho biết, tuyên bố nói trên của người Kurd là “không có cơ sở pháp lý” và sẽ “xâm phạm sự thống nhất lãnh thổ của Syria”. Liên minh Quốc gia đối lập cũng cảnh báo phản đối “mọi nỗ lực nhằm lập ra các thực thể, các khu vực hoặc các chính quyền chiếm đoạt ý nguyện của nhân dân Syria”.

Trước đó, trong một buổi họp báo tại Damascus, Ngoại trưởng Walid al-Moallem cho biết: “Là một công dân Syria, tôi khẳng định chúng tôi bác bỏ các cuộc đàm phán về một Liên bang Syria... Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ hình thức chia rẽ Syria nào hết”.

Tuyên bố thành lập liên bang của người Kurd ở phía Bắc Syria chắc chắn chọc giận Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 17-3, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng phản đối động thái tuyên bố thành lập một khu vực liên bang ở miền Bắc Syria của người Kurd tại Syria.

Từ lâu Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối bất kỳ hệ thống liên bang nào của người Kurd tại miền Bắc Syria, xem đây như cách để người Kurd tìm kiếm sự tự trị của mình dưới sự chỉ đạo của đảng Liên minh dân chủ (PYD), một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố.

Trưởng phái đoàn chính phủ Syria tham gia đàm phán ở Geneva, Jaafari bác bỏ tuyên bố thành lập liên bang của người Kurd.
Trưởng phái đoàn chính phủ Syria tham gia đàm phán ở Geneva, Jaafari bác bỏ tuyên bố thành lập liên bang của người Kurd.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby ngày 17-3 khẳng định, Washington không ủng hộ việc thành lập khu tự trị bên trong lãnh thổ Syria. Ông Kirby bày tỏ kỳ vọng, thành công của các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, sẽ đưa Syria thoát khỏi khủng hoảng chính trị, trở thành một quốc gia thống nhất, không giáo phái.

Còn về phía Nga, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết việc thành lập liên bang là một lựa chọn tốt cho Syria, nếu đó là ý chí của nhân dân Syria. Ông cũng cho biết, Nga sẽ hỗ trợ các giải pháp mà Chính phủ Syria và phe đối lập đưa ra để kết thúc chiến tranh.

Việc thành lập liên bang của người Kurd ở Syria đặt ra nhiều vấn đề. Một là khao khát của người Kurd trong việc lập một nhà nước hoặc ít ra là thêm quyền tự trị tại những quốc gia họ sinh sống, từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq cho đến Iran, Syria. Hai là ý tưởng giải quyết cuộc nội chiến Syria bằng cách liên bang hóa nước này.

Giới chuyên gia nhận định sự ra đời của một hệ thống liên bang ở miền Bắc Syria càng làm cho khả năng tìm được tiếng nói chung tại vòng hòa đàm ở Geneva thêm xa vời. Ngoài việc bác bỏ ý tưởng liên bang hóa, trưởng phái đoàn Chính phủ Syria tham gia đàm phán ở Geneva, Jaafari hôm 16-3 còn loại trừ khả năng đàm phán trực tiếp với phe đối lập. Ông cũng cho biết việc rút phần lớn lực lượng khỏi Syria của Nga không khiến Damascus ngạc nhiên bởi đây là “quyết định chung của cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Bashar al-Assad”.

Ngoài ra, hòa đàm Syria còn đối mặt bế tắc xung quanh thành phần phe đối lập tham dự. Ông Jaafari không thừa nhận phái đoàn Ủy ban Đàm phán cấp cao Syria (HNC) được Arab Saudi hậu thuẫn nhưng lại hoan nghênh “Nhóm Moscow” - một nhóm đối lập được Damascus đánh giá là ôn hòa hơn HNC.

Ông Fateh Jamous, thành viên “Nhóm Moscow”, chỉ trích HNC áp đặt những điều kiện “đi ngược lại nguyên tắc đồng thuận”, nhất là vấn đề tương lai của ông Assad trong một Syria mới. Đây vẫn là thách thức lớn nhất của hòa đàm.

Khu vực kiểm soát của người Kurd ở Syria.
Khu vực kiểm soát của người Kurd ở Syria.

Thực ra, việc người Kurd ở Syria tuyên bố thành lập liên bang được một số nhà phân tích nhìn nhận khá đơn giản nhưng nghe rất hợp lý. Trong cuộc đàm phán hòa bình hiện nay tại Geneva, lực lượng người Kurd này không được mời tham dự. Do đó việc thành lập liên bang là cách mà họ phản ứng với cộng đồng quốc tế.

Có thể thấy là họ mới khởi động quá trình ly khai như một động tác chính trị để giữ thế ở Syria chứ chưa hẳn đã quyết định dứt khoát sẽ ly khai. Họ muốn cho tất cả thấy là nếu muốn có được giải pháp chính trị cho vấn đề Syria thì phải để cho họ tham gia chứ không thể phớt lờ, lại càng không thể đàm phán và thỏa thuận “trên đầu” họ.

Người Nga từ đầu đã cảnh báo điều này. Ngày 13-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo về sự sụp đổ của Syria, nếu người Kurd bị gạt khỏi tiến trình đàm phán liên Syria. Quan điểm này được Bộ trưởng đưa ra trong cuộc phỏng vấn của Kênh truyền hình REN TV:

“Nếu người Kurd bị loại bỏ khỏi cuộc đàm phán về tương lai Syria, thì làm sao có thể trông đợi rằng họ muốn ở lại trong thành phần quốc gia này? Khi đó họ chỉ cần phẩy tay vào mặt cộng đồng quốc tế cũng như mọi thứ theo sơ đồ này” - ông Lavrov phân tích.

Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurd ở Syria vì coi đây là lực lượng có thể đánh bại quân của Tổng thống Assad. Nhưng Mỹ lại không ủng hộ cộng đồng người Kurd tham gia đàm phán hòa bình tại Geneva. Thái độ khó hiểu của Mỹ phần nào đưa lại cảm giác bị bỏ rơi đối với người Kurd và cũng giải thích phần nào lý do họ đứng ra thành lập chính thể liên bang.

Theo Mộc Thạch(tổng hợp)

An ninh thế giới