1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khi nào Thụy Điển sẽ "nối gót" Phần Lan gia nhập NATO?

Thành Đạt

(Dân trí) - Tiến trình gia nhập NATO của Thụy Điển vẫn gặp nhiều thách thức, trong khi Phần Lan đã trở thành thành viên chính thức của liên minh quân sự lớn nhất thế giới.

Khi nào Thụy Điển sẽ nối gót Phần Lan gia nhập NATO? - 1

Cuộc họp của các ngoại trưởng NATO tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ hôm 5/4 (Ảnh: Reuters).

Phần Lan hôm 4/4 đã trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự lớn nhất thế giới. Thời khắc lịch sử này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan, song không có nước láng giềng Thụy Điển.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gọi đây là "một tuần lễ lịch sử" khi liên minh này "lần đầu tiên treo cờ Phần Lan tại trụ sở NATO", đánh dấu "một ngày tốt lành cho an ninh của Phần Lan, cho an ninh của Bắc Âu và cho NATO nói chung". Ông cũng nói rằng ông hy vọng Thụy Điển sẽ gia nhập NATO trong những tháng tới, mặc dù kế hoạch này có vẻ không chắc chắn, theo Hill.

Để trở thành thành viên của NATO, một quốc gia cần nhận được sự chấp thuận của tất cả thành viên trong khối. Nỗ lực vào NATO của Thụy Điển đang gặp trở ngại từ một rào cản lớn: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

"Đây là vấn đề căng thẳng, thực sự không rõ khi nào (Thụy Điển) sẽ được chấp thuận. Phần lớn nguyên nhân liên quan tới vấn đề chính trị, do vậy tình hình rất khó đoán", Elisabeth Braw, chuyên gia về các vấn đề quốc phòng châu Âu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết:

Tháng 5 năm ngoái, Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ chính sách trung lập duy trì hàng chục năm, quyết định nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt do những lo ngại an ninh sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần đề nghị Thụy Điển phải có lập trường rõ ràng hơn chống lại những phần tử mà Ankara coi là khủng bố, chủ yếu là các cá nhân liên quan tới tổ chức Đảng công nhân người Kurd (PKK) và nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc có âm mưu đảo chính năm 2016.

Sau cuộc gặp với người đồng cấp Thụy Điển Tobias Billstrom bên lề hội nghị cấp bộ trưởng NATO tại Brussels (Bỉ) hôm 4/4, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố hợp tác chống khủng bố với Thổ Nhĩ Kỳ là điều kiện bắt buộc để Ankara chấp thuận đề xuất gia nhập NATO của Thụy Điển.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hồi tháng 1 cho hay, ông sẽ không ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO sau các cuộc biểu tình ở Stockholm do các nhóm bài Hồi giáo và ủng hộ người Kurd tổ chức.

Ông Erdogan cũng chỉ trích cuộc biểu tình đốt kinh Koran ở Thụy Điển, cáo buộc đây là sự xúc phạm đối với mọi người, đặc biệt là đối với người Hồi giáo. Ông chỉ trích chính quyền Thụy Điển vì đã cho phép cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm.

Việc đốt kinh Koran, cuốn sách linh thiêng của Hồi giáo, đã khiến chính giới Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận, trong bối cảnh Ankara là một trong những chướng ngại vật cuối cùng ngăn Thụy Điển gia nhập NATO.

Ông Erdogan cũng chỉ trích Thụy Điển vì đã cho phép các cuộc biểu tình ủng hộ người Kurd, nơi những người biểu tình vẫy cờ của nhiều nhóm người Kurd khác nhau, bao gồm cả Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu xem PKK là khủng bố vì lực lượng này từng tổ chức cuộc nổi dậy hồi những năm 1980 chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Thụy Điển không cấm các biểu tượng của PKK.

Triển vọng của Thụy Điển

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng công khai thừa nhận khả năng Thụy Điển và Phần Lan được kết nạp riêng và Phần Lan sẽ gia nhập trước Thụy Điển. Thủ tướng Thụy Điển cảnh báo, hợp tác quân sự rất chặt chẽ giữa Thụy Điển và Phần Lan trước khi gia nhập NATO sẽ trở nên rất phức tạp nếu hai nước không được cấp tư cách thành viên cùng nhau. 

Tuy nhiên, các quan chức phương Tây đã bày tỏ lạc quan rằng Thụy Điển sẽ sớm tiếp bước nước láng giềng Phần Lan gia nhập NATO, có thể trước thềm hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo NATO được tổ chức vào tháng 7 tại Vilnius, Lithuania.

Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay vẫn chưa bật đèn xanh cho việc phê duyệt đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Quá trình này đã bị đình trệ kể từ tháng 1.

Hungary, một thành viên khác của NATO, cũng tuyên bố "còn nhiều vấn đề cần giải quyết" trước khi chấp thuận Thụy Điển gia nhập liên minh. Trong khi đó, Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á - Âu Dereck Hogan cho biết, Washington "muốn cả Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy quá trình gia nhập NATO của Thụy Điển trong thời gian sớm nhất có thể".

Ông Hogan nói thêm rằng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người có mặt tại Brussels (Bỉ) tuần này để dự lễ gia nhập NATO của Phần Lan, sẽ gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ để trao đổi về việc mở rộng NATO.

Bên cạnh đó, cuộc bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 5 cũng sẽ tác động tới con đường gia nhập NATO của Thụy Điển. Nhiều người suy đoán rằng, Tổng thống Erdogan đang cố tình trì hoãn quá trình gia nhập NATO của Thụy Điển vì lý do chính trị nội bộ trước thềm bầu cử.

"Tôi nghĩ đây là một tình huống đôi bên cùng có lợi cho ông Erdogan, đặc biệt vào thời điểm quan trọng vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống. Nó giúp Erdogan thể hiện ông là một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng", Mathieu Droin, một chuyên gia về NATO tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết.

Trong khi đó, Hungary chưa bao giờ đưa ra yêu cầu rõ ràng về việc cho phép Thụy Điển gia nhập NATO, mặc dù Thủ tướng Viktor Orban từng cáo buộc Stockholm và Helsinki truyền bá "những lời dối trá trắng trợn" về Hungary.

Tuy nhiên, ngay cả khi các cuộc đàm phán về việc gia nhập NATO của Thụy Điển tiếp tục kéo dài, điều đó không có nghĩa là an ninh của Thụy Điển sẽ bị ảnh hưởng

"Tôi nghĩ vấn đề này không thay đổi đáng kể cục diện an ninh. Thụy Điển vốn rất gần gũi với NATO và trong những năm qua, sự gắn kết này còn chặt chẽ hơn. Cũng cần nhớ rằng các đồng minh NATO khác vẫn đảm bảo an ninh cho Thụy Điển cũng như Liên minh châu Âu", chuyên gia Droin nhận định.

Nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển cũng vấp phải sự phản đối từ Nga. Moscow tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện các bước để đảm bảo an ninh quân sự, bao gồm tăng cường lực lượng ở phía tây và tây bắc.

Theo Hill, Reuters