1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Khi hai bên "cùng thắng"!

Cuối cùng, Mỹ và Cuba đã vứt bỏ những hiềm khích nửa thế kỷ đóng băng quan hệ ngoại giao.

Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và lễ thượng cờ trước Đại sứ quán Mỹ tại Cuba mới đây đã chính thức hoàn tất quá trình tái thiết lập quan hệ ngoại giao-chương đầu tiên trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa La Habana và Washington, điều mà chỉ cách đây gần một năm là không thể tưởng tượng.

Khi hai bên "cùng thắng"! - 1

Lá cờ trước Đại sứ quán Cuba tung bay tại thủ đô Washington. (Ảnh: AP)

Việc làm tan băng quan hệ Washington - La Habana được đánh giá là điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ B.Obama.

Nhớ lại thời điểm năm 1961, Mỹ tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba, gây áp lực với các quốc gia Mỹ Latinh khác theo sau, đồng thời thực hiện lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với Cuba, người Mỹ từng ngạo mạn cho rằng “không mua đường mía thì không có Cuba”; các nhà tư sản Cuba cũng đưa gia đình chạy sang thành phố Maiami, bang Florida (Mỹ), chờ cho chính quyền Fidel Castro sụp đổ. Hơn 20 năm sau đó, Cuba lại bị Mỹ liệt vào danh sách “các quốc gia bảo trợ khủng bố”, nhưng nực cười ở chỗ nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro lại là mục tiêu của nhiều vụ ám sát do Mỹ giật dây hoặc ủng hộ.

Sự trừng phạt kinh tế kéo dài mấy thập kỷ đã khiến Cuba chịu tổn thất kinh tế nặng nề lên đến 1.000 tỷ USD, nhưng nó không mang lại sự “thay đổi chính quyền” như Washington mong đợi, ngược lại khiến Mỹ càng trở nên cô lập.

Từ năm 1992 đến nay, Đại hội đồng LHQ nhiều lần bỏ phiếu biểu quyết, lấy đa số áp đảo lên án lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Cuba. Quan trọng hơn là thái độ thù địch của Mỹ đối với Cuba khiến nước này không nhận được sự hoan nghênh tại khu vực Mỹ Latinh.

Năm 2012, tại Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ tổ chức ở Colombia, tập thể lãnh đạo các nước tham dự hội nghị đã gây áp lực với Tổng thống Obama, yêu cầu Mỹ từ bỏ chính sách đã lỗi thời đối với Cuba, gây thiệt hại cho sự phát triển tổng thể của khu vực Mỹ Latinh. Bất luận là về địa lý hay về văn hóa, Cuba đều là một mắt xích quan trọng kết nối Mỹ với khu vực Mỹ Latinh. Không có sự tham gia của Cuba, châu Mỹ sẽ không thể trở thành lục địa hòa bình và phồn vinh toàn diện.

54 năm là một chặng đường dài đủ để chứng minh những gì chính quyền Washington đã làm với đất nước và người dân Cuba là phi lý và lỗi thời.

Theo con số thống kê mới nhất thì có tới 67% người dân Mỹ ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Ngay chính Tổng thống Obama cũng từng thừa nhận lệnh trừng phạt đối với Cuba vẫn chưa đạt được mục tiêu như Mỹ mong muốn, “cô lập không phát huy tác dụng, đã đến lúc lựa chọn phương châm mới”, cần phá vỡ những gông xích của lịch sử. Vì vậy có thể nói bình thường hóa quan hệ với Cuba là có lợi cho Mỹ, phù hợp với đặc điểm “thực tế” của người Mỹ.

Cải thiện quan hệ với Cuba, Mỹ cũng sẽ có thêm một thị trường mới. Theo nghiên cứu mới đây của hãng đánh giá tín dụng Tây Ban Nha, nếu xóa bỏ chính sách cấm vận chống Cuba, Mỹ sẽ là nước được hưởng lợi thương mại nhiều nhất với giá trị xuất khẩu sang Cuba có thể lên tới 1 tỷ USD/năm.

Còn về phía Cuba, dù sẽ xuất hiện thêm không ít thách thức, nhưng những lợi ích từ việc cải thiện quan hệ với Mỹ-trên cơ sở bình đẳng, tự chủ và tự nguyện-là khá rõ ràng, từ những lợi ích trực tiếp như khôi phục được các thương hiệu truyền thống nổi tiếng của mình đang bị vi phạm tại thị trường Mỹ, tăng trưởng mạnh mẽ về du lịch-ngành kinh tế lớn thứ hai của Cuba, cho tới các lợi ích gián tiếp như luồng vốn nước ngoài đổ vào đảo quốc này sẽ tăng cao một khi các nhà đầu tư từ các nước khác tháo bỏ được tâm lý e dè các biện pháp trừng phạt từ Washington.

Xa hơn nữa là việc hội nhập sâu rộng hơn vào hệ thống kinh tế thế giới với việc thúc đẩy quan hệ đối tác với nhiều nước và khu vực ngoài châu Mỹ, tiến trình mà trên thực tế cũng đã bắt đầu trong thời gian qua, và tiến tới gia nhập nhiều thể chế kinh tế quốc tế vốn vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của Mỹ và chính sách cô lập Cuba của nước này. Tất cả những yếu tố trên chắc chắn sẽ có vai trò then chốt trong “quá trình cập nhật mô hình kinh tế-xã hội” hay sự chuyển mình vươn lên của “hòn đảo tự do”.

Mặc dù vậy, việc phục hồi quan hệ toàn diện với Cuba vẫn đứng trước rất nhiều thách thức khi mà “nút thắt” nan giải hiện nay chính là Quốc hội Mỹ. Bởi luật bao vây cấm vận Cuba đã được Quốc hội Mỹ thông qua, vì vậy nếu muốn dỡ bỏ, cần phải có sự thông qua của Quốc hội đang nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa-phe phản đối cải thiện quan hệ Mỹ - Cuba.

Thế nhưng, trước những bước đi khả quan mà hai bên đã đạt được kể từ sau tuyên bố lịch sử ngày 17-12-2014 của Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhiều nhà phân tích bày tỏ thái độ lạc quan về một tương lai rộng mở trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Theo Hà Lan

Quân đội Nhân dân

Khi hai bên "cùng thắng"! - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm