1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Khi địa chính trị thế kỷ nằm ở Châu Á - Thái Bình Dương

Nếu có vấn đề nào đáng chú ý đặc biệt nhất trên sân khấu chính trị thế giới thì đó chắc chắn là sự trở lại ngoạn mục và cực nhanh của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, với bản thiết kế chiến lược quy mô và toàn diện, từ kinh tế, ngoại giao đến quân sự.

Tại sao?

Trung Đông ngày càng trở thành địa điểm ít hấp dẫn đối với những chuyến “du lịch chính trị” của người Mỹ. Sự bát nháo với những vụ domino “hỏa hoạn chính biến” tại Trung Đông đã cho thấy khu vực này bộc lộ đầy rủi ro. Xét về lợi thế địa chính trị khi nhìn cục diện, trước hết, bằng con mắt kinh tế, châu Á - Thái Bình Dương hiển nhiên trội hẳn Trung Đông. Thế kỷ XXI là thế kỷ châu Á, bởi đây là khu vực tập trung nguồn động lực kinh tế tiềm năng và mạnh mẽ nhất thế giới. Ngay thời điểm hiện tại, châu Á - Thái Bình Dương đã cho thấy sức bật kinh tế cũng như khả năng tiềm tàng của họ.

Tàu chiến Mỹ tại Biển Đông
Tàu chiến Mỹ tại Biển Đông
 
Như dẫn giải của Arvind Subramanian thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới Peterson, 3/4 nước nghèo khu vực (không sống bằng nguồn dầu hỏa) đã có tỷ lệ tăng trưởng thu nhập đầu người nhanh hơn Mỹ trong giai đoạn 2000-2007. Thị trường các nước mới nổi châu Á tăng trưởng nhanh hơn Mỹ 3 điểm phần trăm và điều đó có nghĩa họ sẽ chiếm 2/3 tổng sản phẩm xuất khẩu thế giới vào trước năm 2030.
 
Ba anh nhà giàu mới nổi (có dân số đông) - Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia - có thể sẽ chiếm gần 2/3 tổng GDP toàn cầu trong vài năm tới. Cần biết, kinh tế Anh cần đến 32 năm, từ 1830-1862, mới có thể tăng gấp đôi kích cỡ. Mỹ cần 17 năm để có thể chứng kiến GDP tăng gấp đôi. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ cần không đến một thập niên. Sự bùng nổ đô thị hóa là một dấu chỉ chứng minh cho sự tăng trưởng kinh tế châu Á. Đến năm 2030, hơn 1/2 dân số châu Á sẽ sống ở đô thị, với tốc độ và sự phình rộng nhiều hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới cộng lại.

Sự phát triển kinh tế châu Á còn kéo theo sự chuyển dịch ngược từ Đông sang Tây - khi nói đến nguồn vốn FDI đổ vào các nước giàu. Cái từng được xem là hiện tượng khi nói về làn sóng đầu tư của các công ty châu Á vào phương Tây bây giờ đã trở thành xu hướng. Mậu dịch giữa các nước châu Á - Thái Bình Dương tất nhiên cũng tăng mạnh. Theo IMF, giao dịch kinh tế giữa các nước khu vực đã tăng gấp 8,5 lần từ 1990-2006 (3). Trong một số trường hợp, mậu dịch song phương cho thấy biên độ giãn nở của quan hệ thương mại châu Á với các đối tác. Israel là nguồn cung cấp vũ khí lớn thứ ba của Ấn Độ; trong khi Saudi Arabia vừa là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất đồng thời là nhà nhập khẩu gạo basmati lớn nhất của Ấn…

Chẳng có gì có thể giúp thấy rõ sự nối kết châu Á bằng sự hình thành mạng lưới giao thông (đường bộ lẫn hỏa xa) cũng như mạng đường ống dẫn dầu. Một ví dụ nhỏ: Công ty Daewoo International (Hàn Quốc) hiện dẫn đầu một tập đoàn liên kết với Ấn Độ và Myanmar trong dự án xây một tuyến dẫn dầu - khí trị giá 5,6 tỉ USD có khả năng chuyển 14,1 triệu m3 khí đốt/ngày từ tây Myanmar sang tây Trung Quốc.
 
Quanh năm đói khát và luôn cần viện trợ lương thực thế giới là hình ảnh quen thuộc thường thấy ở châu Phi chứ không phải châu Á. Tài nguyên là một trong những điểm mạnh nữa của châu Á - Thái Bình Dương. Dù môi trường bị tàn phá kinh khủng và thô bạo nhưng “rừng vàng, biển bạc” với châu Á vẫn còn ít nhiều đúng với thực tế hằng có của nó. Còn nữa, đó là dầu. Một đánh giá của Trung Quốc cho biết trữ lượng dầu châu Á - Thái Bình Dương có thể lên đến 213 tỉ thùng; so với 264,5 tỉ thùng của Saudi Arabia theo một đánh giá trữ lượng dầu nước này vào cuối năm 2010; chưa kể châu Á còn có 20 ngàn tỉ m3 khí - hơn gấp 5 so với trữ lượng khí đốt Bắc Mỹ…

Kiềm chế và tranh giành ảnh hưởng

Với một thị trường tiềm lực chưa khai thác hết, với vị trí địa lý thuận lợi cho giao dịch quốc tế, với nguồn nhân lực dồi dào, và một thị trường năng động, và với nguồn tài nguyên còn chưa bị vét cạn như châu Phi, Mỹ không thể bỏ lỏng châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản vì châu Á - Thái Bình Dương mang lại nhiều cơ hội kinh tế, Mỹ hẳn đã không trở lại châu Á theo cách như họ đang cho thấy, như cách thể hiện trong ngôn ngữ thẳng thừng của họ tại các diễn đàn. Tìm kiếm cơ hội là bản chất của người Mỹ nhưng tham vọng đương đầu thách thức mới thật sự là “bản chất của bản chất” trong lịch sử văn hóa chính trị nước Mỹ!

Khi Tổng thống Barack Obama nói rằng nước Mỹ là “một cường quốc Thái Bình Dương”, rằng thế kỷ XXI là “thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ” và rằng mình là “tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên” thì thông điệp của ông hiển nhiên ngụ ý về một vấn đề đối ngoại mang tính chính sách chiến lược, mà thực chất của nó hứa hẹn những mục tiêu thuần chất giao đấu chính trị, cạnh tranh chính trị, đối đầu chính trị, được bày tỏ với không chút dè dặt. Và đối thủ mang tính thách thức của Mỹ tại mặt trận địa chính trị châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh mới bây giờ, ai cũng biết, là Trung Quốc.

Phải nói là Trung Quốc đã “đọc sai” đường lối cũng như sức mạnh, kỹ năng lẫn kinh nghiệm đối ngoại của Mỹ. Với gánh nặng di sản 10 năm cuộc chiến chống khủng bố mà Tổng thống George W. Bush để lại, với mớ hỗn độn tài chính từ sự bê bối của phố Wall, với sự tan nát kinh tế từ cuộc suy thoái, với sự tuột dốc không phanh của đồng đôla, với gánh nặng nợ công chồng chất như núi…, cường quốc Mỹ trên bề mặt chẳng khác nào một anh bệnh ung thư giai đoạn cuối thoi thóp chờ chết! Sự suy yếu của Mỹ là cơ hội bằng vàng cho một ý định thay thế vai trò đầu tàu lãnh đạo thế giới đối với Trung Quốc.

Và nơi đầu tiên cần “điền vào chỗ trống” đương nhiên ưu tiên là sân nhà châu Á, nơi có một vùng biển lý tưởng mà Trung Quốc đã vẽ một hình chữ U. Đó là cách mà Trung Quốc đã tận dụng cơ hội chiếm lấy sân khấu khu vực, bằng một chính sách ngoại giao cứng rắn, với tư thế của một kẻ có rất nhiều tiền và rất mạnh về cơ bắp quân sự. Nói cách khác, Bắc Kinh tin rằng thời của Mỹ đã thật sự chấm hết và bây giờ, chắc chắn, một cách đầy khẳng định và xác quyết, phải là thời của họ!

Phải chăng sự ngộ nhận Trung Quốc về nước Mỹ của Obama đã xuất phát từ những đánh giá và tổng kết sách lược ngoại giao Hoa Kỳ rút ra vào thời nước Mỹ của Bush, khi Bush luôn tập trung tinh lực vào Trung Đông, vào mớ hỗn độn Iraq, vào mớ bùi nhùi nghị sự bao đồng (chẳng hạn kiến thiết hòa bình giữa Israel và Palestine), chưa kể bãi lầy Afghanistan. Trong thực tế, đúng là nước Mỹ của Bush đã bỏ ngỏ châu Á - Thái Bình Dương.

Nước Mỹ của Obama dường như không lạc đề như nước Mỹ của Bush. Sách lược đối ngoại nhanh chóng được điều chỉnh, ngay ở những phác thảo trong giai đoạn Obama còn đang vận động tranh cử tổng thống. Những gì có thể phân tán sức mạnh Mỹ (sẽ) được giảm (rút quân khỏi Iraq và Afghanistan), trong khi điểm nhấn đối ngoại (sẽ) tập trung vào kế hoạch tăng cường chiến lược tiếp cận châu Á, bằng cách thiết lập những liên minh quân sự mới, những ràng buộc kinh tế mới và những cuộc dàn quân mới (ken đặc tàu chiến tại Thái Bình Dương, trong cái khái niệm mà người ta gọi là “ngoại giao tàu chiến” - gunboat diplomacy).

Sẽ là rất “hố” nếu không nhìn thấy hoặc đón đầu được chiến lược này, vì nó đã thể hiện rất rõ ngay trong những ngày đầu nhiệm kỳ của Barack Obama. Với những tay hoạch định chính sách đối ngoại lọc lõi, hẳn họ sẽ không thể không để ý động thái thực hiện chuyến “xuất hành” đầu tiên đến châu Á với tư cách tân ngoại trưởng của bà Hillary Clinton (chứ không phải châu Âu như truyền thống chào sân của người mới được bổ nhiệm vị trí đứng đầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ).
 
Tiếp đó, nếu tinh ý một chút cũng đã có thể “nội soi” được bản thiết kế đối ngoại nước Mỹ của Obama (để xem trọng tâm nó nằm ở đâu), khi thấy Hillary Clinton tham gia một cuộc họp ASEAN tại Bangkok ngày 21-7-2010 và đăng đàn nói “Chúng tôi đã trở lại!”, rồi vài ngày sau lại khẳng định tại Hà Nội ngày 23-7-2010, rằng Mỹ có “quyền lợi quốc gia” tại Biển Đông; và “Hoa Kỳ ủng hộ Tuyên bố ứng xử về Biển Đông của ASEAN - Trung Quốc 2002”.
 
Còn nữa, tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN (ngày 7 và 8-5-2011) ở Jakarta, Mỹ đã lần đầu tiên cho “chào sân” vị đại sứ ASEAN Hoa Kỳ, David Lee Carden (trước đó, tháng 11-2010, Tổng thống Obama đã thành lập Văn phòng đại sứ ASEAN Hoa Kỳ)…
 
Bản thiết kế chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ đã dần định hình, theo đúng ý đồ Mỹ, được triển khai với rất nhiều công cụ mà tất cả đều nhằm kiểm soát và khống chế Trung Quốc, chẳng hạn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một hiệp định mậu dịch tự do với các thành viên dự kiến gồm Mỹ, Úc, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và có thể có thêm Nhật.
 
Còn là những Sáng kiến hạ Mekong (gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam), là những cuộc góp mặt trong hầu hết diễn đàn an ninh khu vực; những chiến dịch xây dựng liên minh quân sự và tập trận “giao lưu” (chỉ cần lướt mắt vào bản đồ khu vực, có thể thấy ngay phạm vi hoạt động của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ: trải dài trên 36 nước với 15 múi giờ)...

Tuy nhiên, tất cả chỉ mới ở giai đoạn khởi động, phải cần thêm thời gian để nếm và đánh giá được sự ngon dở thật sự của bữa đại tiệc. Sân khấu chính trị châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai gần hứa hẹn còn nhiều màn trình diễn hấp dẫn và bất ngờ. Nó chắc chắn sẽ là nơi tập trung những gì nóng bỏng nhất trong những năm kế tiếp của thế kỷ này. Những gì đang diễn ra dường như chỉ mới ở giai đoạn “làm nóng”!

Theo Cao Minh
PetroTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm