1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khi đi tù “sướng” như đi nghỉ dưỡng ở Na Uy

(Dân trí) - Sau khi thay đổi mô hình nhà tù kiểu giam, nhốt và canh gác sang mô hình đào tạo và đồng hành, Na Uy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc giảm thiểu tỷ lệ tái phạm và giúp các tù nhân tự tin tái hòa nhập cộng đồng.

Khi đi tù “sướng” như đi nghỉ dưỡng ở Na Uy - 1

Phòng cầu nguyện tại nhà tù Halden (Ảnh: BBC)

Theo nhà báo Emma Jane Kirby của hãng tin BBC, 20 năm trước, Na Uy đã chuyển đổi mô hình cải tạo tù nhân theo kiểu giam nhốt truyền thống sang mô hình cải tiến, trong đó đề cao vai trò đồng hành của các quản ngục trong việc trở thành những hình mẫu lý tưởng và người tư vấn cho các tù nhân.

“Được rồi, hãy chạm ngón chân cái lại và ngả ra phía sau”, một giáo viên hướng dẫn Yoga nhiệt tình hướng dẫn khoảng 20 học viên. Họ đang nằm trên những tấm thảm cao su trên những bãi cỏ xanh mượt và đón ánh nắng mặt trời buổi sáng.

Đó có thể là một lớp học Yoga ở bất cứ một cơ sở phục hồi, chăm sóc sức khỏe nào trên thế giới. Tuy nhiên, những người tham gia ở đây lại chính là các tù nhân tại nhà tù Halden, nơi canh gác an ninh nghiêm ngặt bậc nhất ở Na Uy. Những học viên ở đây là những người từng phạm tội giết người, cưỡng hiếp, buôn bán ma túy, nhưng họ đang tập những tư thế Yoga cùng với chính quản giáo của họ. Tất cả đều chăm chú nghe theo hướng dẫn.

“Yoga giúp họ bình tĩnh. Chúng tôi không muốn giận dữ và bạo lực ở đây. Chúng tôi muốn những tù nhân tĩnh tại và yên bình”, giám đốc nhà tù Halden Are Hoidal nhận định.

Sự yên bình dĩ nhiên không đi kèm với cái giá rẻ. Chi phí hàng năm cho 1 tù nhân ở nhà tù Halden vào khoảng 123.000 USD/người, trong khi ở Anh chi phí trung bình cho một tù nhân phạm tội loại A là 74.000 USD.

Khi đi tù “sướng” như đi nghỉ dưỡng ở Na Uy - 2

Khung cảnh thơ mộng bên ngoài nhà tù canh gác chặt chẽ bậc nhất ở Na Uy (Ảnh: BBC)

Một cai ngục không mặc đồng phục đi trên một chiếc xe máy màu bạc tới đón chào nhà báo Kirby. Hai phạm nhân chạy chậm theo sát chiếc xe một cách yên bình.

“Đó được gọi là an ninh một cách linh hoạt. Cai ngục và tù nhân đồng hành với nhau trong mọi hoạt động. Họ ăn cùng nhau, chơi cầu lông với nhau, tham gia các hoạt động giải trí và chúng tôi thoải mái tương tác với tù nhân, trò chuyện và khích lệ họ”, ông Hoidal giải thích.

Khi Hoidal bắt đầu sự nghiệp quản giáo tại trung tâm cải tạo Na Uy hồi những năm 1980, ông nói rằng trải nghiệm nhà tù khi đó hoàn toàn khác biệt.

“Nó thật sự rất khó khăn. Đó là một nền văn hóa đầy uy lực tập trung vào việc canh gác và an ninh. Và tỷ lệ tù nhân tái phạm là 60-70%”, Hoidal nói.

Tuy nhiên, vào đầu những năm 1990, trung tâm cải tạo Na Uy đã cải cách lại mô hình nhà tù, bỏ qua cách tiếp cận rằng các tù nhân phải “đền tội”, thay vào đó là cách tiếp cận giúp họ dễ tái hòa nhập với cộng đồng. Các tù nhân bị nhốt cả ngày trời nay được tham gia các khóa đào tạo và giáo dục và vai trò của các quản giáo cũng thay đổi hoàn toàn.

“Không có cái gọi là canh gác. Chúng tôi là nhân viên nhà tù và nhiệm vụ là đảm bảo các tù nhân hoàn thành bản án nhưng đồng thời giúp họ trở thành người tốt hơn. Chúng tôi là tấm gương, là huấn luyện viên, là người tư vấn. Và sau khi chúng tôi cải tạo mô hình giam giữ, tỷ lệ tái phạm tại Na Uy giảm xuống 20% sau 2 năm và 25% sau 5 năm. Mô hình này thực sự hiệu quả”, ông Hoidal nói.

Khi đi tù “sướng” như đi nghỉ dưỡng ở Na Uy - 3

Giám đốc nhà tù Halden Are Hoidal (Ảnh: BBC)

Nhà tù Halden có chi phí xây dựng lên tới 138 triệu USD, được thiết kế để giảm cảm giác bị giam giữ của tù nhân, giúp họ thư giãn tâm lý và hòa hợp với thiên nhiên xung quanh. Nó nằm trong rừng việt quất, tiêu và bạch dương hùng vĩ, với phối cảnh không khác gì một trường đại học hiện đại, chứ không giống một nhà tù.

Nhà tù này có lớp tường dày nhưng hoàn toàn không có dây thép gai, hàng rào dây diện với những camera an ninh được giấu rất kín để giảm thiểu cảm giác tù nhân bị theo dõi. Các cảm biến theo dõi chuyển động của tù nhân được cài vào tường, nhưng ông Hoidal nói rằng chưa từng có ai muốn vượt ngục vì đơn giản cuộc sống trong nhà tù này quá tiện nghi.

Mỗi tù nhân có phòng giam riêng với toilet, nhà tắm, tủ lạnh, bàn ghế, TV màn hình phẳng và cửa sổ có góc nhìn hướng ra khu rừng. Tại phòng sinh hoạt chung, họ có thể thư giãn trên những chiếc sofa sang trọng. Nhìn chung, nơi đây giống một khu nghỉ dưỡng hơn là nhà tù an ninh cao bậc nhất Na Uy.

Khi đi tù “sướng” như đi nghỉ dưỡng ở Na Uy - 4

Một căn phòng riêng của tù nhân (Ảnh: BBC)

Theo ông Hoidal, tại Na Uy hiện tại, hình phạt chỉ là lấy đi của các tù nhân một phần nào đó tự do. “Những quyền khác giữ nguyên. Họ có thể bầu cử, họ có thể đi học, có quyền sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các quyền cơ bản như công dân bình thường. Vì tù nhân cũng là con người. Họ đã vi phạm và sẽ bị trừng phạt nhưng họ vẫn là con người”, ông Hoidal lý giải.

Tại Halden, các tù nhân đi làm theo giờ hành chính, được nghỉ trưa và được học nghề. Rất nhiều tù nhân sau khi ra tù đã có chứng chỉ hành nghề cơ khí, thợ mộc và đầu bếp. Họ có thể dễ dàng hòa nhập mà không bỡ ngỡ và mặc cảm.

“Chúng tôi đã bắt đầu kế hoạch thả họ ngay từ ngày đầu họ vào tù. Tại Na Uy, mọi tù nhân đều được thả. Không có khái niệm tù chung thân ở đây. Chúng tôi sẽ thả ra những hàng xóm thân thiện. Nếu tù nhân bị đối xử như động vật, khi thả ra, họ có thể sẽ hành xử như động vật”, ông Hoidal nói.

Khi đi tù “sướng” như đi nghỉ dưỡng ở Na Uy - 5

Xưởng dạy nghề cơ khí cho tù nhân bên trong nhà tù (Ảnh: BBC)

Fredrik, một tù nhân bị kết án 15 năm vì tội giết người, tâm sự rằng ông đã bị chấn thương tâm lý do những ân hận vì tội lỗi đã gây ra. Tại nhà tù, ông đã được gửi đi trị liệu để mang lại những bình yên trong tâm hồn. Giờ ông đang làm công việc thiết kế đồ họa trong tù sau khi có bằng cao đẳng.

Ông giành được rất nhiều điểm A, B cho các môn học về toán và vật lý. Fredrik tự tin rằng ông đang sử dụng thời gian một cách khôn ngoan để phục vụ cho tương lai ra tù phía trước. Mong muốn của ông là có thể được chuyển sang một nhà tù mở, mô hình mà quản ngục quản lý tù nhân bằng niềm tin. Tại đây, tù nhân có thể đi làm, đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở các đại học vào ban ngày và quay trở lại nhà giam vào ban đêm.  

Tại những nhà tù ở Na Uy bao gồm cả Halden, bình thường hóa cuộc sống của tù nhân chính là tôn chỉ của của các quản ngục. Các tù nhân có khu vực sinh hoạt riêng để vợ con tới thăm nuôi mỗi 3 tháng 1 lần.

Với nhiều tù nhân, đi tù có thể là một khái niệm gì đó rất đáng sợ. Tuy nhiên, tại Na Uy, đó là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.

Khi đi tù “sướng” như đi nghỉ dưỡng ở Na Uy - 6

Khu vực trẻ em, nơi tù nhân sẽ chơi khi con cái tới thăm (Ảnh: BBC)

Khi đi tù “sướng” như đi nghỉ dưỡng ở Na Uy - 7

Phòng sinh hoạt chung (Ảnh: BBC)

Khi đi tù “sướng” như đi nghỉ dưỡng ở Na Uy - 8

Thông điệp động viên in trên tường nhà tù: "Đừng chọn con đường dễ dàng. Hãy đi theo con đường nhỏ và tránh xa những rắc rối" (Ảnh: BBC)

Đức Hoàng

Theo BBC