1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khi các đại sứ quán Triều Tiên nhộn nhịp làm kinh tế

(Dân trí) - Trong khi nhiệm vụ của các sứ quán là thúc đẩy việc hợp tác ngoại giao giữa các nước thì đại sứ quán Triều Tiên ở một số nước lại phải tự đi làm kinh tế bằng việc cho thuê mặt bằng hay tham gia vào các hoạt động kinh doanh, báo New York Times cho biết.

Đại sứ quán Triều Tiên tại Bulgaria (Ảnh: NYT)
Đại sứ quán Triều Tiên tại Bulgaria (Ảnh: NYT)

Sử dụng cơ sở ngoại giao không đúng mục đích

New York Times cho biết, trong nhiều năm qua những người sống xung quanh đại sứ quán Triều Tiên tại phía nam thủ đô Sofia, Bulgaria thường phàn nàn về tiếng ồn phát ra từ cơ quan đối ngoại của Bình Nhưỡng. Mỗi tuần, trụ sở của đại sứ quán lại cho thuê mặt bằng để tổ chức tiệc và họ còn cung cấp dịch vụ bắn pháo hoa trên mái nhà.

Một cư dân có tên Bonka Nikolova tại Sofia cho biết bà đã từng chứng kiến dòng người ăn tiệc cưới đi vào khu trụ sở. Bà cũng từng gọi điện báo cảnh sát, nhưng họ cũng không thể làm gì nhiều vì tòa nhà được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao do đây là trụ sở của đại sứ quán Triều Tiên.

Đại sứ quán Triều Tiên ở Sofia chia làm 2 khu trong khuôn viên. Tại khu sứ quán, mọi người đi qua có thể ngắm các bức ảnh lãnh đạo Kim Jong-un mỉm cười hoặc ảnh các tên lửa mà Bình Nhưỡng vừa phóng trong thời gian qua.

Khu vực thứ 2 là khu sự kiện Terra, nơi từng là nhà riêng của đại sứ Triều Tiên. Khu Terra được cho thuê mặt bằng để chụp ảnh đăng bìa tạp chí, thực hiện quay quảng cáo TV và quay video ca nhạc. Nhưng dịch vụ chính sứ quán Triều Tiên cung cấp là cho thuê mặt bằng tổ chức tiệc cưới, các sự kiện.

Người phát ngôn của Terra, Anelia Baklova, chia sẻ với NYT rằng công ty có hợp đồng thuê mặt bằng dài hạn với sứ quán Triều Tiên, từ trước khi Liên Hợp Quốc và Mỹ thông qua lệnh trừng phạt với nước này. Sau khi lệnh trừng phạt ban hành, Terra đã đóng băng tài khoản của đại sứ quán. Tuy nhiên, họ chưa thể ngừng việc khai thác cơ sở hạ tầng vì đã đầu tư ban đầu 1 khoản lớn để sửa chữa cơ sở vật chất.

Trong hàng chục năm qua, các đại sứ quán Triều Tiên đã làm kinh doanh. Họ cho thuê dịch vụ, buôn bán hàng hóa miễn sao có thể kiếm ra tiền. Ông Marcus Noland, Phó chủ tịch điều hành Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ), cho biết: “Cha vợ quá cố của tôi từng là một đại sứ. Ông nói rằng vài năm trước ở Ấn Độ, nếu ai trong giới ngoại giao muốn ăn thịt bò, họ có thể tìm đến sứ quán Triều Tiên ở Delhi. Họ thậm chí còn vận hành một lò mổ ngay dưới tầng hầm”.

Đại sứ quán Triều Tiên ở Ấn Độ (Ảnh: Getty)
Đại sứ quán Triều Tiên ở Ấn Độ (Ảnh: Getty)

Theo NYT, việc kiếm tiền là rất quan trọng với các đại sứ quán Triều Tiên vì họ dường như không được chính phủ tài trợ. Họ phải tự thân vận động và có thể phải gửi số tiền dư cho chính quyền Bình Nhưỡng. Bất chấp các lệnh trừng phạt, Triều Tiên kiếm được 6,5 tỷ USD doanh thu từ thương mại vào năm ngoái. Các nhà phân tích ước đoán doanh thu từ các đại sứ quán chỉ chiếm phần nhỏ so với các khoản thu nhập khác.

Tổng khoản thu trên có thể bao gồm dịch vụ cho thuê vệ sĩ tới các nguyên thủ quốc gia không tin tưởng công dân của nước họ, xuất khẩu lao động tới các nhà máy và công trình xây dựng ở nước ngoài, hoặc xuất khẩu vũ khí hạng nhẹ.

Trong một vài trường hợp, đại sứ quán Triều Tiên bị nghi là cũng trực tiếp tham gia vào các phi vụ bán vũ khí. Theo NYT, bí thư thứ ba của đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh bị nghi có việc phụ là nhân viên của Công ty thương mại Haegeumgang. Đây là công ty cung cấp tên lửa đất đối không và hệ thống radar cho Mozambique, theo báo của Liên Hợp Quốc. Điều kỳ lạ là trong một quảng cáo các sản phẩm này trên một trang web Trung Quốc năm 2014, công ty này đăng ký địa chỉ tại đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời câu hỏi của NYT về vấn đề trên.

NYT cũng cung cấp bằng chứng rằng các nhà ngoại giao Triều Tiên ở nước ngoài đã hoạt động kinh doanh từ ít nhất năm 1976. Thời điểm đó, cảnh sát Na Uy từng phát hiện từng nhân viên đại sứ quán Triều Tiên ở Oslo có dính dáng tới vụ nhập khẩu và bán 10.000 chai rượu và 100.000 điếu thuốc lá.

Hiện tại các lệnh trừng phạt đã làm giảm tham vọng của các đại sứ quán Triều Tiên, một số phải hoạt động kín kẽ hết mức có thể.

Ví dụ, NYT cho biết tại đại sứ quán Triều Tiên ở London (Anh), những người sống xung quanh cho biết không có dấu hiệu nào là có người đang sinh sống tại đây. Ali Wiseman, một sinh viên sống gần đó, cho hay: “Tôi đã sống ở khu này 1 năm nay và chưa từng thấy một ai ra vào tòa nhà”.

NYT trích lời của Kim Joo-il, một cựu tùy viên quân sự Triều Tiên bỏ trốn và đã đến London định cư năm 2007, cho biết ông thường thấy các nhân viên sứ quán Triều Tiên đến các khu chợ đen.

“Ở đó, họ mua đồ cũ như dụng cụ làm bếp, đồ chơi, búp bê, đồ dùng điện tử, rồi đem về lau rửa, sửa chữa rồi bán lại, những người khác thì gởi các hàng hóa này về Triều Tiên”, ông chia sẻ.

Tại Ba Lan, NYT cho biết có tới 40 doanh nghiệp đăng ký địa chỉ tại đại sứ quán Triều Tiên tại Warsaw, Ba Lan bao gồm một công ty dược phẩm, một số công ty quảng cáo và một câu lạc bộ du thuyền. Tuy nhiên, số lượng nhân viên trong các doanh nghiệp này không rõ ràng.

Một số nước đã buộc các công ty thuê trụ sở của Triều Tiên phải ngừng hoạt động. Hồi tháng 5, Đức đã đóng cửa một nhà nghỉ cho thanh niên hoạt động trong khu ngoại giao Triều Tiên. Hiện tại, Ba Lan và Bulgaria vẫn chưa thể ngăn cản đại sứ quán Triều Tiên cho thuê mặt bằng dù phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Bulgaria cho biết họ nhiều lần thúc giục các nhà ngoại giao Bình Nhưỡng sử dụng cơ sở vật chất đúng mục đích.

Đức Hoàng

Theo NYT