1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Khép lại một trong những vụ án oan nghiệt nhất Trung Quốc

Quyết định không kháng cáo của bà Trương Hoán Chi, mẹ của tử tù Nhiếp Thụ Bân, sau phán quyết của Tòa án nhân dân Tối cao Trung Quốc được coi là lời kết đối với một trong những vụ án được coi là oan nghiệt nhất Trung Quốc.

Cái chết của Nhiếp Thụ Bân là một trong những vụ tử hình oan sai điển hình tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Và vụ án này có khá nhiều cái nhất. Theo quyết định của Tòa án nhân dân Tối cao Trung Quốc, người thân của tử tù Nhiếp Thụ Bân được nhận tổng số tiền bồi thường 2,7 triệu nhân dân tệ (khoảng 391.000 USD), trong đó 1,3 triệu nhân dân tệ (NDT) là số tiền đền bù tổn thất tình cảm.

Tuy bà Trương Hoán Chi chỉ nhận được 2,7 triệu NDT, ít hơn nhiều so với yêu cầu đòi bồi thường 13,9 triệu NDT, nhưng đây là số tiền đền bù cao nhất ở Trung Quốc kể từ năm 1949 đến nay.

Cha mẹ Nhiếp Thụ Bân cầm di ảnh con trai.
Cha mẹ Nhiếp Thụ Bân cầm di ảnh con trai.

Bởi trước đó, gia đình tử tù người Nội Mông tên là Huugjilt (bị tử hình năm 1996 khi 18 tuổi) từng nhận được số tiền bồi thường 1 triệu NDT. Và khi đó đây là khoản bồi thường lớn nhất.

Bà Trương Hoán Chi đã gửi đơn tới Tòa án nhân dân Tối cao tỉnh Hà Bắc (14-12-2016), yêu cầu bồi thường 13,9 triệu NDT vì đã tử hình oan con trai Nhiếp Thụ Bân.

Đến cuối tháng 3-2017, bà Trương Hoán Chi được nhận 2,7 triệu NDT, nhưng danh tính của những người phải chịu trách nhiệm về cái chết của Nhiếp Thụ Bân vẫn chưa được công bố.

Tuy đa số người dân hoan nghênh quyết định của Toà án nhân dân Tối cao Trung Quốc, nhưng nhiều người vẫn đề nghị phải truy cứu trách nhiệm đối với những người có liên quan tới cái chết của Nhiếp Thụ Bân. "Bản án có sai sót là điều không thể tránh khỏi, nhưng tôi phiền lòng vì cách họ sửa chữa sai lầm", luật sư của gia đình Nhiếp Thụ Bân bày tỏ.

Bà Trương Hoán Chi nói, không bao giờ quên được cái nhìn cuối cùng của con trai trước khi bị kết án tử hình. "Phòng xử án ở tầng hai, trong khi một số cảnh sát chặn không cho tôi đến gần nó. Tôi phải hét tên nó lên và nó nhìn tôi, rồi gọi mẹ trong nước mắt".

Gia đình Nhiếp Thụ Bân bị bất ngờ về việc anh bị tử hình, chỉ biết sau khi quản giáo nói không cần gửi thêm đồ ăn vào nữa.

Mặc dù đầu năm 2005, Vương Thư Kim đã thừa nhận hắn chính là kẻ đã cưỡng hiếp và giết chết nạn nhân Khang Cúc Hoa, nhưng vụ án Nhiếp Thụ Bân vẫn không được xem lại.

Hung thủ Vương Thư Kim thừa nhận (tháng 1-2005) đã bắt cóc, cưỡng hiếp và giết hại nữ công nhân Khang Cúc Hoa. Luật sư của Vương Thư Kim cho biết, hắn không biết Nhiếp Thụ Bân đã bị tử hình trước khi thừa nhận.

Trong bản khai, Vương Thư Kim đã thuật lại chi tiết vụ án, hoàn toàn trùng khớp với hồ sơ vụ án của Nhiếp Thụ Bân. Tới tháng 9-2013, Tòa án tỉnh Hà Bắc tuy xử lại lần thứ hai, nhưng vẫn phán quyết Nhiếp Thụ Bân là hung thủ thực sự, bác lời khai của Vương Thư Kim.

Nhưng trước những chứng cứ đầy đủ và sức ép của dư luận, ngày 12-12-2014, Tòa án nhân dân Tối cao Trung Quốc đã yêu cầu Tòa án tỉnh Sơn Đông xem lại vụ án Nhiếp Thụ Bân.

Ngày 16-9-2015, Tòa án tỉnh Sơn Đông báo cáo và được phép kéo dài thời hạn phúc tra thêm 3 tháng. Tới khi đó sự thật của vụ việc mới được làm rõ. Theo giới truyền thông, người can thiệp vào vụ án Nhiếp Thụ Bân là Trương Việt, nguyên Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Ủy ban Chính pháp tỉnh Hà Bắc (đã bị bắt hồi tháng 7-2016). Nhiều người cho rằng, nếu Trương Việt không bị bắt thì việc minh oan cho Nhiếp Thụ Bân khó thực hiện.

Nhiếp Thụ Bân bị bắt sau khi cảnh sát thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc tìm thấy thi thể nạn nhân Khang Cúc Hoa. Và vụ án Nhiếp Thụ Bân được tiến hành với tốc độ nhanh khác thường. Ngày 20-4-1995 mới lập hồ sơ, nhưng ngày 22-4-1995 đã đưa bị can ra xét xử.

Ngày 25-4-1995, tòa ra phán quyết. Mặc dù thời gian, cách thức và động cơ gây án không được thừa nhận, các tài liệu chính liên quan tới nhân chứng và lời khai của bị cáo đều biến mất, nhưng Nhiếp Thụ Bân vẫn bị kết tội giết người, hiếp dâm và bị tử hình ngày 27-4-1995.

Khi đó, Nhiếp Thụ Bân mới 21 tuổi và cha mẹ anh không được thông báo về vụ tử hình và gặp con trai lần cuối. Cha của Nhiếp Thụ Bân, ông Nhiếp Học Sinh, từng tự tử nhiều lần nhưng bất thành, sau khi con trai bị tử hình. Ngày 2-12-2016, Nhiếp Thụ Bân mới chính thức được minh oan.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 2-12-2016, Tòa án nhân dân Tối cao Trung Quốc khẳng định, phán quyết của Tòa án thành phố Thạch Gia Trang và Tòa án tỉnh Hà Bắc về vụ án Nhiếp Thụ Bân tồn tại 8 vấn đề như không có chứng cứ cho thấy bị can liên quan đến vụ án, thời gian gây án không xác định, thiếu bút lục biên bản thẩm vấn của 5 ngày đầu sau khi bị can bị bắt, thiếu bút lục lời khai của các nhân chứng quan trọng…

Theo Phạm Huy Anh

Cảnh sát toàn cầu