1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khẩu chiến giữa Trung Quốc và EU

(Dân trí) - Châu Âu đang kịch liệt phản đối việc Bắc Kinh gọi các quy định của họ đối với hàng hóa Trung Quốc là chủ nghĩa bảo hộ. EU khẳng định rằng không có động cơ chính trị nào ở đây.

Giữa lúc mối lo ngại của người tiêu dùng và các cơ quan quản lý đối với vấn đề an toàn của hàng hóa xuất xứ Trung Quốc đang có chiều hướng gia tăng trong vài tuần trở lại đây, thì Liên minh châu Âu (EU) đã lớn tiếng phản đối tuyên bố của Bắc Kinh, cho rằng việc EU thắt chặt hệ thống tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là xuất phát từ mục đích chính trị, nhằm bảo hộ thị trường trong nước.

 

Ngày 20/8, Cao ủy thương mại EU, ông Peter Mandelson khẳng định rằng cáo buộc của Trung Quốc là hoàn toàn không đúng sự thật. “Đây không phải là vấn đề thương mại, mà là sức khỏe của người tiêu dùng,” ông nói.

 

Tuyên bố này của ông Mandelson được đưa ra ngay sau khi ông Lý Trường Giang, Cục trưởng Tổng Cục Kiểm dịch-Thanh tra-Giám sát chất lượng Trung Quốc (AQSIQ), vào ngày 19/8, đã khẳng định rằng việc cường điệu hóa mối đe dọa đến từ hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, hay “bôi nhọ” hình ảnh về hàng hóa Trung Quốc, đều có thể coi là chủ nghĩa bảo hộ thương mại, nhằm ngăn chặn hàng Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường EU (gồm 27 nước).

 

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng lên tiếng phản đối việc EU “vơ đũa cả nắm”. Họ cho rằng các vụ bê bối chất lượng gần đây liên quan đến hàng hóa do Trung Quốc chỉ là các trường hợp cá biệt, chứ không thể dựa vào đó mà quy kết cho tất cả sản phẩm “Made in China”.

 

Trong khi đó, bên cạnh việc bác bỏ các cáo buộc trên, ông Mandelson khuyến cáo Trung Quốc không nên áp dụng bất cứ biện pháp trả đũa nào, vì nếu làm như vậy, EU sẽ còn mạnh tay hơn.

 

Tựu chung lại, hàng hóa của Trung Quốc, hiện chiếm hơn 1/4 tổng nhập khẩu vào EU, đang là mối quan tâm số 1 của EU trong số các vấn đề về an toàn chất lượng.

 

Năm 2006, hơn 900 sản phẩm nhập khẩu đã bị xác định là quá nguy hiểm để có thể tiêu thụ ở thị trường EU, trong đó, gần một nửa có xuất xứ từ Trung Quốc.

 

Trong khi đó, năm 2005, 80% các vụ cảnh báo nguy hiểm đối với mặt hàng đồ chơi có liên quan đến sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.

 

Đặng Lê

Theo Business Week