Khám phá con tàu lớn gấp 6 lần tàu sân bay Mỹ
(Dân trí) - Tập đoàn dầu khí Shell đã công bố kế hoạch nhằm xây dựng dàn khoan khí hóa lỏng nổi (FLNG) đầu tiên trên thế giới. Dàn khoan nặng 600.000 tấn - nằm ngoài khơi bờ biển Australia - cũng sẽ là con tàu lớn nhất hành tinh.
Việc khai thác những nguồn khí đốt “bị mắc kẹt” này cho tới nay vẫn là không thể.
Tại xưởng đóng tàu Hãng công nghiệp nặng Samsung trên đảo Geoje của Hàn Quốc, việc đóng mới một “con tàu khủng” sắp bắt đầu. Khi hoàn thành và được chất đầy hàng, con tàu sẽ nặng 600.000 tấn.
Trọng lượng đó gấp 6 lần tàu sân bay lớn nhất của Mỹ. Con tàu dài 488m, rộng 75m và cao 105m.
Vào năm 2017, con tàu dự kiến sẽ neo ở ngoài khơi bờ biển Australia, nơi nó sẽ được dùng để thu khí tự nhiên từ mỏ khí Prelude của hãng Shell.
Khi khí được đưa lên tàu, nó sẽ được làm lạnh cho tới khi hóa lỏng và được giữ trong những thùng chứa lớn ở nhiệt độ âm 161 độ C.
Các tàu chở khí sau đó sẽ lên đường tới Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Thái Lan để dỡ hàng.
“Cách thức truyền thống của việc sản xuất khí ở ngoài khơi là thông qua các đường ống. Các bạn phải đưa khí tới dàn khoan và đưa chúng vào bờ bằng đường ống. Đó là phương pháp đã được thực hiện ở Biển Bắc”, Scotsman Neil Gilmour, tổng giám đốc dự án FLNG của Shell, nói.
Dàn khoan khí Predulue nằm cách bờ biển Kemberley của tây Australia khoảng 200km và không có đường ống nào được sử dụng tại đây.
Johan Hedstrom, nhà phân tích năng lượng tại Australia, cho hay: “Ý tưởng FLNG là một giải pháp thông minh vì bạn không cần nhiều cơ sở hạ tầng cố định. Bạn không cần đường ống hoặc nhà máy lọc trên bờ. Và khi hết khí, bạn chỉ cần nhổ cọc và di chuyển tới mỏ khí khác”.
Ông Gilmour cho hay Shell đã vượt qua "một loạt thách thức kỹ thuật", đảm bảo rằng thiết bị khổng lồ sẽ vẫn có thể hoạt động trong vùng biển động.
Dàn khoan Prelude dự kiến sẽ được đặt tại một khu vực vốn thường xảy ra các hiện tượng thời tiết đặc biệt nguy hiểm.
Nhưng ông Gilmour cho biết con tàu được thiết kế có thể đứng vững trước những cơn bão mạnh nhất, thậm chí 10.000 năm mới xảy ra một lần, di chuyển với sức gió
Những con tàu lớn nhất thế giới - Tàu Seawise Giant là con tàu lớn nhất thế giới từng được đóng. Khi chất đầy hàng, con tàu nặng 657.000 tấn. Nó đã bị phá hủy năm 2009. - Shell xem dàn khoan FLNG là một “cơ sở” hơn là một con tàu, khi chở đầy hàng sẽ nặng 600.000 tấn. - Daewoo đang đóng 10 con tàu công-ten-nơ Triple-E cho hãng vận chuyển đường biển Maersk, nặng 165.000 tấn. Mỗi tàu có thể chở tới 18.000 công-ten-nơ. - Titanic nặng gần 52.000 tấn. Nó đã bị chìm ngay trong chuyến vượt biển đầu tiên năm 1912. |
Con tàu hai thân được thiết kế để tồn tại trong 50 năm.
Khi mỏ khí Prelude cạn kiệt, trong thời gian khoảng 25 năm, con tàu sẽ được tân trang lại và nhổ neo để lên đường tới một mỏ khí khác ở ngoài khơi Australia, Angola, Venezuela hoặc một nơi nào đó.
Dự án FLNG, ước tính tiêu tốn 8-15 tỷ USD, có thể cung cấp 3,6 triệu tấn khí mỗi năm.
Bộ năng lượng và tài nguyên Australia đã hoan nghênh dự án Prelude.
Nhưng dự án cũng gặp phải sự phản đối từ các nhà môi trường do những lo ngại về khả năng rò rỉ và tràn dầu.
Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Tây Australia thì lo ngại rằng các đường ống ngầm sẽ làm tổn hại môi trường biển nhiệt đới, ước tính dự án sẽ thải ra hơn 2 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm. Khí được đưa lên từ đáy biển sẽ được lọc trong quá trình hóa lỏng và các sản phẩm thải sẽ được thiêu đốt.
Nhưng ông Gilmour cho hay dự án Prelude có thể là dự án đầu tiên trong vài dự án tương tự. Shell đã xác định rằng mỏ khí Sunrise tại Biển Timor có thể trở thành mỏ tiềm năng cho FLNG.
Con tàu, với phần đầu tiên sẽ được đóng vào năm 2012, hiện chưa có tên. Shell chỉ đơn giản gọi đó là một cơ sở.
“Có 4 hoặc 5 xưởng trên khắp sẽ thế giới sẽ tham gia xây dựng cơ sở này. Tại Anh, không có xưởng nào đủ lớn để chứa con tàu”, ông Gilmour nói.
An Bình
Theo BBC