1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 13 tại Singapore

Hôm nay (20/11), tại Singapore sẽ diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 13. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu nước ta tham dự Hội nghị quan trọng này.

Hội nghị cấp cao ASEAN 13 có ý nghĩa đặc biệt, vì tại đây, các nhà lãnh đạo của 10 quốc gia Đông Nam Á sẽ thông qua Hiến chương ASEAN, văn kiện lịch sử sẽ đưa ASEAN từ một Hiệp hội trở thành một cộng đồng mang tính pháp lý, bắt kịp xu hướng toàn cầu hóa - khu vực hoá với sự gắn kết giữa các quốc gia ngày càng chặt chẽ. Như vậy, sau 40 năm ra đời và phát triển, ASEAN sẽ có một bản hiến chương cho chính mình.

 

Mọi chuyện bắt đầu khi Hội nghị cấp cao ASEAN 11 diễn ra tại Kuala Lumpur, lần đầu tiên ra quyết định phải xây dựng Hiến chương ASEAN. Đó sẽ là một văn kiện hiến pháp lịch sử, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện mục tiêu thành lập một Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột: "An ninh", "Kinh tế" và "Văn hoá Xã hội".

 

ASEAN đã lập ra Nhóm Những nhân vật nổi tiếng (EPG) để đưa ra ý tưởng của bản Hiến chương. Một trong những người đó chính là Nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm.

 

Ông Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao cho biết: "Tất cả hoạt động của ASEAN trong gần 40 năm qua dựa trên những nguyên tắc được nêu trong những tuyên bố, các nghị quyết... có tính chất chính trị, nhưng chưa có tính pháp lí, do đó, sự ràng buộc có hạn. Hơn nữa, một tổ chức có tư cách pháp nhân mới có vai trò, vị trí to hơn... Ví dụ, việc ASEAN tham gia Liên Hợp Quốc với tư cách quan sát viên, nếu trước đây thì không được, nhưng sau khi có Hiến chương thì chắc chắn là được".

 

Hiến chương ASEAN phù hợp với tình hình cụ thể của khu vực, bằng việc sẽ xác định Cộng đồng ASEAN là một tổ chức Hợp tác Liên chính phủ, chứ không phải một Liên minh. Một văn kiện sẽ lưu giữ được những nguyên tắc "Vàng" của Hiệp hội từ suốt 40 năm qua, đó là "Tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng".

 

Cũng trong bản Hiến chương, một yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc, sức mạnh và sự đoàn kết trong ASEAN suốt 40 năm qua chính là nguyên tắc "đồng thuận", sẽ được kế thừa nhưng có thể bổ sung thêm nguyên tắc "bỏ phiếu". Và sẽ có một điểm mới trong Hiến chương ASEAN, đó là coi cộng đồng ASEAN là một tổ chức của nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, chứ không chỉ là "Câu lạc bộ" của giới quan chức.

 

Sau 40 năm, một "ngôi nhà" pháp lí chung cho cả ASEAN sắp được hoàn thành. Có thể ai đó cho rằng, việc ra đời Hiến chương ASEAN là hơi muộn, nhưng cũng nhiều người cho rằng "sẽ không muộn cho một sự chuyển mình mới". Và như lời Cựu Ngoại trưởng Indonesia Ali Alatas: "Cuộc sống vẫn bắt đầu ở tuổi 40".

 

Theo Nguyệt Hà

VTV