1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khắc tinh duy nhất với tên lửa Oreshnik "không thể đánh chặn" của Nga

Dương Đăng

(Dân trí) - Theo nhiều chuyên gia phương Tây, hệ thống phòng thủ THAAD do Mỹ chế tạo là đối trọng duy nhất với tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik thế hệ mới của Nga.

Khắc tinh duy nhất với tên lửa Oreshnik không thể đánh chặn của Nga - 1

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ (Ảnh: Lockheed Martin).

Sức mạnh tên lửa Oreshnik của Nga đang khiến Mỹ và các đồng minh NATO thực sự lo ngại. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, hiện tại không hệ thống phòng thủ nào có thể đánh chặn Oreshnik và thế giới cũng chưa có vũ khí nào tương tự.

Trong khi đó, các chuyên gia phương Tây lập luận rằng duy nhất một hệ thống có thể có cơ hội, dù là một cơ hội nhỏ, để ngăn chặn vũ khí như vậy của Nga. Đó là Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Theo Teal Group, THAAD là một "hệ thống di động được thiết kế để phòng thủ tầm xa chống lại các tên lửa như Oreshnik".

Một trong những yếu tố quan trọng nhất của THAAD là hệ thống radar đi kèm với tên lửa. Đó chỉ là một phần của Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Đạn đạo (BMDS) lớn hơn được xây dựng theo cam kết của chính quyền cựu Tổng thống Ronald Reagan trong việc tạo ra một lá chắn phòng thủ tên lửa quốc gia.

THAAD sẽ được sử dụng cùng với các hệ thống phòng thủ tầm ngắn hơn, chẳng hạn như hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot.

Mỗi hệ thống THAAD bao gồm 6 bệ phóng gắn trên khung gầm xe tải, mỗi bệ phóng có 8 tên lửa đánh chặn, một hệ thống radar tiên tiến, thiết bị điều khiển hỏa lực và thiết bị liên lạc. Cần có ít nhất 95 binh sĩ để vận hành hệ thống.

Hệ thống này có thể đánh chặn tên lửa cách đó 200km ở tầng khí quyển phía trên và trong một số trường hợp hiếm hoi là mục tiêu ngoài bầu khí quyển.

Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh chỉ có một số ít hệ thống này. Hơn nữa, có rất ít khả năng THAAD sẽ được thử nghiệm chống lại vũ khí siêu vượt âm do Nga phóng đi. Điều quan trọng nhất với Mỹ là đảm bảo được sự an toàn của hệ thống vốn đã hạn chế về số lượng này. Việc sử dụng THAAD chắc chắn sẽ biến chính hệ thống này thành mục tiêu của tên lửa Oreshnik.

Nếu THAAD bị phá hủy khi tác chiến thì sẽ có rất ít hy vọng chúng có thể được thay thế kịp thời, do nhu cầu cao và nguồn cung hạn chế.

Hơn nữa, hệ thống THAAD cũng không thể đảm bảo chắc chắn sẽ ngăn chặn những vũ khí siêu vượt âm mới của Nga.

Mỹ chỉ có 7 hệ thống THAAD, hệ thống tiếp theo dự kiến được triển khai vào khoảng năm 2025. 

Hiện tại, hai trong số các hệ thống này được triển khai cố định ở Guam và Hàn Quốc.

Hệ thống thứ ba đã được triển khai đến Trung Đông vào năm 2023. Sau các cuộc tấn công của Hamas vào tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã trực tiếp gửi một hệ thống THAAD khác đến Israel để đánh chặn các tên lửa nhắm vào quốc gia đồng minh này.

Ukraine đã yêu cầu Mỹ bàn giao hệ thống độc đáo và tiên tiến này. Washington có thể viện trợ tài chính và các hệ thống phòng thủ khác cho Ukraine, nhưng THAAD lại là trường hợp khác. Họ lo sợ rằng THAAD sẽ thất bại trong trận chiến. Hoặc đáng lo hơn, dữ liệu về THAAD có thể bị "rò rỉ" cho Nga hoặc một cường quốc khác, cho phép các đối thủ nhanh chóng bắt kịp Mỹ về công nghệ phòng thủ tên lửa.

Theo giới quan sát, Mỹ phải tìm cách mở rộng quy mô sản xuất các hệ thống này và triển khai chúng để phòng thủ tốt hơn. Quan trọng hơn, Lầu Năm Góc phải dành thời gian và nguồn lực đáng kể để phát triển hệ thống phòng thủ thực sự có thể chống lại vũ khí siêu vượt âm.

Theo National Interest