1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kết quả nào cho cuộc gặp Obama-Aso?

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ vun đắp quan hệ đồng minh vốn đã vững chắc với Tokyo và gọi quan hệ này là “nền móng an ninh ở Đông Á”.

Kết quả nào cho cuộc gặp Obama-Aso? - 1
Hai nhà lãnh đạo ở Phòng Bầu Dục.
 
Trong khi đó, hầu hết các nhà phân tích cho rằng cuộc gặp cấp cao giữa một Tổng thống Mỹ có tỷ lệ ủng hộ của dân chúng rất cao và một Thủ tướng Nhật Bản đang bị mất lòng dân nghiêm trọng chủ yếu mang tính biểu tượng và khó có thể đưa đến những kết quả cụ thể.

Phát biểu trong buổi tiếp Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso tại Phòng Bầu Dục ngày hôm qua, ông Obama nói: “Rõ ràng là mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản rất quan trọng đối với đất nước chúng tôi. Đây là mối quan hệ mà chính quyền của tôi muốn tăng cường”.

Trước báo giới sau đó, ông Obama nhấn mạnh Nhật Bản là đối tác lớn của Mỹ trong những vấn đề từ thay đổi khí hậu đến Afghanistan. Về phía mình, ông Aso bày tỏ “rất vinh dự” được mời thăm nước Mỹ và nhấn mạnh hai nước “sẽ hợp tác” trong những vấn đề như khủng hoảng tài chính.

Trong cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo còn thảo luận vấn đề kinh tế thế giới, chương trình hạt nhân của Triều Tiên và cuộc chiến ở Afghanistan.

Ngay trước đó, các nhà phân tích cho rằng kết quả thu được từ cuộc thảo luận là hạn chế. Ví dụ trong hồ sơ Afghanistan: Ít có khả năng ông Taro Aso hứa là Nhật Bản sẽ hỗ trợ thêm về mặt quân sự. Về vấn đề Iraq, phe đối lập tại Nhật Bản đang tranh cãi việc đưa quân đội sang Iraq, cho dù không nhằm mục đích tham chiến, cũng vi phạm hiến pháp chủ hòa của nước này.

Kinh tế Nhật Bản đang lâm vào tình trạng khốn đốn. Ngay trước chuyến đi của ông Aso, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Thủ tướng sẽ giải thích với tổng thống Obama về kế hoạch chấn hưng kinh tế của Tokyo. Theo giới chuyên gia, đây cũng là dịp để lãnh đạo Nhật Bản bày tỏ những quan ngại của các đồng minh về nguy cơ bảo hộ mậu dịch tại Mỹ.

Trong khi đó, theo báo chí Nhật Bản, có thể Washington sẽ yêu cầu Tokyo tăng cường mua công trái Mỹ, nguồn tài chính quan trọng trong kế hoạch kích thích kinh tế của ông Obama. Tuần trước, khi công du Bắc Kinh, Ngoại trưởng Hillary cũng đã kêu gọi Trung Quốc tiếp tục mua công trái của Mỹ.

“Cuộc gặp này không phải giữa các cá nhân mà vì mối quan hệ hai nước”, Ralph Cossa, người đứng đầu nhóm nghiên cứu về Nam Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) nói. Do vậy, việc tổng thống Mỹ lựa chọn thủ tướng Nhật Bản là vị khách mời nước ngoài đầu tiên là nhằm thể hiện quyết tâm của Washington ủng hộ đồng minh Tokyo hơn là hỗ trợ ông Taro Aso.

Cũng như Cossa, nhiều nhà phân tích cho rằng mục đích chính của cuộc gặp này là làm dịu đi mối lo ngại của Tokyo về vị trí và vai trò là đồng minh hàng đầu của Mỹ tại châu Á. Năm ngoái, quan hệ song phương đã căng thẳng thêm khi Mỹ rút Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia hỗ trợ khủng bố vào lúc Tokyo đang tìm mọi cách gây sức ép đòi Bình Nhưỡng cung cấp các thông tin về số phận của những người Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980.

Ngoài ra, theo giáo sư Fumiaki Kubo, thuộc đại học Tokyo, Nhật Bản, có một số lo ngại là tân chính quyền Mỹ sẽ chuyển hướng chú ý sang Trung Quốc. Do vậy, thông qua chuyến công du của thủ tướng Taro Aso, chính quyền Obama muốn trấn an Nhật Bản rằng Washington vẫn coi Tokyo là một đồng minh quan trọng. Về khía cạnh này, thông điệp của Mỹ rất rõ ràng. Chuyến đi Washington của thủ tướng Nhật Bản diễn ra chỉ một tuần sau khi ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thăm Tokyo và bà đã nhấn mạnh rằng mối quan hệ với Nhật Bản là nền tảng trong chính sách châu Á của Mỹ.

Nhật Mai
Theo Reuters, AFP