Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia
(Dân trí) - Lực lượng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có thể đóng góp các sáng kiến, khuyến nghị trong việc ứng dụng công nghệ, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Chiều ngày 4/12, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học & Công nghệ cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo "Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia" và ra mắt "Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa công nghệ".
Đây là hoạt động tiếp nối sự kiện "Kết nối và phát huy nguồn lực NVNONN hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" diễn ra hồi tháng 7/2021 nhằm hướng tới mục tiêu thu hút sáng kiến, khuyến nghị của các chuyên gia kiều bào trong việc ứng dụng công nghệ, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; tạo môi trường đối thoại, chia sẻ nhu cầu của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước với các chuyên gia kiều bào.
Hội thảo có sự tham dự của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học & Công nghệ, 21 Chủ tịch các Hội trí thức NVNONN tại 15 vùng lãnh thổ cùng các chuyên gia kiều bào, doanh nghiệp khởi nghiệp, các đơn vị hỗ trợ Techfest 2021 và đại diện một số địa phương, cơ quan quản lý liên quan.
Trên tinh thần "phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào NVNONN đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" của Kết luận số 12 về Công tác NVNONN trong tình hình mới, hội thảo đã tạo ra môi trường rộng mở, kết nối các giá trị Việt từ khắp nơi trên thế giới hướng tới mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Theo bà Dương Hồng Anh, Đại diện Văn phòng Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam tại nước ngoài, mạng lưới chuyên gia kiều bào đóng vai trò quan trọng trong công tác hỗ trợ và chuyển giao, đổi mới công nghệ, tập trung vào thu nhận các thông tin tiến bộ kỹ thuật, làm cầu nối cho các dự án khoa học công nghệ trong nước, thực hiện kết nối đầu tư, chuyển giao công nghệ của các tổ chức khoa học trong nước và các tổ chức quốc tế.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục thị trường và doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ, đã chia sẻ về nỗ lực mở rộng phạm vi hoạt động của các hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ. Ông cũng đề xuất mô hình tổ chức của mạng lưới quốc gia để thu hút nguồn lực xã hội. Theo ông, đó là mô hình "mạng lưới của mạng lưới", tôn trọng tất cả các mạng lưới hình thành tự nhiên trong thị trường và kết nối lại dưới sự chỉ đạo của ban điều phối.
Với mục tiêu kết nối bên cung (bên có tiềm năng) và bên cầu (bên có nhu cầu sử dụng tiềm năng đó), hội thảo là dịp để các vị Chủ tịch Hội trí thức kiều bào chia sẻ về tiềm năng của hội với mong muốn kết nối, thu hút nguồn lực từ các trưởng làng Techfest.
Theo các Chủ tịch của Hội tri thức Việt Nam tại Nhật Bản, Đức, Anh và Ireland, hiện cộng đồng người Việt Nam nói chung, và trí thức nói riêng tại nước ngoài đang phát triển rất nhanh với nhiều tiềm năng khởi nghiệp trải dài trên các lĩnh vực.
GS.TS Nghiêm Đức Long, Chủ tịch CLB Trí thức người Việt Nam tại New South Wales (Australia), bày tỏ mong muốn làm việc, hợp tác nhiều hơn với các startup tại Việt Nam để mở rộng mạng lưới kết nối.
GS.TS Lê Bảo Long cho rằng, để việc kết nối đạt hiệu quả, bước đầu tiên cần xây dựng cơ sở dữ liệu về nhu cầu cụ thể của các doanh nghiệp startup trong nước, sau đó đại diện ở nước ngoài sẽ tìm cách kết nối đến các chuyên gia phù hợp nhất.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đánh giá cao những nỗ lực của mạng lưới kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước với cộng đồng chuyên gia, các nhà khoa học kiều bào. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm, bên cạnh những thách thức về an ninh y tế, chuỗi cung ứng hàng hóa, giáo dục, dịch vụ,.. đại dịch đã tạo ra một áp lực cho tất cả các quốc gia trong việc thay đổi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Trong bối cảnh mới, hội thảo "Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Quốc gia" cùng sự ra đời của "Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa công nghệ" sẽ giúp thúc đẩy kết nối trí tuệ của lực lượng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, tối ưu hóa nguồn lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước, đồng thời phát huy khối đại đoàn kết toàn dân.