Kèn vuvuzela Nam Phi và sự “góp mặt” của Trung Quốc
(Dân trí) - Trung Quốc cho biết có tới 90% kèn vuvuzela bán ở Nam Phi hiện nay được họ sản xuất và bất chấp sự phản đối của một số cầu thủ, người xem truyền hình, dân Trung Quốc vẫn tự hào tiếng kèn đã thể hiện sự "góp mặt" của họ tại World Cup 2010.

Và nếu những tiếng kèn khá chói tai này có đang làm hỏng sự tập trung của bạn vào các trận cầu tại World Cup, bạn đừng mong tìm kiếm được sự cảm thông từ phía nữ doanh nhân người Trung Quốc Gua Lili.
Nhà máy đồ chơi Guangda của Gua ở trung tâm sản xuất Nghĩa Ô, thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang, đã sản xuất và xuất khẩu hơn 1 triệu chiếc kèn nhựa, với âm thanh được ví như một bầy ong trong cơn thịnh nộ này. Nhịp độ sản xuất hiện đang hướng tới con số 20.000 chiếc mỗi ngày.
Tuy nhiên, không phải ai cũng là fan của vuvuzela. Các cầu thủ bóng đã đã chỉ trích âm thanh của nó khiến họ khó nghe được lời chỉ dẫn của huấn luyện viên; trong khi cổ động viên từ các nước khác tới Nam Phi không có cơ hội hát bài hát của nước họ giữa những âm thanh “như bầy ong giận dữ” đó. Một kênh truyền hình cáp của Pháp thậm chí còn đề nghị lọc tiếng vuvuzela khi phát các trận đấu bóng World Cup.
Trong khi đó, những người bảo vệ vuvuzela gồm cả Chủ tịch FIFA Sepp Blatter, mục sư giành giải Nobel Hoà bình Desmond Tutu và đương nhiên là các cổ động viên nước chủ nhà World Cup Nam Phi.
Nhu cầu kèn vuvuzela tăng sau World Cup
Và nếu bạn cho rằng âm thanh “chói tai” của vuvuzela sẽ dần lùi vào dĩ vãng khi World Cup chấm dứt vào tháng tới, thì bạn có thể đã nhầm. Gua tin tưởng nhu cầu về loại kèn này sẽ tăng mạnh.
“Chúng tôi tin rằng thị trường kèn vuvuzela sẽ mở rộng sau World Cup bởi mọi người trên nhiều nước đã bắt đầu thích nó”, cô cho biết.

Kèn vuvuzela lần đầu tiên được Neil Van Schalkwyk, người Nam Phi, sản xuất và đưa ra thị trường vào năm 2001. Hiện ông vẫn sở hữu quyền đối với cái tên vuvuzela. Sáng tạo mới nhất của ông là bán kèm mỗi chiếc kèn một “cặp tai”.
Các công ty Trung Quốc giành được ưu thế trong thị trường vuvuzela đúng theo cách mà bấy lâu nay họ vẫn “thống trị” ở hầu hết mọi ngành từ giày dép tới đầu đĩa: chất lượng ổn, quay vòng nhanh và giá cực rẻ.
Gua cho hay công ty của cô bán kèn vuvuzela cho các hãng mua với giá không quá 2,5 tệ (khoảng 8 nghìn đồng hoặc 36 cent Mỹ). Thế nhưng, ở nước ngoài họ bán tới 10 USD.
“Giờ chúng tôi đang để mắt tới thị trường Trung Quốc vì nhu cầu trong nước đang tăng trong vài ngày qua”, Gua cho biết.
Một giám đốc bán hàng ở Letoys tại Quảng Đông cho hay công ty anh bắt đầu cung cấp kèn vuvuzela tới thị trường Nam Phi nhiều năm trước đây và kể từ đó đã bán được khoảng 1 triệu chiếc trên toàn cầu. “Chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất cho đến khi nào nhu cầu vẫn còn”, người đàn ông có họ Zeng cho biết.
Phan Anh
Theo AP