Kế hoạch tăng cường hiện diện toàn cầu tàu sân bay Mỹ
Các quan chức quân sự hàng đầu Mỹ tuyên bố Hải quân Mỹ đang tăng cường hiện diện tàu sân bay trên phạm vi toàn cầu.
Trong những năm qua, các tàu sân bay của Hải quân Mỹ đã thực sự vận hành cao độ. Cũng như các loại máy móc thiết bị khác, các tàu này đã đến lúc cần được kiểm tra bảo dưỡng. Trước tình hình này, nhiều tin đồn được tung ra cho rằng quân đội Mỹ có thể thiếu hụt tàu sân bay ở Trung Đông trong mùa thu này.
Phát ngôn viên của Hải quân Mỹ - Trung úy Tim Hawkins phát biểu: "Việc tăng cường tần suất và triển khai mở rộng nhóm tàu sân bay tác chiến trong năm qua đã khiến lực lượng này xuống cấp, điều này dẫn đến yêu cầu bảo trì, sửa chữa và kéo dài thời gian bảo trì”.
Một số người đã bày tỏ lo ngại về việc giảm hiện diện của Hải quân Mỹ ở Trung Đông trong thời điểm này vì vai trò chủ chốt của Mỹ trong các cuộc không kích Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Tàu sân bay USS Ford tại xưởng. (Nguồn: Newsport News)
Trung úy Tim Hawkins cho biết tàu sân bay Mỹ có thể sẽ giảm hiện diện ở một số khu vực nhưng sẽ gia tăng hiện diện trên phạm vi toàn cầu. Hải quân sẽ vẫn đáp ứng các yêu cầu toàn cầu của Bộ Quốc Phòng.
“Trong tình hình khẩn cấp, chúng tôi sẽ có mặt kịp thời. Chúng tôi thừa nhận rằng các tàu sân bay cần được bảo trì, khôi phục để sẵn sàng phục vụ trong những năm tới. Điều chúng tôi đang làm hôm nay chính là nhằm mục đích này”, Tim Hawkins cho biết.
Để hỗ trợ gia tăng hiện diện Hải quân, Lầu Năm Góc hy vọng tàu sân bay không đối thủ USS Ford lừng danh sẽ sẵn sàng đi vào hoạt động trong năm tới.
Tháng 05-2015, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Malbus đã tuyên bố rằng Lầu Năm Góc sẽ hoàn thành việc đóng mới 300 tàu trước năm 2020. Và Hải quân Mỹ sẽ dịch chuyển tối thiểu 60% lực lượng hạm đội đến Thái Bình Dương.
Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Châu Á – Thái Bình Dương
Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo hồi tháng 04-2015: “Hệ thống vũ khí tối tân hùng hậu nhất sẽ được triển khai trước hết ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Khi việc dịch chuyển hoàn tất, 60% hạm đội Mỹ sẽ được triển khai hiện diện tại khu vực này”.
Động thái này của Mỹ được xem như một phản ứng trước các mối đe dọa đến từ Trung Quốc. Việc Bắc Kinh xây đắp đảo nhân tạo trái phép ở biển Đông đã khiến Mỹ lo ngại về sự tái cân bằng quyền lực trong khu vực này. Do vậy, Mỹ đã nhúng tay can dự vào một số cuộc diễn tập quân sự với các đồng minh của mình ở Thái Bình Dương.
Theo Thùy Vân/Sputniknews
Pháp luật TPHCM