1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Trump liệu có khả thi?

(Dân trí) - Thế giới có phản ứng trái chiều về Kế hoạch hòa bình Trung Đông được cho là mang tầm cỡ thế kỷ mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất mới đây.

Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Trump liệu có khả thi? - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty)

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố Kế hoạch hòa bình Trung Đông hôm 28/1, trong đó đề xuất giải pháp cho vấn đề Israel và Palestine. Một số tổ chức quốc tế và chính phủ trên thế giới đưa ra những phản ứng khác nhau, nhất là sự phản đối của người Palestine và thế giới Arab. Các chuyên gia còn tỏ ra “hoài nghi” về tính khả thi của kế hoạch bởi chưa giải quyết được những yêu cầu chính yếu của người Palestine.

Theo Kế hoạch hòa bình Trung Đông do Tổng thống Trump đề xuất, Nhà nước Palestine sẽ được độc lập, với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, có quyền kiểm soát vùng diện tích lãnh thổ lớn gấp hai lần so với hiện nay. Mỹ hứa sẽ chi 50 tỉ USD hỗ trợ Palestine phát triển kinh tế. Các khu định cư của Người Do Thái vẫn thuộc chủ quyền của Israel và Jerusalem vẫn là thủ đô “không thể tách rời” của nước này.

Tổng thống Trump khẳng định đề xuất trên là “thỏa thuận thế kỷ”, là “cơ hội lịch sử” để thành lập nhà nước độc lập và xóa bỏ sự khốn khổ cho người Palestine. Ông Trump cho rằng, đây là một bước tiến lớn đối với hòa bình ở Trung Đông, giải quyết những thách thức chính trị kéo dài trong nhiều năm qua giữa Israel và Palestine.

Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ đã nhận được các phản ứng trái chiều. Thủ tướng Israel Netanyahu ca ngợi đây là “kế hoạch tuyệt vời cho Israel, cho hòa bình”. Ả rập Xê út đánh giá cao những nỗ lực của Tổng thống Trump, đồng thời kêu gọi Israel và Palestine khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp. Ả rập Xê út nhấn mạnh mọi bất đồng về Kế hoạch hòa bình Trung Đông nên được giải quyết thông qua các cuộc thương lượng với sự bảo trợ của Mỹ.

Tuy nhiên, kế hoạch hòa bình mới của Mỹ đã vấp phải những sự chỉ trích và phản đối. Tổng thống Palestine Mahmud Abbas khẳng định kế hoạch này vi phạm luật pháp quốc tế, chủ quyền và quyền dân tộc tự quyết của người dân Palestine. Ông kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) và Nhóm Bộ tứ (Mỹ, Nga, EU, LHQ) tiến hành ngay một hội nghị quốc tế về hòa bình Trung Đông để thúc đẩy thực hiện các nghị quyết HĐBA và Sáng kiến Hòa bình Arab.

Liên đoàn Arab cũng tuyên bố bác bỏ trong phiên họp khẩn cấp tại Cairo (Ai Cập). Các quốc gia Arab nhất trí không hợp tác với Mỹ trong thực thi kế hoạch này, đồng thời kiên quyết bảo vệ giải pháp hai nhà nước, bao gồm việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập dựa trên đường biên giới từ trước năm 1967 với thủ đô là Đông Jerusalem.

Tại phiên họp ngày 11/2, nhiều nước ủy viên HĐBA, LHQ không đồng tình với Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ. Các nước Bỉ, Estonia, Pháp, Đức, Ba Lan... cho rằng, kế hoạch hòa bình mới vừa công bố đã đi chệch khỏi những giới hạn được cộng đồng quốc tế nhất trí.

Trung Quốc cho rằng, vấn đề của Palestine chỉ có thể được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị, dựa trên đối thoại, thương lượng, bình đẳng và phải góp phần thiết lập một giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài. Nga thì tỏ ý hoài nghi về tính hợp pháp của kế hoạch này, vì nó đi ngược lại các nghị quyết của LHQ và bị thế giới Arab bác bỏ.

Iran tuyên bố kế hoạch này sẽ không thể thực hiện được. Iraq khẳng định ủng hộ người Palestine, đồng thời yêu cầu Israel trả toàn bộ các khu vực bị chiếm đóng cho Syria và Lebanon. Còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, đây là “một dự án chiếm đóng”.

Trong khi đó, EU bác bỏ nhiều phần của bản kế hoạch hòa bình, do vi phạm “các giới hạn mà cộng đồng quốc tế đã nhất trí” và cho rằng việc Israel sáp nhập đất đai của người Palestine sẽ vấp phải sự phản đối.

Chính quyền Tổng thống Trump đưa ra bản kế hoạch như một sự dàn xếp hướng tới sự công bằng và ổn định cho hai nhà nước độc lập trong tương lai. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, bản kế hoạch có phần thiên vị, ưu ái cho Israel hơn và chưa giải quyết được những yêu cầu chính yếu của người Palestine.

Theo Tổng thống Trump, bản kế hoạch mà ông đưa ra sẽ giúp Palestine “tăng gấp đôi lãnh thổ”, kiểm soát tới 70% Bờ Tây. Tuy nhiên, theo tạp chí Time, đề xuất này còn thấp hơn đề nghị của cựu Tổng thống Bill Clinton hồi năm 2000, với 94% - 96% Bờ Tây. Người Palestine không chấp nhận sự phân chia như hiện tại sau cuộc chiến năm 1948 và “chiến tranh 6 ngày” năm 1967.

Hơn nữa, diện tích đất đai không phải là vấn đề lớn nhất đối với người Palestine, mà là ý nghĩa về mặt chính trị. Jerusalem vẫn là biểu tượng cho chủ quyền của một nhà nước Palestine độc lập. Thế nhưng theo đề xuất của Tổng thống Trump, Jerusalem lại là thủ đô của Israel.

Mặt khác, theo điều khoản trong văn bản của Nhà Trắng, những người Palestine tị nạn có thể chọn quay về nhà nước Palestine mới hoặc sống ở nước thứ ba. Điều đó có nghĩa là những người Palestine tị nạn sẽ không được quay về quê hương của họ. Đây là điều khó chấp nhận đối với người Palestine.

Như vậy, đề xuất của Tổng thống Trump tuy có thiện ý với mục tiêu thiết lập hòa bình cho tương lai, nhưng còn thiếu tính toàn diện, chưa chú trọng giải quyết những giá trị cốt lõi về vấn đề hòa bình Trung Đông mà các bên liên quan, nhất là người Palestine mong muốn đó là, “một giải pháp chính trị vĩnh viễn nhằm chấm dứt xung đột”. Vì thế, giới phân tích cho rằng, kế hoạch hòa bình của Tổng thống Trump khó khả thi là có cơ sở.

Nguyễn Nhâm