Israel có thể tiêu hủy 80.000 liều vắc xin Pfizer
(Dân trí) - Israel đang chuẩn bị loại bỏ khoảng 80.000 liều vắc xin Covid-19 Pfizer sau khi số vắc xin này hết hạn sử dụng.
Truyền thông Israel ngày 31/7 đưa tin, mặc dù chiến dịch tiêm vắc xin tăng cường cho người cao tuổi chỉ mới được khởi động, nhưng Israel được cho là sẵn sàng tiêu hủy hàng nghìn liều vắc xin đã hết hạn vào cuối tháng 7.
Theo kênh Channel 12, khoảng 80.000 liều vắc xin chưa sử dụng, trị giá khoảng 1,8 triệu USD, dự kiến sẽ bị "ném vào thùng rác".
Trước đó, chính phủ Israel đã nỗ lực trao đổi số vắc xin này với các quốc gia khác hoặc tiêm chủng khẩn trương cho các công dân Israel trong thời gian sớm nhất trước khi vắc xin hết hạn sử dụng, tuy nhiên kế hoạch này mới chỉ thành công một phần.
Ban đầu, thỏa thuận trao đổi vắc xin giữa Israel và Palestine bị thất bại do lo ngại về việc vắc xin đã quá gần tới ngày hết hạn. Israel sau đó đã ký một thỏa thuận trao đổi vắc xin tương tự với Hàn Quốc, đồng ý xuất khoảng 700.000 liều trong số gần 1,4 triệu liều vắc xin chuẩn bị hết hạn vào cuối tháng 7 cho Hàn Quốc. Đổi lại, Hàn Quốc đồng ý gửi số liều vắc xin tương tự cho Israel vào mùa thu.
Trước đó, Israel đã lên kế hoạch sử dụng thêm 600.000 liều vắc xin để tiêm chủng cho trẻ em từ 12-15 tuổi, còn số phận của 100.000 vắc xin còn lại vẫn chưa rõ ràng.
Phản ứng trước thông tin trên, Bộ Y tế Israel không xác nhận cũng không phủ nhận việc tiêu hủy vắc xin, với lý do đó là "các thỏa thuận bảo mật".
"Nhà nước Israel quản lý kho vắc xin của mình trong khi vẫn chú ý đến hạn sử dụng của sản phẩm", Bộ Y tế Israel cho biết.
Việc tiêu hủy vắc xin diễn ra trong bối cảnh Israel đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. Israel sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm mũi vắc xin thứ 3, được gọi là mũi tiêm tăng cường, cho những người trên 60 tuổi, trong bối cảnh có nhiều lo ngại về hiệu quả giảm dần của vắc xin Pfizer đối với biến chủng Delta lây lan nhanh.
Tháng trước, Bộ Y tế Israel cho biết hiệu quả của vắc xin Pfizer trong việc ngăn ngừa ca nhiễm có triệu chứng đã giảm xuống còn 64%, tuy nhiên vắc xin này vẫn có hiệu quả 93% trong việc ngăn ngừa các ca bệnh nặng.
Chiến dịch tiêm vắc xin tăng cường chính thức được khởi động hôm 30/7. Tổng thống Isaac Herzog, 60 tuổi, là một trong những người đầu tiên tiêm mũi vắc xin thứ 3. Cho đến nay, khoảng 59% dân số Israel đã được tiêm chủng đầy đủ 2 liều vắc xin.
Israel là quốc gia đi đầu thế giới về chương trình tiêm chủng vắc xin và được xem là hình mẫu tiêm chủng của thế giới. Israel bắt đầu tiêm chủng vào tháng 12 năm ngoái và đến ngày 20/3, hơn một nửa trong số 9 triệu người Israel đã được tiêm chủng đầy đủ.
Tuy nhiên biến chủng Delta xuất hiện đã thách thức nỗ lực mở cửa trở lại của Israel. Ngay sau khi các biện pháp hạn chế chống dịch tại Israel được dỡ bỏ, số ca nhiễm đã tăng vọt lên mức trung bình hơn 1.000 trường hợp trong 7 ngày vào tuần trước, đánh dấu lần đầu tiên Isarel ghi nhận tình trạng này kể từ tháng 3. Israel hiện ghi nhận hơn 6.400 ca tử vong và hơn 874.000 ca mắc Covid-19.