IS hủy hoại các di sản văn hóa: Thách thức ý chí nhân loại
Các phiến quân cực đoan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang thực hiện chiến dịch xóa bỏ các di tích cổ tại Iraq và Syria mà chúng coi là thúc đẩy tư tưởng sùng bái thần thánh, vi phạm sự diễn giải cơ bản của luật Hồi giáo.
Là một phần của nhóm Hồi giáo cực đoan, IS coi tất cả các đền thờ tôn giáo khác như Thiên chúa giáo, Do Thái, thậm chí cả các nhóm Hồi giáo khác là biểu tượng của sự sùng bái thần tượng, một điều rất cấm kị trong Hồi giáo. Vì vậy, nhóm này đang thực hiện chiến dịch xóa bỏ các di tích cổ mà chúng coi là "thúc đẩy tư tưởng sùng bái thần và tuyên truyền dị giáo". Khi những chiến binh IS tràn vào những vùng đất rộng lớn ở miền Bắc Iraq, hơn 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa lánh nạn và nhiều người trong số đó xuất thân từ các cộng đồng tôn giáo thiểu số lâu đời ở địa phương.
Kể từ khi các phần tử IS chiếm lấy một vùng lãnh thổ rộng lớn của Iraq, chúng đã tấn công nhiều địa điểm khảo cổ và tôn giáo. Năm 2014, các phiến quân đã cho nổ tung 2 ngôi đền cổ ở Mosul và đe dọa phá hủy đền thờ Crooked Minaret 850 tuổi cũng tại thành phố này, nhưng người dân địa phương đã kịp thời ngăn chặn. Không chỉ phá hủy nhà cửa và đền thờ, IS còn đe dọa cả di sản văn hóa cổ của người Cơ Đốc giáo, sắc tộc Yazidi cùng với các nhóm thiểu số khác. Giới chức Iraq và các tổ chức quốc tế cho biết rất khó để xác định có tất cả bao nhiêu di tích văn hóa và tôn giáo bị gây tổn hại hay hủy hoại trong những vùng đất rộng lớn miền Bắc Iraq sau khi rơi vào tay phiến quân IS. Lý giải về hành động của mình, nhóm khủng bố cho biết, sẽ tiếp tục "thách thức ý chí của thế giới và nhân loại", khi cộng đồng quốc tế kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ tổ chức một cuộc họp để thảo luận việc bảo vệ di sản văn hóa ở Iraq".
Sau khi xảy ra nhiều vụ phá hoại di sản văn hóa, Bộ Du lịch và Cổ vật Iraq đã lên án những hành động mà IS gây ra. Tiến sĩ Lamia al-Gailani - Nhà khảo cổ Iraq cho biết: "Chúng đang xóa bỏ lịch sử của chúng tôi". Trong khi đó, Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) tại Iraq, ông Alex Plathe, cáo buộc cuộc tấn công của IS vào Nimrud là "một cuộc tấn công ghê rợn vào di sản của Iraq và nhân loại". Những hành động điên rồ và vô lý ấy dù mang danh nghĩa tôn giáo nhưng thực chất việc cướp bóc các di tích khảo cổ còn nhằm tiếp tay cho nạn buôn lậu cổ vật, vốn trực tiếp đóng góp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố.
Một số chuyên gia đánh giá IS kiếm được hơn 200 triệu USD từ hoạt động cướp bóc các di tích văn hóa cổ, nhưng UNESCO cho rằng con số có thể cao hơn nhiều. UNESCO đã đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ có những biện pháp mới để kiểm soát hoạt động buôn lậu cổ vật, tương tự như những gì đã làm trong chiến tranh Iraq năm 2003 khi nạn cướp phá các nhà bảo tàng cùng với những địa điểm khảo cổ diễn ra lan tràn.