1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

IS có thể đối mặt "cơn thịnh nộ" của Putin sau vụ máy bay rơi

(Dân trí) - Vụ đánh bom khủng bố máy bay Nga do IS nhận trách nhiệm, nếu được xác nhận, có thể là cơ hội để Tổng thống Putin đẩy mạnh chiến dịch tại Syria, đồng thời mở ra cơ hội xích lại gần với phương Tây thông qua hợp tác chống khủng bố.

Những ngày qua, các nhà phân tích tình báo phương Tây ngày càng nghiêng về khả năng vụ rơi máy bay Nga tại bán đảo Sinai, Ai Cập có bàn tay của các phần tử khủng bố.

Một người Ai Cập tới tưởng niệm các nạn nhân vụ tai nạn máy bay Nga tại Sinai (Ảnh: EPA)
Một người Ai Cập tới tưởng niệm các nạn nhân vụ tai nạn máy bay Nga tại Sinai (Ảnh: EPA)

Trả lời hãng tin Reuters ngày 8/11, một thành viên ủy ban điều tra vụ tai nạn thậm chí khẳng định, phân tích dữ liệu hộp đen cho thấy “90% chắc chắn rằng đã có một quả bom” phát nổ trên máy bay.

Trước đó, hôm thứ Bảy, trưởng nhóm điều tra ông Ayman al-Muqaddam cho biết, có vẻ máy bay đã vỡ tung trên không, khi đang bay ở chế độ lái tự động. Ông Muqaddam tiết lộ thêm rằng một tiếng ồn lớn đã được thiết bị ghi âm buồng lái ghi nhận ở giây cuối cùng trước khi ngừng hoạt động.

Ngay sau vụ máy bay rơi, nhóm Hồi giáo cực đoan tại bán đảo Sinai, có liên hệ với IS, đã tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ việc, với khẳng định hành động này nhằm trả đũa việc Nga không kích các phần tử IS tại Syria. Nhóm này còn tuyên bố sẽ công khai kế hoạch tấn công này.

Không khoan nhượng

Dù vậy, theo tờ Los Angeles Times của Mỹ, sẽ là sai lầm nếu ai đó tin rằng vụ đánh bom máy bay, nếu được xác nhận, sẽ khiến Tổng thống Nga Putin chùn bước trong cuộc chiến chống khủng bố.

Lịch sử 15 năm thực thi các chính sách đối ngoại cho thấy, Putin sẽ đẩy mạnh vai trò của Nga trong cuộc chiến hiện nay, thay vì rút lui trong sợ hãi bị IS trả đũa. Các hành động quân sự của Nga đến nay đã nhận được sự hưởng ứng lớn từ công chúng, với lòng tự hào dân tộc trong người dân lên cao.

Người Nga tại St.Peterburg tuần hành tưởng nhớ nạn nhân vụ rơi máy bay (Ảnh: AP)
Người Nga tại St.Peterburg tuần hành tưởng nhớ nạn nhân vụ rơi máy bay (Ảnh: AP)

“Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử ứng phó của Vladimir Putin với những kẻ khủng bố, ông ấy luôn đáp trả mạnh mẽ, và chiến lược của ông ấy hầu như không có ngoại lệ cho việc tiêu diệt hết bọn chúng. Điều này cũng có nghĩa là chiến dịch tại Syria sẽ mở rộng”, Varvara Pakhomenko, nhà phân tích tổ chức nghiên cứu Nhóm khủng hoảng quốc tế khẳng định với tờ Wall Street Journal.

Năm 1999, sau một loạt vụ đánh bom các căn hộ tại các thành phố Mátxcơva, Buinaksk và Volgodonsk khiến khoảng 300 người thiệt mạng, Putin khi đó là thủ tướng đã phản ứng mau lẹ. Ông trực tiếp chỉ đạo triển khai một chiến dịch tấn công vào nước cộng hòa ly khai Chechnya, và cam kết loại trừ các chiến binh Hồi giáo bị Kremlin quy trách nhiệm sau các vụ tấn công.

“Với những kẻ khủng bố, người ta chỉ có thể nói chuyện bằng các biện pháp nghiêm khắc”, ông Putin từng tuyên bố năm 2001, vài tháng trước vụ tấn công 11/9 tại Mỹ. “Bọn chúng không hiểu bất kỳ ngôn ngữ nào khác”.

Phản ứng quyết liệt của Putin khi đó đã giúp uy tín của ông lên nhanh chóng, từ chỗ một cựu sỹ quan tình báo ít tên tuổi trở thành Tổng thống Nga. Và dưới sự lãnh đạo của ông, Nga luôn đối phó với các vụ tấn công khủng bố một cách không khoan nhượng, trong đó có vụ bắt cóc con tin trong một nhà hát Mátxcơva năm 2002, và vụ các phiến quân đột nhập trường tiểu học Beslan năm 2004.

Trong một phát biểu hồi tháng 10 về chiến dịch tấn công IS tại Syria, ông chủ điện Kremlin tiếp tục khẳng định quan điểm này. “Đường phố Leningrad đã dạy cho tôi một điều: Nếu không thể tránh được một cuộc chiến, tốt nhất là ra đòn trước. Nên tấn công chúng tại đó (Syria) thay vì đợi chúng đến đây”.

Đáp trả phương Tây

Hành động quyết đoán của Putin đang củng cố thêm hình ảnh của một nhà lãnh đạo quyền lực, có khả năng hồi sinh vị thế siêu cường hàng đầu của Nga thời hậu Xô Viết.


Nga được tin sẽ đẩy mạnh chiến dịch tấn công IS nếu nhóm này bị kết luận đã đánh bom máy bay của hãng Metrojet (Ảnh: RT)

Nga được tin sẽ đẩy mạnh chiến dịch tấn công IS nếu nhóm này bị kết luận đã đánh bom máy bay của hãng Metrojet (Ảnh: RT)

Ông Putin từng chỉ trích các nỗ lực của liên quân do Mỹ dẫn dắt nhằm “làm suy yếu và hủy diệt” IS là yếu đuối và không hiệu quả, khiến Nga cần phải nhập cuộc để hoàn tất công việc.

“Do cỗ máy tuyên truyền của chính phủ Nga, cả xã hội giờ đang trong trạng thái được động viên”, Anna Vassilieva, giáo sư các vấn đề Nga tại Viện quốc tế học Middlebury, Mỹ nhận định. “Giờ tất cả sẽ tùy thuộc vào hoạt động tuyên truyền của nhà nước, để cho thấy Nga đang bị bao vây, và việc nhân nhượng hoặc lùi bước sẽ là một dấu hiệu của sự yếu đuối.

Họ sẽ nói rằng cách duy nhất để Nga bảo vệ được vị thế của mình, và tôn trọng nguyện vọng của người Nga là phải tăng cường bảo vệ các lợi ích quốc gia. Trong bối cảnh quan hệ hiện tại giữa Nga và phương Tây, điều này hoàn toàn ăn khớp”, bà Vassilieva nói.

Putin thể hiện mình là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, với tầm nhìn có tính chất “cứu tinh” trước sự can thiệp của phương Tây, khi khẳng định chỉ có Nga mới cứu được thế giới khỏi sự hủy diệt của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

“Ông ấy hiểu rằng nếu Damascus bị IS chiếm đóng, tình hình giờ sẽ hoàn toàn khác. Nó sẽ trở thành một Afghanistan khác”, chuyên gia này khẳng định. “Tajikistan và Afghanistan giống như một quốc gia, còn các chính quyền lâu đời tại Trung Á dễ bị IS lật đổ. Putin hiểu điều đó, và không ai có thể tranh luận với ông ấy. Ông ấy đang xem việc này (can thiệp vào Syria) như một biện pháp phòng ngừa”.

Khảo sát gần đây tại Nga cho thấy, hầu hết người Nga đang ủng hộ quan điểm nước Nga là người điều chỉnh lại những sai lầm địa chính trị. Một khảo sát của Trung tâm Levada tại Mátxcơva hồi tháng 10 cho thấy, 71% người được hỏi tự hào về vị thế của Nga trên thế giới. 82% ý kiến tin rằng phương Tây đang theo đuổi một chính sách hiếu chiến chống lại Nga, và 69% người được hỏi tin rằng mục đích các chính sách của phương Tây là nhằm làm suy yếu và hạ uy tín Nga.

Ngoài ra, việc công dân Nga trở thành nạn nhân trong hành động khủng bố của IS không phải vấn đề trong nước với điện Kremlin, mà sẽ là một cơ hội từ bên ngoài. “Nếu hành động khủng bố đã xảy ra tại Ai Cập, đó là vấn đề an toàn của thế giới”, Masha Lipman, một nhà phân tích chính trị độc lập tại Mátxcơva khẳng định trên tờ New York Times. “Nó không phải vấn đề của riêng chúng tôi”.

Điện Kremlin có thể dùng vụ tấn công khủng bố đó như một cách để nói với phương Tây rằng: Các ngài thấy rồi chứ, chúng ta đều đang chung chiến tuyến. Tất cả chúng ta đều phải đối diện với mối đe dọa từ IS.

Đây là lá bài từng được Putin tung ra khi là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên gọi điện cho Tổng thống Mỹ George W. Bush sau vụ khủng bố 11/9 để chia buồn. Cuộc gọi đó đã góp phần thúc đẩy một chương trình hợp tác chống khủng bố giữa Nga và Mỹ, mà Washington dường như miễn cưỡng phải chấm dứt khi áp đặt các biện pháp cấm vận Mátxcơva năm 2014.

Thanh Tùng

Tổng hợp

 

IS có thể đối mặt "cơn thịnh nộ" của Putin sau vụ máy bay rơi - 4