1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

IS biến tướng khó lường, tương lai nào cho châu Âu?

Gần 1 tuần sau vụ khủng bố đẫm máu tại Brussels, Bỉ, có thể vẫn còn quá sớm để rút ra kết luận Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tổ chức các vụ tấn công như thế nào. Thế nhưng, rõ ràng rằng, các hoạt động khủng bố ngày càng được liên kết chặt chẽ hơn.

Bất chấp vụ bắt giữ Salah Abdeslam, kẻ cầm đầu trong vụ tấn công Paris, IS vẫn tiếp tục tìm cách chọc mũi dao vào trái tim châu Âu. Hàng loạt vụ nổ bom nhằm vào sân bay và ga tàu điện ngầm ở thủ đô nước Bỉ cho thấy trình độ tổ chức của IS ngày càng đạt đến mức cao, khiến giới chức và người dân Bỉ bàng hoàng.

Sự kiện kinh hoàng này đã đặt ra hàng loạt thách thức với châu Âu về việc tăng cường mạng lưới tình báo, kiểm soát biên giới, những thay đổi trong chính sách nhập cư, và thậm chí, cả dự án rộng lớn về tiến trình hội nhập của toàn châu Âu.

Loại hình khủng bố mới đang trỗi dậy

Các vụ đánh bom ngày 22/3 là một lời khẳng định cho những hoài nghi của nhiều người sau vụ khủng bố Paris tháng 11/2015: EU đã thất bại trong việc bảo vệ các công dân của mình khỏi chủ nghĩa khủng bố. Mặc dù nhiều quốc gia châu Âu phải đối mặt với mối đe dọa từ các vụ tấn công, nhưng không phải lúc nào công tác chống khủng bố cũng hiệu quả.

Hiện nay, các chính phủ châu Âu đang phải đối mặt với một loại hình khủng bố mới: đó là các vụ tấn công gây thương vong lớn cho dân thường. Trong một báo cáo của Europol, cơ quan thực thi pháp luật châu Âu, IS đang cho thấy nhiều thay đổi trong phương thức tấn công khủng bố.

Các vụ tấn công của IS đang nhằm vào các mục tiêu “mềm” là dân thường nhưng tầm ảnh hưởng và mức độ tổn thất lại rất lớn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh IS đang mất dần thành trì ở Syria và Iraq, các vụ tấn công của chúng không còn giới hạn trong lãnh thổ 2 nước này mà còn mở rộng ra nhiều khu vực trên khắp toàn cầu, trong đó châu Âu đang trở thành một trong những mục tiêu bị đe dọa lớn nhất.

Những vụ tấn công nhằm vào dân thường gây thương vong lớn và khiến dư luận châu Âu phẫn nộ.
Những vụ tấn công nhằm vào dân thường gây thương vong lớn và khiến dư luận châu Âu phẫn nộ.

Dư luận vẫn được xem là trọng tâm trong các chính sách của phần lớn các chính phủ châu Âu. Vụ IS tấn công Brussels là nhằm tạo ra kịch bản tương tự như hồi năm 2004 tại Tây Ban Nha, khi các chính trị gia bị thất thế trong các cuộc bầu cử do ủng hộ các động thái quân sự nhằm trấn áp phiến quân.

Vào thời điểm đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Maria Aznar đã phải ngậm ngùi ra đi sau vụ tấn công đẫm máu ở Madrid ngày 11/3/2004 do Al Qaeda tiến hành mà nguyên nhân sâu xa được xem là do sự hậu thuẫn của Tây Ban Nha đối với cuộc chiến tại Iraq.

Bằng cách nhắm vào dân thường, IS cũng hy vọng sẽ thổi bùng lên tâm lý bài ngoại và kỳ thị người Hồi giáo ở châu Âu. Khi sự chia rẽ trong xã hội được đẩy tới cao trào, khi những mâu thuẫn giữa người dân phương Tây và người nhập cư không thể nào xoa dịu, đó là lúc IS dễ dàng tuyển mộ thêm nhiều đối tượng bất mãn hay có tư tưởng phản kháng để mở rộng mạng lưới và bành trướng khắp mọi khu vực.

Tương lai nào cho châu Âu?

Vụ tấn công Brussels có thể sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn đối với tương lai chính trị của châu Âu. Kinh tế trì trệ, gánh nặng lớn từ dòng người nhập cư và nỗi lo sợ khủng bố có thể sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong sự lựa chọn của nhiều cử tri. Và các Đảng cánh tả, cánh hữu sẽ tận dụng triệt để điều này để giành lợi thế trong các cuộc bầu cử.

Thực tế cho thấy, các đảng chống nhập cư đang ngày càng thu hút thêm nhiều lá phiếu của người dân, cho thấy châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng niềm tin sâu sắc.

Gần đây, Đảng Sự lựa chọn cho nước Đức (AfD) đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử khu vực tại Đức. Tại Phần Lan, Đảng Finns cũng giành được 17% tổng số ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 4/2015. Hai tháng sau đó, Đảng người Đan Mạch giành được 21% tổng số ghế trong Quốc hội. Tháng 9 năm ngoái, Đảng Bình Minh Vàng giành 7% tổng số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp, một tỷ lệ cao chưa từng có tiền lệ kể từ Thế Chiến thứ 2.

Biểu tình phản đối người Hồi giáo tại Bỉ.
Biểu tình phản đối người Hồi giáo tại Bỉ.

Tệ hơn, châu Âu đang đứng trước nguy cơ chia rẽ khi nước Anh đang chuẩn bị tiến hành trưng cầu dân ý về Brexit: Anh sẽ ở lại hay rời EU? Mặc dù chính phủ Anh luôn ưu tiên duy trì việc kiểm soát biên giới, nhưng phần đông người dân đều lo ngại về nguy cơ mất an ninh trong khu vực đi lại tự do Schengen và những bất ổn tiềm tàng tới từ dân nhập cư.

Vụ tấn công kinh hoàng ở Brussels có thể sẽ là chất xúc tác cho lời kêu gọi rời EU, làm dấy lên làn sóng hoài nghi châu Âu, đẩy lục địa già đứng trước những hệ quả chính trị khó lường.

Theo Thanh Hà

Hà Nội mới