1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Iraq “xoay sở” với 1.400 vợ con của chiến binh IS

(Dân trí) - Sau khi đánh bật các nhóm thánh chiến ra khỏi những thành trì cuối cùng, giới chức Iraq đang gặp khó khăn trong việc giải quyết trường hợp của 1.400 người nước ngoài là vợ hoặc con của các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Trại tập trung của 1.400 người nước ngoài là vợ con của các tay súng IS tại khu vực ngoại ô thành phố Mosul, Iraq (Ảnh: AP)
Trại tập trung của 1.400 người nước ngoài là vợ con của các tay súng IS tại khu vực ngoại ô thành phố Mosul, Iraq (Ảnh: AP)

Reuters dẫn lời giới chức Iraq cho biết nước này đang tạm giữ 1.400 người nước ngoài là vợ và con của các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong một doanh trại. Trước đó, quân đội chính phủ đã đánh bật các nhóm thánh chiến khỏi một trong những thành trì cuối cùng của IS ở Iraq.

Giới chức Iraq cho biết những người này khai rằng đến từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Á, và một số quốc gia châu Âu. Họ được đưa đến doanh trại quân đội ở phía nam thành phố Mosul từ ngày 30/8. Theo lời một sĩ quan tình báo, quá trình xác minh quốc tịch đang được tiến hành vì nhiều người trong số này, nhất là phụ nữ không còn giấy tờ gốc.

Đây là nhóm người nước ngoài đông đảo nhất có liên quan đến IS mà quân đội Iraq bắt giữ từ năm ngoái, khi quân đội chính phủ bắt đầu đẩy lùi các chiến binh IS khỏi thành phố Mosul cũng như nhiều khu vực ở miền Bắc Iraq. Trước đó, hàng nghìn chiến binh nước ngoài đã đến chiến đấu cho IS ở Iraq và Syria.

Một quan chức an ninh cho biết các nhà chức trách đang cố gắng tìm nơi tạm trú cho vợ con của các tay súng IS trong lúc chờ dàn xếp với các đại sứ quán để giúp họ hồi hương. Ước tính có hàng trăm phụ nữ và trẻ em ngồi trên các tấm nệm trong những căn lều tạm. Họ nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Nga.

Những phụ nữ và trẻ em là người thân của các tay súng IS tập trung tại Tal Afar, Iraq (Ảnh: Reuters)
Những phụ nữ và trẻ em là người thân của các tay súng IS tập trung tại Tal Afar, Iraq (Ảnh: Reuters)

"Tôi muốn quay về Pháp nhưng không biết phải thế nào”, một phụ nữ đeo mạng che mặt kể với phóng viên. Là công dân Pháp gốc Chechen và từng sống ở Paris, người phụ nữ này không biết chuyện gì đã xảy ra với chồng mình, người đưa cô đến đây khi anh ta gia nhập IS.

Giới chức an ninh cho biết nhóm người nước ngoài này đã đến đầu hàng lực lượng vũ trang người Kurd gần thành phố Tal Afar. Người Kurd đưa phụ nữ và trẻ em đến doanh trại quân đội Iraq, nhưng vẫn giữ lại nam giới, những người được cho là chiến binh, để thẩm vấn.

Gần 200.000 người đã chạy sang Tal Afar khi quân đội Iraq đánh bật lực lượng của IS ra khỏi thành phố Mosul. Tal Afar, thành phố vừa được quân chính phủ Iraq tái chiếm, là quê hương của nhiều chỉ huy IS cao cấp nhất.

Căng thẳng

Theo lời một nhân viên tình báo Iraq, nhóm người nước ngoài này được bố trí riêng ở một góc doanh trại do lo ngại xung đột phát sinh giữa họ và một số dân bản địa chạy nạn, vốn đã ở đây từ trước. Nhiều người Iraq cực đoan muốn trả thù sự đối xử khắc nghiệt của IS ở thành phố Mosul và những khu vực khác từ năm 2014.

Hội đồng Người tị nạn Na Uy (NRC), tổ chức nhân đạo đang trợ giúp 541 phụ nữ và trẻ em, cho biết chính phủ Iraq cần lên kế hoạch giải quyết ngay. “Thực tế là tất cả đang bị giam giữ. Họ nên được bảo vệ, giúp đỡ và hỗ trợ pháp lý như mọi người tị nạn khác.” NRC tuyên bố.

Các chính phủ phương Tây bày tỏ lo ngại về việc hồi hương của những chiến binh thánh chiến này và thân nhân của họ, sau khi IS tan rã. Trong khi đó, giới chức Pháp tỏ ý ủng hộ chính phủ Iraq truy tố các công dân nước này có liên quan đến IS. Vào tháng 8, một quan chức ngoại giao từng nói rằng trẻ em sẽ được chăm sóc ở Pháp, còn người trưởng thành nên được tòa án Iraq xét xử.

Lừa dối

Hầu hết người thân của các tay súng IS tại Iraq đến từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Á, và một số quốc gia châu Âu (Ảnh: Reuters)
Hầu hết người thân của các tay súng IS tại Iraq đến từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Á, và một số quốc gia châu Âu (Ảnh: Reuters)

Trong những căn lều tạm nóng bức, một số phụ nữ đang nấu nướng hoặc trông con. Họ vẫn đeo khăn trùm đầu và mạng che mặt do đây là quy định bắt buộc ở khu vực kiểm soát của các chiến binh IS.

Một phụ nữ 27 tuổi người Pháp gốc Algeria kể về việc mình bị chồng lừa vào năm ngoái để đi cùng sang Syria qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, và sau đó là đến Iraq khi chồng cô gia nhập IS.

"Con gái tôi vừa được ba tháng. Anh ấy nói chúng tôi sẽ đi nghỉ một tuần ở Thổ Nhĩ Kỳ, và đã đặt trước vé máy bay cũng như khách sạn", người phụ nữ nói khi đang bế đứa trẻ và yêu cầu được giấu tên.

Sau 4 tháng ở thành phố Mosul, cô bỏ chạy đến Tal Talar, hy vọng tìm được đường về Pháp nhưng bị chồng tìm thấy và giữ lại. Cô khóc khi kể về đứa con trai 5 tuổi bị giết chết hồi tháng 6 bằng một quả đạn rocket khi đang chơi trên phố.

"Tôi không hiểu vì sao anh ta làm thế. Anh ta chết hay sống - tôi không quan tâm nữa", cô nói về chồng mình - người đã chết trên chiến trường Mosul.

Chiến sự ác liệt tại Mosul đã khiến những bà mẹ mang con nhỏ, cùng nhiều gia đình khác phải đi bộ trong nhiều ngày để trình diện tại một trạm kiểm soát của người Kurd ngoài al-Ayadiyah, một thị trấn gần thành phố Tal Afar. Các quan chức người Kurd cho biết hàng chục chiến binh đã đầu hàng sau khi Tal Talar thất thủ. Một cư dân Tal Talar cho biết ông nhìn thấy khoảng 70 đến 80 chiến binh chạy trốn khỏi thành phố trong những ngày giao tranh cuối cùng.

Tùng Anh

Tổng hợp