1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Iraq mua chiến đấu cơ từ Nga tấn công phiến quân Hồi giáo

(Dân trí) - Chính quyền Iraq hôm nay (29/6) cho biết đã nhận lô chiến đấu cơ đầu tiên đặt mua từ Nga, để hỗ trợ cho cuộc chiến chống các phiến quân Hồi giáo dòng Sunni. Trong khi đó tại thành phố Tikrit, giao tranh bắt đầu dữ dội.

Bộ quốc phòng Iraq cho biết 5 chiến đấu cơ tấn công Sukhoi Su-25 đã qua sử dụng sẽ được đưa vào biên chế trong vòng “3 đến 4 ngày tới”.

Các phiến quân hiện đang kiểm soát một vùng đất rộng lớn ở phía Bắc và Tây Iraq sau một loạt các vụ tấn công trong vòng 3 ngày qua.

Không kích cũng đã xảy ra tại thành phố Mosul
Không kích cũng đã xảy ra tại thành phố Mosul

Trong ngày hôm qua, chính phủ Iraq khẳng định đã tái chiếm được thành phố Tikrit ở phía Bắc, nhưng phe nổi dậy đã bác bỏ tin này.

Theo hãng tin AP, lực lượng quân đội với sự hỗ trợ của xe tăng và trực thăng đang mở cuộc phản kích lớn tại thành phố từng là quê hương của cố Tổng thống Saddam Hussein này.

Truyền hình nhà nước Iraq cho biết 60 phiến quân đã thiệt mạng và hoạt động chuẩn bị đang được thực hiện để tấn công về phía Bắc, tới thành phố Mosul

Lực lượng nổi dậy xác nhận hiện đang có giao tranh lớn tại thành phố họ chiếm giữ hôm 11/6, nhưng ám chỉ rằng cuộc tấn công của quân chính phủ đã thất bại, khi cho biết họ đang truy đuổi lực lượng còn sót lại của cuộc tấn công.

Bộ quốc phòng Iraq cho biết, thương vụ mua vũ khí của Nga “nhằm mục tiêu tăng cường hỏa lực cho không quân cũng như toàn bộ lực lượng vũ trang để tấn công những kẻ khủng bố”.

Trước đó, thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki khẳng định với BBC rằng chính phủ của ông đã ký một thỏa thuận với Nga và Belarus để mua chiến đấu cơ. Trị giá của hợp đồng được cho là vào khoảng 500 triệu USD.

Không quân Iraq đã gặp nhiều khó khăn trong việc tấn công các phiến quân do phong trào nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận đông (ISIS) cầm đầu. Các thông tin cho thấy không quân đã hết một số loại tên lửa không đối đất.

Chiến dịch Tikrit

Các nguồn tin quân sự cho biết, cuộc tấn công vào Tikrit – thành phố gồm chủ yếu người Hồi giáo dòng Sunni – đang được thực hiện với sự tham gia của các cố vấn quân sự Mỹ.

Tuy vậy, mặc dù Mỹ xác nhận đã điều máy bay không người lái tới Iraq để bảo vệ các nhân sự Mỹ trên thực địa, họ cho biết 300 nhân viên quân sự được cử tới đây để hỗ trợ chính phủ Iraq không tham gia chiến đấu trực tiếp.

Clip giao tranh tại Tikrit

Nếu thành công, chiến dịch Tikrit có thể giúp khôi phục phần nào niềm tin của người dân Iraq đối với lực lượng an ninh – cũng như chính phủ của thủ tướng al-Maliki.

Các cuộc giao tranh bắt đầu trước lúc sáng sớm, với nhiều trực thăng chiến đấu oanh kích các điểm của quân nổi dậy, khi những kẻ này đang tấn công binh sỹ chính phủ tại một trường đại học ở ngoại ô phía Bắc, trung tướng Qassim al-Moussawi, phát ngôn viên của quân đội Iraq cho biết.

Các binh sỹ quân đội đã thiết lập một điểm tập kết trên khuôn viên rộng lớn của trường này, sau khi được máy bay thả xuống đây một ngày trước đó. Đụng độ lẻ tẻ diễn ra suốt cả ngày hôm qua. Trong khi đó, một số đơn vị quân đội đã tiến quân về phía Bắc, tới Tikrit.

Cho đến đêm qua theo giờ địa phương, trung tướng Ahmed Abu Ragheef, một chỉ huy tại bộ chỉ huy chiến dịch Salahuddin, cho biết một nhóm binh sỹ đã tiếp cận ngoại ô Tikrit, trong khi một nhóm khác đã làm chủ một căn cứ quân sự từng là nơi đóng quân của các binh sỹ Mỹ, có tên Camp Speicher.

Tỉnh tưởng tỉnh Salahuddin Ahmed Abdullah al-Jabouri khẳng định quân đội đã tiến vào Tikrit, tiếp cận tòa nhà hội đồng của tỉnh này.

Tuy vậy, các cư dân được AP phỏng vấn qua điện thoại cho biết, phiến quân Hồi giáo vẫn kiểm soát Tikrit, một thành phố chủ yếu gồm người Sunni, với khoảng 200.000 dân và vẫn đang tuần tra các tuyến phố.

Họ cũng xác nhận các cuộc đụng độ quanh trường đại học nêu trên, và cho biết giao tranh giữa hai bên cũng lan sang phía Đông Nam thành phố này. Một số người miêu tả nhìn thấy khói đen bốc lên từ một khu dinh tự Tổng thống nằm dọc theo bờ sông Tigris, sau khi nhiều trực thăng nã đạn vào khu nhà này.

Nhiều người dân địa phương đã tháo chạy khỏi Tikrit do nhận định quân chính phủ sẽ tấn công, Muhanad Saif al-Din, một người dân địa phương cho biết.

“Tikrit đã trở thành một thành phố ma bởi rất nhiều người bỏ đi trong vòng 72 giờ qua, do lo ngại các vụ không kích ngẫu nhiên, và có khả năng xảy ra đụng độ khi quân đội tiến vào”, Saif al-Din nói. “Một vài người còn ở lại thì lo sợ sẽ bị các binh sỹ Hồi giáo dòng Shiite, những người đang chiến đấu cùng quân đội trả thù. Chúng tôi là người dân yêu hòa bình, và không muốn là nạn nhân của cuộc chiến này”.

Thanh Tùng
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm