1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Iran và cuộc chơi tay bo với Mỹ (1)

(Dân trí) - Kể từ khi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) quyết định đưa vấn đề hạt nhân của Iran lên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) ngày 4/2/2006 đến nay, không những chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Tehran có sự nhượng bộ, mà nước này còn liên tục đưa ra một số tuyên bố rất cứng rắn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Hamid Reza Asefi nói rằng: "Chúng tôi hoàn toàn không sợ HĐBA LHQ, HĐBA không phải là ngày tận thế của thế giới". Ngày 11/2/2006, trả lời phỏng vấn của tờ "USA Today", Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad từng nói: "Chúng tôi cho rằng số người hy vọng thực hiện trừng phạt sẽ thiệt hại hơn nhiều so với chúng tôi".

 

Phát biểu tại cuộc mít tinh lớn ở thủ đô Tehran ngày 8/3, ông Ahmadinejad nhấn thêm: "Nếu ai đó có ý đồ xâm phạm quyền lợi của chúng ta, Iran sẽ đóng dấu điều sỉ nhục lên trán họ". Cùng ngày, tham dự hội nghị IAEA, đại diện của Iran còn nói: "Mỹ có thể gây tổn hại và đau khổ cho nước khác, nhưng chính họ cũng dễ dàng phải hứng chịu tổn hại và đau khổ". Mới đây, Iran còn tuyên bố: "Đã sẵn sàng cho chiến tranh".

 

Các tuyên bố cứng rắn trên của Iran không chỉ là trò chơi chiến tranh tâm lý đối với thế giới phương Tây, mà còn bởi nước này trên thực tế đang nắm các con bài riêng của họ.

 

Vũ khí tối thượng: dầu mỏ

           

Tài nguyên dầu khí là thứ vũ khí có hiệu quả nhất để Iran phá vỡ ý đồ cấm vận kinh tế. Theo thống kê, trữ lượng dầu mỏ của Iran vào khoảng 100 tỷ thùng, chiếm 10% tổng trữ lượng thế giới, đứng thứ 5 trên thế giới; trữ lượng khí đốt tự nhiên vào khoảng 26.000 tỷ m3, chiếm khoảng 16% trữ lượng thế giới, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Nga. Hiện nay, Iran là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 4 trên thế giới, có lượng dầu mỏ xuất khẩu nhiều thứ hai trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC); sản lượng dầu thô khoảng 4,2 triệu thùng/ngày, trong đó 14% là xuất khẩu, chiếm 8% tổng lượng giao dịch dầu mỏ của thế giới.

 

Ngoài Mỹ, phần lớn các quốc gia phương Tây đều có quan hệ hợp tác về năng lượng với Iran. Iran là nước cung cấp dầu mỏ lớn thứ 3 cho Nhật Bản, nhập khẩu dầu thô của Nhật Bản trong năm tài chính 2004 có tới 15% là từ Iran. Năm 2004, Iran và Nhật Bản còn ký hiệp định về các hạng mục khai thác mỏ dầu ở Iran, vốn được coi là một trong số ít các mỏ dầu lớn nhất thế giới. Iran còn là đối tác mậu dịch quan trọng của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

 

Theo thống kê, kim ngạch nhập khẩu của EU đối với Iran trong năm 2004 lên tới 8,2 tỷ euro, trong đó 80% là có liên quan tới năng lượng. Ngoài ra, còn có nhiều nước lớn đang phát triển trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, cũng đều là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ từ Iran. Theo ước tính của Công ty điều tra RAND của Mỹ, nếu mỗi ngày Iran giảm khoảng 500.000 thùng dầu thô xuất khẩu, giá dầu mỏ trên thị trường quốc tế có thể vượt qua mức 100 USD/thùng.

 

Trong lịch sử, biến động chính trị do cuộc cách mạng Hồi giáo Iran gây ra hồi năm 1979 cũng đã làm cho giá dầu mỏ trên thị trường quốc tế lên tới mức kỷ lục. Do Iran có ảnh hưởng quan trọng đối với thị trường năng lượng thế giới, nên cho dù vấn đề hạt nhân của Iran đã được thảo luận ở HĐBA, nhưng các nước liên quan rất khó đạt được sự nhất trí. Dự báo, khả năng tiến hành cấm vận kinh tế đối với Iran vẫn chưa thể trở thành hiện thực trong thời gian tới.

 

Eo biển Hormuz

 

Con bài có liên quan mật thiết với vũ khí dầu mỏ là Eo biển Hormuz - tuyến đường vận chuyển dầu mỏ rất quan trọng ở vùng Vịnh, nằm sát Iran. Eo biển Hormuz nằm giữa Iran và Oman, phía Đông giáp Vịnh Oman, phía Tây giáp Vịnh Ba Tư, là con đường duy nhất từ Vịnh Pécxích đi ra Ấn Độ Dương, thậm chí có người còn gọi eo biển này là "yết hầu" của vùng Vịnh. Chỗ rộng nhất hai bờ Đông-Tây của Eo biển Hormuz vào khoảng 150km, chỗ hẹp nhất khoảng 48,3km.

 

Phần lớn dầu mỏ của các nước bên bờ vịnh Pécxích xuất khẩu sang các nước ở Tây Âu, Australia, Nhật Bản và Mỹ đều được vận chuyển qua eo biển này. Lượng dầu mỏ vận chuyển qua Hormuz tới các khu vực trên thế giới vào khoảng trên 4 triệu tấn/ngày, bình quân cứ 8-10 phút lại có một tàu chở dầu chạy qua.

 

Do lượng dầu mỏ được vận chuyển qua Eo biển Hormuz chiếm khoảng 60% lượng dầu mỏ nhập khẩu của các nước phương Tây, nên eo biển này luôn được coi là "tuyến đường sinh mệnh" của phương Tây. Có chuyên gia dự tính, nếu Iran đóng cửa eo biển này trong vòng 3 tháng, cộng với thiệt hại do Iran dừng cung cấp dầu mỏ gây ra, GDP của Mỹ sẽ giảm khoảng 4%-5%, tỷ lệ thất nghiệp tăng 2%.

 

Cũng vì 1/3 lượng dầu mỏ xuất khẩu trên thế giới đều phải qua Eo biển Hormuz, nên nếu Iran phong tỏa eo biển này, giá dầu mỏ trên thế giới sẽ tăng lên khoảng 150 USD/thùng. Xét từ tình hình hiện nay, Iran hoàn toàn có khả năng phong tỏa eo biển này. Trong cuộc tập trận vừa qua với 3 loại vũ khí mới được thử nghiệm, Iran đã làm cho các nước phương Tây phải lạnh sống lưng.

 

(còn tiếp)

Nguyễn Phúc tổng hợp