1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Iran "tố" Mỹ gián tiếp gây ra các vụ tai nạn máy bay

(Dân trí) - Vụ rơi máy bay thương mại Iran hôm 18/2 làm 66 người thiệt mạng dường như cho thấy ảnh hưởng của lệnh trừng phạt của Mỹ tới nền giao thông vận tải của Iran, đặc biệt là đội máy bay chở khách của nước này.

Một chiếc ATR 72-500 của hãng hàng không Aseman Airlines (Ảnh: PressTV)
Một chiếc ATR 72-500 của hãng hàng không Aseman Airlines (Ảnh: PressTV)

Truyền thông Iran cho biết, chiếc máy bay ATR 72 của Aseman Airlines, hãng hàng không lớn thứ 3 Iran, gặp nạn ngày 18/2 đã 20 năm tuổi và từng gặp một trục trặc kỹ thuật hôm 5/2. Máy bay này đã từng được cho "nghỉ hưu", nhưng lại được đại tu và đưa vào sử dụng trở lại.

Iran đã chứng kiến vài vụ tai nạn máy bay trong vài thập niên qua. Tehran nói rằng các lệnh cấm vận của Mỹ từ lâu đã ngăn cản nước này mua các máy bay mới hoặc các thiết bị của phương Tây.

Theo trang tin PressTV, Mỹ dường như gián tiếp có ảnh hưởng tới vụ rơi máy bay ATR 72 chở 66 hành khách xuất phát từ Tehran tới Yasuj ngày 18/2. Các chuyên gia trong ngành cho rằng lệnh cấm vận đơn phương từ phía Mỹ ngăn không cho Iran nhập khẩu máy bay mới dường như đã khiến nước này phải sử dụng các máy bay thương mại cũ kỹ, xuống cấp ẩn chứa nhiều nguy cơ trục trặc dẫn đến những thảm họa hàng không.

Vào ngày 14/7/2015, Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) đã ký thỏa thuận hạt nhân, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và bắt đầu đi vào hiệu lực từ ngày 16/1/2016. Theo thỏa thuận, Iran sẽ đặt ra giới hạn trong việc phát triển chương trình hạt nhân và đổi lại là Mỹ và phương Tây sẽ “nới lỏng” các lệnh trừng phạt liên quan tới vấn đề hạt nhân của nước này, bao gồm lệnh cấm vận với ngành hàng không thương mại của Tehran.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tiếp chỉ trích thỏa thuận JCPOA được ký dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama là “thỏa thuận một phía và tồi tệ nhất Washington từng tham gia”. Đồng thời, ông Trump cũng nhiều lần cáo buộc Iran vi phạm các hạng mục quy định trong văn bản này.


Máy bay Airbus của hãng Iran Air (Ảnh: Iran News)

Máy bay Airbus của hãng Iran Air (Ảnh: Iran News)

Vào tháng 9/2016, Bộ Tài chính Mỹ bắt đầu gỡ bỏ rào cản cấm các hãng sản xuất máy bay phương Tây như Airbus và Boeing giao dịch với Iran. Vào tháng 1/2017, Iran bắt đầu nhận được máy bay đầu tiên trong hợp đồng với “ông lớn” Airbus. Máy bay A321 có thể chở 180 hành khách, sơn màu của hãng hàng không Iran Air là 1 trong 100 máy bay trong thương vụ nhập khẩu trị giá 18 tỷ USD.

Trong khi đó vào tháng 6/2016, Boeing cũng ký biên bản ghi nhớ với Boeing đồng ý cung cấp 80 máy bay và cho thuê 29 chiếc khác trong một thương vụ tiềm năng trị giá 25 tỷ USD. Chiếc Boeing đầu tiên Iran nhận được vào hồi tháng 9/2016.

Tuy nhiên, Wall Street Journal hồi tháng 12 năm ngoái trích một nguồn thạo tin cho rằng chính quyền ông Trump dường như đang cân nhắc chặn các hợp đồng bán hàng trăm máy bay cho các hãng hàng không Iran. Theo đó, ông Trump được cho là sẽ can thiệp dừng hẳn việc xuất khẩu máy bay tới Tehran hoặc làm chậm và kéo dài quy trình cấp phép.

Hạ viện Mỹ hồi tháng 9 năm ngoái đã thông qua biện pháp mới nhằm hạn chế xuất khẩu máy bay thương mại tới Iran, một động thái mà một số nghị sĩ cho rằng có thể là suy yếu JCPOA. Các nghị sĩ cao cấp Iran đã lên tiếng kêu gọi các bên có liên quan có hành động thích hợp với quyết định của Hạ viện Mỹ.

Đồng thời, các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa hồi tháng 2 năm ngoái cũng kêu gọi ban bố lệnh trừng phạt nhằm tới các thương vụ nhập khẩu máy bay Iran, cáo buộc nước này “dùng máy bay thương mại hỗ trợ các hoạt động khủng bố”.

Một số nhà quan sát cho rằng chính quyền ông Trump dường như đang muốn “vũ khí hóa” kinh tế, sử dụng kinh tế như công cụ gây tác động tới đối thủ.

Đức Hoàng

Theo PressTV