1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Iran thực sự tìm kiếm điều gì tại Hội nghị NAM?

(Dân trí) – Lần đầu tiên đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Phong trào không liên kết (NAM), trước mắt Iran đang có bộn bề công việc cần phải làm. Trong số này, có cả việc vực dậy vị thế đang đi xuống của NAM, có cả việc chỉ vì mục đích riêng.

HNCC NAM lần thứ 16: Iran thực sự tìm kiếm điều gì?

Giữ cương vị Chủ tịch NAM trong 3 năm có giúp Iran lập lại thế cân bằng trong quan hệ với Mỹ và phương Tây?

Từ 26-31/8, tại thủ đô Tehran của Iran đã diễn ra hội nghị trong khuôn khổ tuần Hội nghị cấp cao lần thứ 16 của NAM.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh bức tranh địa chính trị thế giới đang chuyển động mạnh kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Vì vậy, hội nghị được coi là cơ hội tạo ra hình mẫu hợp tác mới trong thời gian tới cho các nước thuộc “thế giới thứ ba”.

Tại hội nghị lần này, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ tiếp nhận chức chủ tịch cho ba năm tới.

Mặc dù việc chuyển giao vai trò chủ tịch này diễn ra hoàn toàn theo quy chế luân phiên, song đối với Tehran, đây vẫn là một cơ may hiếm có giúp nước này tái khẳng định ảnh hưởng của mình vào thời điểm các nước phương Tây đang tìm cách cô lập Iran vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi.  

Lịch sử thăng trầm của NAM      

Phong trào Không liên kết được thành lập vào tháng 4/1955 và hoạt động trên các nguyên tắc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của các nước thành viên, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, công bằng, cùng có lợi và cùng chung sống hòa bình.  

Cùng với thời gian và do số thành viên tăng lên (từ 25 thành viên ban đầu lên 118 thành viên hiện nay), phạm vi tác động của các nguyên tắc trên cũng được mở rộng, bên cạnh việc cho ra đời các nền tảng và nguyên tắc mới.

Trong số các nguyên tắc mới, phải kể đến việc bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế, ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, chống chạy đua vũ trang, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Nếu xét trong cả quá trình phát triển của NAM, có thể nhận thấy quá trình đó được chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn đầu là từ khi thành lập đến kết thúc chiến tranh Lạnh. Trong giai đoạn này, NAM đã phát triển rất mạnh cuộc đấu tranh vì hòa bình và an ninh của thế giới thông qua việc bảo vệ quyền lợi và tiếng nói của các nước yếu thế hay bị áp bức. NAM cũng đã thành công trong việc thúc đẩy hình thành trật tự thế giới mới và trật tự kinh tế thế giới mới.

Bước sang giai đoạn II từ sau chiến tranh Lạnh đến nay, vai trò và ảnh hưởng của NAM đã giảm đi rõ rệt khi nhiệm vụ quan trọng nhất là giữ thế cân bằng giữa Đông và Tây không còn ý nghĩa sau khi Liên Xô tan vỡ.

Bên cạnh đó, do cuộc khủng hoảng tài chính thế giới tác động tiêu cực đến nền kinh tế của nhiều nước thành viên, làm tăng nguy cơ không đạt được Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015 ở nhiều quốc gia, tình trạng bất ổn chính trị và xung đột vũ trang ở Trung Đông – Bắc Phi đang gây phân hóa một số nước trong NAM… nên hoạt động của phong trào này đã giảm hẳn.

Vì vậy, không quá khó hiểu khi vì sao tiếng nói của NAM ngày càng trở nên nhạt nhòa trong những năm gần đây, đến mức có không ít ý kiến cho rằng phong trào này chỉ còn tồn tại trên hình thức.

Trong bối cảnh ấy, Iran đã thể hiện quyết tâm thực sự muốn lấy lại vị thế cho NAM, một phần vì tương lai của phong trào, một phần vì chính các mục tiêu tự thân khác của nước này.

Những toan tính của Nhà nước Hồi giáo

Trong bài phân tích đăng trên tạp chí "Đại Tây Dương", chuyên gia Thierry Coville cho rằng khi tổ chức Hội nghị cấp cao NAM 16 và đảm nhiệm cương vị Chủ tịch NAM, Iran muốn để cho các nước khác thấy rằng Tehran vẫn có ảnh hưởng quan trọng, ngay cả khi bị phương Tây o ép bằng các chính sách trừng phạt kinh tế và ngoại giao.

“Việc Cộng hòa Hồi giáo Iran đẩy mạnh can dự vào NAM có liên quan mật thiết tới một số định hướng trong chính sách đối ngoại của nước này từ sau cuộc cách mạng năm 1979”, Tiến sĩ Coville đánh giá.

Đại Giáo chủ Iran Ali Khomenei từng tuyên bố Iran sẽ đi theo con đường "không phương Tây, cũng chẳng phương Đông".

 Đại giáo chủ Iran Ali Khomenei phát biểu tại HNCC NAM lần thứ 16 ngày 30/8/2012.

 Đại giáo chủ Iran Ali Khomenei phát biểu tại HNCC NAM lần thứ 16 ngày 30/8/2012.

 

Trên thực tế, Iran đang đi theo “con đường Hồi giáo” vì con đường này sẽ đưa Iran đứng ở vị trí trung lập, hoàn toàn thuộc về nhóm nước Thế giới thứ ba. 

Vì sao Iran chọn con đường này?

Đó là vì Iran nhận thấy rằng, khi phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn hơn của Mỹ và phương Tây, Iran cần phải tăng cường quan hệ với các nước Thế giới thứ ba để tranh thủ sự ủng hộ của các nước này đối với quyền phát triển hạt nhân vì mục đích dân sự của mình.    

“Tehran sẽ trông cậy vào thiện cảm của nhiều nước đang phát triển vốn nhận thấy vấn đề hạt nhân của Iran là bằng chứng thể hiện rõ chính sách nhất bên trọng, nhất bên khinh của phương Tây”, Tiến sĩ Coville cho biết.

Theo chuyên gia này, Iran sẽ cho thế giới thấy rõ sự vô lý của phương Tây khi một mực bắt Tehran phải dừng chương trình hạt nhân, trong khi bản thân phương Tây lại từ chối cắt giảm kho vũ khí hạt nhân và cho phép một nước không ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) như Israel tự do phát triển chương trình hạt nhân quân sự của mình.

Không phải ngẫu nhiên nếu Iran dự tính trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch sẽ tuyên bố phản đối vũ khí hạt nhân để đẩy các nước phương Tây vào thế phải đối mặt với mâu thuẫn của chính mình…  

Theo đánh giá của giới phân tích, 3 năm là khoảng thời gian không dài nhưng cũng không quá ngắn để Tehran thực hiện các mục tiêu của mình trên cương vị Chủ tịch NAM.

Với lợi thế là một nước có tiếng nói và ảnh hưởng lớn trong thế giới Hồi giáo, Iran sẽ biết cách dung hòa sự đa dạng về văn hóa tín ngưỡng, chế độ chính trị - xã hội của 120 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên, trải dài từ châu Á, châu Phi đến Mỹ Latinh.

Iran cũng sẽ biết cách kết hợp các lợi ích đan cài của các bên trong vấn đề khu vực và quốc tế, nhằm đưa phong trào thực sự trở thành một khối hoạt động hiệu quả như tuyên bố của chính Iran tại Hội nghị.

Và quan trọng nhất, Iran và các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên sẽ đưa NAM - một tổ chức chiếm tới 2/3 số thành viên của LHQ và chiếm 55% dân số thế giới - lấy lại hình ảnh là một tập hợp lực lượng mạnh mẽ và quan trọng nhất của các nước đang phát triển, là diễn đàn quan trọng để các nước này có tiếng nói chung trong các vấn đề toàn cầu.

Tất cả những mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi NAM nêu cao tinh thần đoàn kết như những gì đã từng làm được trong nửa cuối thế kỷ trước.

Đức Vũ