1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Iran tấn công vào "sân sau" của Mỹ và hệ lụy

(Dân trí) - Ngày 27/9 vừa qua, Tổng thống Iran Ahmadinejad bắt đầu chuyến công du Bolivia và Venezuela trong một động thái được cho là nhằm củng cố quan hệ với châu Mỹ Latinh và tạo đối trọng trước ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này.

Phá thế bao vây

 

Giới phân tích cho rằng chuyến công du này của ông Ahmadinejad là một đòn "vu hồi" đầy hiệu quả nhằm phá thế bao vây cô lập của Mỹ với Iran, tuy nhiên nó cũng đang đẩy "mối thù" Iran -Mỹ lên một mức mới, khó có thể quay trở lại.

 

Chuyến thăm cũng cho thấy một xu thế liên kết mới rất đáng chú ý giữa các nước mà Mỹ đang vì l‎í do này hay lí do khác, tìm cách cô lập. Đây là chuyến thăm thứ ba của ông Ahmadinejad tới Venezuela trong khi Tổng thống Hugo Chavez trước đó cũng đã có tới 5 chuyến thăm đến Iran, lần gần đây nhất là tháng 7/2007.

 

Phát biểu sau cuộc hội đàm với ông Ahmadinejad, Tổng thống Chavez nhấn mạnh: "Chúng tôi đã đồng ý với nhau về việc cùng đi chung một con đường chống lại chủ nghĩa đế quốc và củng cố sự hợp tác của chúng tôi trong việc diệt trừ sự chi phối của Mỹ trên thế giới".

 

Ông Chavez, người luôn bảo vệ mạnh mẽ chương trình hạt nhân của Tehran đã ca ngợi vị khách Ahmadinejad, gọi ông này là "một trong những chiến sĩ chống đế quốc vĩ đại nhất".

 

Trước đó, Tổng thống Morales cũng đã có những tuyên bố có thể khiến người Mỹ không vui. Theo đó "Bolivia có quyền quan hệ với châu Mỹ Latinh, châu Âu, châu Phi và Trung Đông. Chúng tôi không bao giờ cổ động chiến tranh nhưng cũng không chấp nhận những hành động tiêu cực nhân danh hòa bình".

 

Cũng trong chuyến thăm của ông Ahmadinejad tới Bolivia, lãnh đạo hai nước đã ký một tuyên bố chung khẳng định quyền của các nước đang phát triển, phát triển năng lượng hạt nhân vì hòa bình.

 

Giới chuyên gia năng lượng đã tỏ ra hoài nghi liệu liên minh Bolivia-Iran có tạo điều kiện để Tổng thống Morales thực hiện cam kết dùng nguồn lợi nhuận từ khí đốt để giảm bớt nạn nghèo đói đang hoành hành tại quốc gia nghèo nhất Nam Mỹ này hay không. Tuy nhiên, như để đáp lại nghi ngờ này, Bolivia cho biết Iran có thể giúp quốc gia Nam Mỹ này khai thác tốt hơn nguồn khí đốt của họ trong lúc tập đoàn khí đốt quốc doanh chật vật với việc khẳng định mình trong ngành năng lượng vừa được quốc hữu hóa. Cũng trong chuyến thăm tới Bolivia lần này của ông Ahmadinejad, Iran đã cam kết đầu tư 1 tỉ USD vào Bolivia trong 5 năm tới.

 

Chuyến thăm châu Mỹ Latinh của ông Ahmadinejad diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Iran và Venezuela cũng đang phát triển rất mạnh mẽ. Theo hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran, hai nước đã ký hơn 180 hiệp định thương mại kể từ năm 2001, với tổng trị giá giữa hai bên có thể lên tới hơn 20 tỷ USD.

 

Giới phân tích nhận định, chuyến công du của ông Ahmadinejad cho thấy mối quan hệ giữa Iran với các nước Mỹ Latinh đang ngày càng củng cố. Nó cũng chứng tỏ rằng chính sách bao vây cô lập mà Mỹ đang áp dụng với Iran đã thất bại.

 

Ông Alberto Garrido, một nhà phân tích chính trị người Venezuela, nói: "Đây là mối quan hệ đang phát triển mạnh mẽ, hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Đó chính là 'đòn hồi mã thương' của Tehran với Washington ngay tại sân sau của Mỹ. Theo đó, nếu Washington hiện diện và tìm cách chèn ép không gian của Iran ở Trung Đông, thì Iran sẽ có mặt ở Mỹ Latinh".

 

Mỹ và phe đối lập khu vực lo ngại

 

Quan hệ ngày càng gắn bó giữa Iran và chính phủ của Tổng thống Hugo Chavez được coi là hồi chuông báo động đối với Washington cũng như phe đối lập tại Venezuela và Bolivia.

 

Thực tế này khiến Thượng nghị sỹ Cộng hòa bang Florida Connie Mack nhớ tới mối quan hệ mà Chủ tịch Cuba Fidel Castro từng có với Nga.

 

Ông Mack nói: "Ông Ahmadinejad nhận ra rằng nếu có chỗ đứng ở Mỹ Latinh, ông ta có thể tiếp tục truyền bá lòng căm thù đối với nước Mỹ. Chắc chắn, bạn không muốn có kẻ thù ở sân sau nhà mình".

 

Trong khi đó, bất chấp việc Phó Tổng thống Bolivia, Alvaro Garcia đã phải biện luận rằng việc Bolivia sẽ đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với Iran là nhằm cải thiện nền kinh tế, chứ không làm tổn thương hay gây phương hại cho bất kỳ ai. Những người phản đối Tổng thống Morales vẫn cho rằng quan hệ gần gũi hơn với Iran có nguy cơ đe dọa an ninh khu vực.

 

Giới phân tích cho rằng, bằng việc tăng cường quan hệ với châu Mỹ Lating, ông Ahmadinejad có thể đang phá được thế cô lập của Mỹ, tuy nhiên, hành động này lại đang khiến Mỹ, vốn đã hết sức tức giận vì sự "phá đám" của Iran tại Iraq, càng thêm tức giận. Và rất có thể, hành động"vuốt râu hùm" này sẽ khiến Mỹ đẩy nhanh tốc độ chuẩn bị cho một cuộc chiến để "nhổ cái gai Iran".

 

Kiến Văn