Iran đang trở thành "ông lớn" ở Trung Đông
(Dân trí) - Loạt tấn công mới nhất của Iran nhằm vào các mục tiêu của Israel và nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đang cho thấy vị thế ngày càng lớn của Tehran ở Trung Đông, trong khi ảnh hưởng của Mỹ dần suy yếu.
Vụ việc Lực lượng Vệ binh Iran vào đêm ngày 15/1 bất ngờ tấn công phá hủy trụ sở tình báo của Israel tại khu vực bán tự trị người Kurd tại Erbil, miền Bắc Iraq, bằng tên lửa đạn đạo đã khiến khu vực Trung Đông nóng thêm.
Trong một tuyên bố, phía Iran cho biết, cuộc tấn công nhằm đáp trả các hành động của Israel. Tehran cảnh báo sẽ tiếp tục các cuộc tấn công trả đũa Tel Aviv trong thời gian tới.
Trước đó một ngày, Iran cũng đã sử dụng một số tên lửa đạn đạo để tấn công một số cứ điểm của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria nhằm đáp trả vụ khủng bố do IS gây ra, vốn khiến gần 100 người thiệt mạng tại đài tưởng niệm chỉ huy hàng đầu của Lực lượng vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, tướng Qassem Soleimani, hồi đầu tháng này.
Các chuyên gia cho rằng, với loạt tấn công trên, Iran đang cho thấy vị thế ngày càng lớn của mình ở Trung Đông, trong bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ dần suy yếu.
Cũng theo các chuyên gia, cuộc không kích đầu tiên trong số nhiều cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm vào lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen đánh dấu một cột mốc đáng sợ khác trong một chuỗi dài những thất bại chính sách của phương Tây ở Trung Đông nhằm giải quyết xung đột Israel - Palestine, mâu thuẫn then chốt đã kéo dài hàng thập niên.
Việc Mỹ, được Anh hậu thuẫn, buộc phải sử dụng vũ lực để đáp trả các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ phản ánh thực tế khó chấp nhận: Đòn bẩy chính trị của Washington đang suy yếu, chính sách ngoại giao kém hiệu quả, quyền lực đang mất dần.
Sự leo thang căng thẳng và không có hồi kết này làm nổi bật một thực tế khác: Quyền lực thống trị ở Trung Đông không còn là Mỹ, Ai Cập, Ả Rập Xê Út hay thậm chí là Israel mà cả Iran.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vấp phải làn sóng chỉ trích khi nhanh chóng cam kết hỗ trợ vô điều kiện cho Israel đáp trả vụ tấn công phối hợp của Hamas ngày 7/10/2023 và phủ quyết các kế hoạch ngừng bắn của Liên hợp quốc. Chính sách Trung Đông của ông Biden có vẻ lỗi thời.
Tất cả những điều đó trở thành "bệ phóng" cho Iran. Quốc gia Hồi giáo này có 3 mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại: Đẩy Mỹ ra khỏi Trung Đông; duy trì tính ưu việt của mình trong khu vực; và tăng cường các liên minh chủ chốt. "Hủy diệt Israel", dù thực tế hay khoa trương, là mục tiêu thứ tư của Iran.
Có thể thấy trong hơn 3 tháng Israel tấn công Hamas, các lực lượng như Hezbollah và các nhóm dân quân thân Iran ở Syria, Iran vẫn kiềm chế chưa có động thái nóng. Phản ứng trước vụ Mỹ, Anh tấn công Houthi ngày 12/1, Bộ Ngoại giao Iran đã tuyên bố "lên án mạnh mẽ". Theo Iran, "những cuộc tấn công này rõ ràng là vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Yemen cũng như vi phạm luật pháp quốc tế".
Ngoài tuyên bố phản đối này, giờ đây Iran mới bắt đầu có bước đi quyết liệt hơn: đồng loạt tập kích tên lửa vào Syria và Iraq.
Thực tế hiện nay cho thấy, mối quan hệ giữa Iran với các nước lớn khác như Trung Quốc và Nga đang ngày càng thắt chặt là nhân tố giúp Iran tỏ ra quyết liệt hơn trong các hành động. Và chính điều này, hơn những yếu tố khác, đã làm thay đổi vận mệnh của Iran, khiến nước này trở thành cường quốc trong khu vực.
Giới chuyên gia nhận định, sau 45 năm cố gắng, Iran cuối cùng đã trở thành "ông lớn" ở Trung Đông. Việc phải hứng chịu trừng phạt, tẩy chay và đe dọa từ phương Tây đối với Tehran đều không có tác dụng.
Rõ ràng, Mỹ, Anh và Israel phải đối mặt với một đối thủ đáng gờm. Vì vậy, họ cần có một cách tiếp cận ngoại giao mới đối với Iran nếu muốn tránh một cuộc xung đột rộng hơn.