1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Iran cho Nga mượn không phận sau sự cố căn cứ Hamadan

Iran từng cho Nga mượn căn cứ không quân rồi lại hủy bỏ và giờ lại cho mượn không phận để chống khủng bố tại Syria.

Ngày 11/2, Đô đốc Ali Shamkhani, Thư ký Hội đồng An ninh Tối cao Iran thông tin cho hay các máy bay chiến đấu của Nga đang sử dụng không phận Iran để thực hiện hoạt động không kích tại Syria.

"Thực tế là các máy bay cường kích của Nga tiếp tục sử dụng không phận của Iran do chúng tôi có sự hợp tác chiến lược tổng thể với Nga... Việc máy bay Nga sử dụng không phận Iran là quyết định chung của hai nước khi tính đến sự cần thiết phải chống khủng bố" - Đô đốc Shamkhani nói với truyền thông Iran.

Iran đã mở không phận cho Nga không kích ở Syria.
Iran đã mở không phận cho Nga không kích ở Syria.

Tuy vậy, gần đây các máy bay của Nga không cần hạ cánh tại Iran để tiếp nhiên liệu.

Tuyên bố mới của vị Đô đốc Iran về việc Nga tiếp tục sử dụng không phận nước này trong chiến dịch chống khủng bố đưa ra sau khi 3 nước Nga- Iran-Thổ Nhĩ Kỳ thắt chặt quan hệ trong phân bổ quyền lực ở Syria bởi hòa đàm ở Kazakhstan.

Cũng cần chú ý thêm tới động thái trước đó vào tháng 11/2016, Iran tuyên bố sẵn sàng cho Nga sử dụng căn cứ không quân Hamadan một lần nữa sau khi đã buộc Moscow phải rút quân trước đó 3 tháng.

Tướng Hossein Dehgans - Bộ trưởng Quốc phòng Iran hôm 26/11/2016 nói rằng, Tehran một lần nữa có thể cung cấp cơ hội cho máy bay Nga sử dụng căn cứ không quân Knife tại Hamadan.

"Nếu tình hình cuộc chiến chống khủng bố IS và al-Nusra tại Syria cùng điều kiện bảo đảm cho lực lượng không quân Nga đòi hỏi cần cung cấp hỗ trợ, chúng tôi sẽ cho phép Nga quay lại căn cứ Hamadan" - ông Dehgans cho biết.

Theo người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Viktor Ozerov, vào tháng 9 năm ngoái, nhóm không quân của Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS) đã sử dụng căn cứ không quân của Iran để không kích lực lượng khủng bố ở Syria.

Do nhiều vấn đề phát sinh nên chỉ sau 2 tuần, lực lượng của VKS đã rút về nước. Sau đó, vào tháng 10/2016, Nga đã quyết định điều động nhóm tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đến Địa Trung Hải để đảm bảo yêu cầu hỗ trợ hỏa lực từ trên không cho quân đội Syria.

Việc Iran muốn Nga quay trở lại căn cứ Hamadan được giới phân tích bình luận rằng, do vai trò của Iran trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria đã suy giảm, đồng thời có rất nhiều nhân tố mới nổi lên như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập khiến Iran không khỏi nhấp nhổm lo lắng.

Trước đây, Iran cũng có tiếng nói rất quan trọng đối với chính quyền Syria và tham gia tích cực trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, trong vòng vài tháng qua, chiến trường Syria là sự độc diễn của Nga, vai trò của Moscow đang ngày càng lớn, trong khi ảnh hưởng của Iran ngày càng thu hẹp lại.

Syria ngày càng phức tạp và Tehran không muốn bỏ lỡ thời cơ trở thành nhân tố chủ chốt trong bàn cờ hòa bình Syria bằng cách tiếp tục kết thân với Nga nhằm thể hiện sức mạnh quân sự, nâng cao ảnh hưởng trong khu vực và răn đe những thế lực thân Mỹ xung quanh mình.

Bên cạnh đó, Nga-Iran vốn là đồng minh thân cận, đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao và kinh tế. Nga đã kiên trì phản đối những dự định giáng đòn quân sự vào Iran, kiên trì thuyết phục Mỹ và các nước phương Tây chấp nhận giải pháp hòa bình cho Iran.

Có thể nói rằng, việc Iran tồn tại, phát triển trong vòng vây của các thế lực thù địch có công lao rất lớn của Nga. Cùng với đó, Moscow có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Iran về phát triển kinh tế hậu cấm vận.

Iran từng cho phép rồi từ chối, rồi lại mời Nga về lại căn cứ không quân Hamadan.
Iran từng cho phép rồi từ chối, rồi lại mời Nga về lại căn cứ không quân Hamadan.

Chính bởi lý do đó, việc cho Nga mượn lại căn cứ không quân hay gần đây nhất là việc mở cửa không phận cho Nga lại càng thể hiện sự liên kết mạnh mẽ của chính quyền 2 quốc gia này, đặc biệt là khi chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump bắt đầu có những bước tiến cứng rắn đối với quốc gia này.

Iran cần Nga để hạ nhiệt Mỹ

Ông Trump đang có những bước tiến đặc biệt chuẩn bị cuộc chiến nhằm vào Iran. Chưa đầy 10 ngày sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ và không chờ kế hoạch chống khủng bố của lực lượng quân sự Mỹ đề ra sau 3 tuần nữa, chính quyền ông Trump đã tấn công bằng chính trị vào Iran.

Ngày 2/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn đã công bố "sự cảnh báo chính thức" với Iran.

Ông Flynn cáo buộc Iran về việc phiến quân Yemen đã tấn công tàu chiến của Saudi, các thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung (không trái với nghĩa vụ quốc tế của Iran) và "những hành vi gây bất ổn định ở Trung Đông."

Ông Flynn tuyên bố: "Chính quyền của ông Trump lên án hành động của Iran phá hoại an ninh, thịnh vượng và ổn định trong và ngoài khu vực Trung Đông, gây nguy hiểm cho sinh mạng các công dân Mỹ."

Cần nói rằng mối đe dọa sinh mạng các công dân Mỹ là sự cáo buộc rất nghiêm trọng theo chuẩn mực của Mỹ, lý do mà Washington đã nhiều lần sử dụng để tiến hành các hành động quân sự. Ngay hôm đó, Tổng thống Trump tuyên bố mở rộng lệnh trừng phạt Iran nhằm vào 13 cá nhân và 12 doanh nghiệp.

Ngày 4/ 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói: "Iran là quốc gia tài trợ khủng bố lớn nhất trên thế giới." Đến hôm Chủ nhật 5/2, Tổng thống Donald Trump cho biết ông coi Iran là "nhà nước khủng bố số 1."

Theo Tổng thống Mỹ, Iran "không tôn trọng đất nước chúng tôi, gửi tiền và vũ khí đi khắp mọi nơi." Ông Trump cũng cho biết, Iran "bám theo các máy bay của chúng tôi, bao vây tàu của chúng tôi bằng những chiếc tàu nhỏ."

Cùng với đó, theo The Wall Street Journal, Nhà Trắng đang tìm cách phá hoại mối quan hệ giữa Nga và Iran. "Nếu có mũi giáo nào có khả năng đâm vào giữa họ thì chúng tôi sẵn sàng xem xét phương án ấy" - nguồn tin cao cấp trong Nhà Trắng chia sẻ với phóng viên.

Tờ báo viết, đối với ông Trump, việc cải thiện quan hệ với ông Putin diễn ra thông qua sự tan vỡ liên minh quân sự và ngoại giao Nga-Iran.

Trong tình thế này, đối với Iran, Nga sẽ là một cứu cánh tuyệt vời.

Điện Kremlin đã không chờ lời đề nghị chính thức từ phía Mỹ và gửi đi sự từ chối rõ ràng. Phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết lập trường của Mỹ và Nga về "một loạt vấn đề" chính sách quốc tế và khu vực "hoàn toàn không trùng hợp."

Ông Peskov nhấn mạnh rằng, giữa Nga và Iran là "mối quan hệ đối tác hữu nghị", chúng tôi "trân trọng mối quan hệ của chúng tôi trong lĩnh vực kinh tế thương mại và mong muốn phát triển chúng hơn nữa".

Theo Đông Phong

Đất Việt