1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Indonesia tố Trung Quốc xâm phạm chủ quyền gần Biển Đông

(Dân trí) - Indonesia đã triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối sự xuất hiện của một tàu tuần duyên Bắc Kinh trong vùng đặc quyền kinh tế của Jakarta gần Biển Đông.

Indonesia tố Trung Quốc xâm phạm chủ quyền gần Biển Đông - 1

Tàu tuần duyên của Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Thông báo của Bộ Ngoại giao Indonesia ngày 30/12 cho biết tàu tuần duyên của Trung Quốc đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở ngoài khơi bờ biển phía bắc của quần đảo Natuna. Indonesia cáo buộc đây là hành động “vi phạm chủ quyền” của tàu Trung Quốc. Tuy nhiên, thông báo không nói rõ vụ việc xảy ra vào thời điểm nào.

“Bộ Ngoại giao Indonesia đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta và bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ về vụ việc này. Công hàm phản đối cũng đã được gửi đi”, thông báo cho biết thêm.

Theo thông báo, Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia sẽ báo cáo lại vụ việc với Bắc Kinh. Tuy nhiên, cả hai bên vẫn quyết định duy trì mối quan hệ song phương tốt đẹp.

Truyền thông đưa tin nhiều ngư dân địa phương đã nhìn thấy một tàu tuần duyên Trung Quốc hộ tống các tàu cá vài lần trong những ngày gần đây. Sau đó, họ đã báo cáo lại những gì đã chứng kiến với Cơ quan quản lý an ninh hàng hải Indonesia.

Bộ Ngoại giao Indonesia khẳng định lại lập trường rằng, nước này không phải là một bên tranh chấp trên Biển Đông và cũng không có quyền tài phán chồng lấn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Indonesia và Trung Quốc vẫn có xung đột trước đó về quyền đánh cá xung quanh quần đảo Natuna. Indonesia cũng mở rộng hiện diện quân sự tại khu vực này.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đẩy mạnh cam kết do ông đưa ra cách đây 2 năm nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của Indonesia trên đảo Natuna Besar, một phần của quần đảo Natuna và là hòn đảo lớn nhất trong số vài trăm hòn đảo ở khu vực rìa phía nam của Biển Đông.

Giới chức Indonesia cho biết hòn đảo dài 1.720 km của Indonesia sẽ được trang bị hệ thống tên lửa đất đối không, các nhóm thuộc tiểu đoàn lính thủy đánh bộ cùng các cơ sở hải quân và không quân nâng cấp của Indonesia. Tháng 12/2018, Indonesia đã mở căn cứ quân sự trên đảo Natuna Besar.

Trước đó, chính quyền Indonesia năm 2017 từng công bố bản đồ quốc gia sửa đổi, trong đó vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của Indonesia ở phía bắc quần đảo Natuna được đổi tên thành biển Bắc Natuna. Động thái này của Indonesia ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ phía Trung Quốc.

Sau một vài vụ việc nhỏ lẻ với Trung Quốc mà Indonesia đã tìm cách xoa dịu, căng thẳng giữa hai nước leo thang vào tháng 3/2016 khi Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc tìm cách giành lại một tàu cá của nước này bị Indonesia bắt giữ tại khu vực mà Bắc Kinh gọi là "ngư trường truyền thống của Trung Quốc".

Điều khiến giới chức Indonesia giận dữ là hai tàu tuần duyên được trang bị dày đặc vũ khí của Trung Quốc đã ngang nhiên xâm phạm ranh giới lãnh hải trong phạm vi 12 hải lý của Indonesia để ngăn lực lượng Indonesia kéo tàu cá Trung Quốc vi phạm vào bờ. Sau đó, hai tàu cá khác của Trung Quốc cũng bị Indonesia ngăn chặn vào tháng 5 và tháng 6/2016.

Các nguồn tin theo dõi hoạt động của đội tàu cá Trung Quốc bất ngờ về việc các tàu này duy trì hoạt động trong suốt một thời gian dài tại vùng biển phía bắc và đông bắc của quần đảo Indonesia. Đội tàu cá này được "che chở" bởi lực lượng dân quân biển Trung Quốc, hay còn gọi là "lực lượng biển thứ 3" chuyên nhận lệnh từ quân đội Trung Quốc và chủ yếu tham gia vào các cuộc xung đột "vùng xám" của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Chiến lược xung đột vùng xám cho phép Trung Quốc sử dụng dân quân biển hơn là hải quân trong các cuộc xung đột nhằm tránh đối đầu quân sự vì dân quân biển được xem là lực lượng dân sự.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm