Indonesia phá âm mưu của Trung Quốc ở Biển Đông
Càng tới sát ngày Tòa án Liên Hiệp Quốc ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông, sức ép với Bắc Kinh ngày càng lớn, đáng kể nhất trong tuần qua là những tuyên bố và hành động cứng rắn của Indonesia.
Ngày 23-6, trên một chiếc tàu chiến, Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo đã tới thăm quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông nhằm khẳng định chủ quyền của Indonesia tại quần đảo này. Tháp tùng Tổng thống Widodo trong chuyến thăm quần đảo Natuna lần này có Ngoại trưởng, Bộ trưởng An ninh và các tướng lĩnh quân đội Indonesia.
Về lý do ông Widodo tới thăm quần đảo Natuna vào lúc này, Thư ký nội các Indonesia, ông Pramono Anung cho báo The Jakarta Post biết: "Natuna là lãnh thổ thuộc Cộng hòa Indonesia, không ai có thể chối cãi điều đó. Là người đứng đầu nhà nước, Tổng thống Widodo luôn khẳng định rằng Natuna mãi mãi là một phần của Indonesia".
Chuyến thăm quần đảo lần này của Tổng thống Widodo diễn ra chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi phản bác lập trường của Trung Quốc rằng, hai nước có các tuyên bố chồng lấn về quyền và lợi ích hàng hải tại Biển Đông.
Những tuyên bố đó được đưa ra trong bối cảnh những vụ đụng độ gần đây xảy ra giữa Hải quân Indonesia và tàu cá Trung Quốc diễn ra tại vùng biển quanh quần đảo Natuna. Trung Quốc coi vùng biển này là ngư trường truyền thống của mình, trong khi đó Indonesia khẳng định không có sự chồng lấn nào về quyền và lợi ích hàng hải giữa Indonesia và Trung Quốc tại Biển Đông, bao gồm vùng biển quanh quần đảo Natuna.
Indonesia không phải là một bên trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Mặc dù vậy, Jakarta phản đối việc Trung Quốc đưa vùng biển quanh quần đảo Natuna của nước này vào cái gọi là "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò" mà Bắc Kinh ngang ngược công bố. The Jakarta Post đánh giá chuyến thăm của ông Widodo là hành động kịp thời trong tình hình thực địa tại quần đảo Natuna.
Được biết, ngay trên tàu chiến, Tổng thống Widodo đã có cuộc họp với những thành viên nội các tháp tùng ông. Theo lời Bộ trưởng An ninh Luhut Pandjaitan, chuyến thăm quần đảo Natuna của Tổng thống Indonesia là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới nhà cầm quyền Bắc Kinh.
"Trong lịch sử, chúng tôi chưa bao giờ tỏ thái độ nghiêm khắc như vậy với Trung Quốc. Nhưng bây giờ, tình hình đã khác. Chuyến đi này cho thấy tổng thống rất quan ngại trước tình hình đã bắt đầu trở nên nghiêm trọng" - báo Jakarta Post trích lời Bộ trưởng Pandjaitan.
Cách đây mấy hôm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc hải quân Indonesia đã bắn vào một chiếc tàu cá của Trung Quốc ở Biển Đông, làm bị thương một ngư dân và tuyên bố rằng những hành động như vậy của Jakarta vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Tuy nhiên, Hải quân Indonesia đáp trả rằng họ chỉ bắn cảnh cáo các tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Indonesia nhưng không làm bất cứ ai bị thương.
Trước chuỗi sự kiện trên, một viên chức ngoại giao cao cấp của Mỹ, yêu cầu giấu tên khi trò chuyện với AFP ngày 23-6, nhận định rằng, Trung Quốc đang sử dụng một chiến thuật đáng ngại, đó là dùng các loại tàu công vụ hộ tống các tàu đánh cá thực hiện việc đánh bắt hải sản ở những vùng biển đang có tranh chấp, nhằm khẳng định yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông. Các tàu đánh cá được chính quyền Trung Quốc vũ trang và gọi là dân quân biển có thể là yếu tố dẫn đến bất ổn trong khu vực.
"Đó là một xu hướng đáng lo ngại khi các tàu cá Trung Quốc cùng với các tàu cảnh sát biển của họ, được sử dụng theo một cách mà dường như là để củng cố yêu sách bất hợp pháp trên Biển Đông" - AFP trích lời quan chức Mỹ tại một hội nghị với các nhà báo ở khu vực Đông Nam Á.
Thế nhưng ít nhất việc thực hiện chiến thuật trên của Trung Quốc đang gặp trục trặc vì Indonesia không ngại va chạm. Hôm 17-6, Hải quân Indonesia đã vây bắt 12 tàu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập vùng biển quanh đảo Natuna để đánh bắt trái phép. Do các tàu này tháo chạy, Hải Quân Indonesia đã bắn cảnh cáo, buộc các tàu đó phải ngừng lại để khám xét và khi tìm được bằng chứng, Hải Quân Indonesia đã bắt giữ một tàu đánh cá treo cờ Trung Quốc với 7 ngư dân.
Trước nữa, vào ngày 27-5, Hải quân Indonesia từng ứng xử tương tự với tàu đánh cá Gui Bei Yu 27088 của Trung Quốc. Việc vây bắt, bắn cảnh cáo, bắt giữ tàu đánh cá Gui Bei Yu 27088 được thực hiện ngay trước mũi các tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc.
Hôm 19-3, Hải quân Indonesia từng bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc cũng vì xâm nhập và đánh bắt trái phép ở vùng biển quanh quần đảo Natuna. Ngay sau đó, hai tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã sấn vào, gây áp lực với tàu của hải quân Indonesia để đoạt lại tàu đánh cá đó.
Hành động giống như đổ dầu vào lửa này dẫn tới việc Indonesia triệu tập Đại sứ Trung Quốc ở Indonesia đến để yêu cầu trả lời, tại sao Trung Quốc đã xác nhận vùng biển quanh quần đảo Natuna nằm ngoài yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông mà tàu đánh cá của Trung Quốc vẫn xâm nhập khu vực này để đánh bắt trái phép và hải cảnh Trung Quốc lại đứng phía sau, hỗ trợ những hoạt động bất hợp pháp đó (?)
Indonesia cũng đã chính thức yêu cầu Trung Quốc giải giao con tàu mà lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đánh tháo hôm 19-3. Ðến nay, Trung Quốc chưa đáp ứng yêu cầu này.
Cũng kể từ đó, bất chấp Trung Quốc phản đối kịch liệt, Indonesia khẳng định sẽ tiếp tục săn đuổi, thậm chí sử dụng vũ lực nếu có tàu đánh cá nào của Trung Quốc đánh bắt trái phép trong hải phận Indonesia.
Thời báo Hoàn Cầu, phụ san của Nhân dân nhật báo, ngày 24-6 có bài xã luận: "Tổng thống Indonesia thị sát quần đảo Natuna là để cảnh cáo Trung Quốc?" và đưa ra câu trả lời phủ định qua 4 lời giải thích. Một là Joko Widodo lên chiến hạm và họp nội các, nhưng ông chưa từng trực tiếp phát biểu câu nào nhằm thẳng vào Trung Quốc. Hai là, các lực lượng chức năng Indonesia bắt các tàu cá xâm nhập bất hợp pháp 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của Natuna và đánh chìm không chỉ có tàu Trung Quốc, mà còn tàu cá một số nước khác... Ba là, quần đảo Natuna nằm ngoài đường 9 đoạn, Trung Quốc công khai thừa nhận Natuna là lãnh thổ Indonesia, "tranh chấp giữa hai bên" chỉ là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý quần đảo này với đường 9 đoạn "chồng lấn" khoảng 50 nghìn km vuông.
Cuối cùng, Hoàn Cầu thời báo đổ tội cho Philippines và Mỹ kích động Indonesia đưa "tranh chấp nghề cá" với Trung Quốc phát triển thành xung đột ở Biển Đông để buộc Trung Quốc mở "mặt trận mới" với Indonesia. Kết thúc bài xã luận, Thời báo Hoàn Cầu cao giọng "lên lớp" Indonesia rằng, Jakarta đừng cho rằng mình làm trò như thế có thể áp đảo Trung Quốc, tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước khác không nên trở thành quân cờ để Indonesia gây sức ép với Trung Quốc.
Căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc diễn ra chỉ ít ngày trước khi Tòa án LHQ (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông. Dự kiến ngày 7-7, PCA sẽ đưa ra phán quyết. Theo nhiều đánh giá, phán quyết này sẽ có lợi cho Philippines.
Trong một động thái mới nhất, ngày 21-6, hãng tin Kyodo (Nhật Bản) cho biết, Trung Quốc đã nói với một số nhà ngoại giao của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) rằng, Bắc Kinh có thể rút khỏi Công ước Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) 1982 nếu phán quyết tới của tòa án quốc tế đối với vụ kiện trọng tài của Philippines đi ngược lại với lập trường của họ.
Làn sóng quốc tế thúc ép Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ phán quyết của tòa án trong vụ kiện của Philippines khiến Bắc Kinh rất hậm hực. Trung Quốc đã kêu gọi các quốc gia bên ngoài không can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, thậm chí còn nói Mỹ "không có quyền nói về vụ kiện của tòa trọng tài" vì Washington không tham gia ký UNCLOS. Bắc Kinh cáo buộc Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực đang tìm cách "kiềm chế tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh" trong luật pháp quốc tế.
Nhiều tháng trước khi tòa trọng tài ra phán quyết, Trung Quốc đã liên tục rêu rao rằng nước này hiện nhận được sự ủng hộ từ gần 60 nước đối với lập trường của họ trong vụ kiện của Philippines, cũng như các tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh rất "nhập nhằng", không biết rõ cụ thể đó là những nước nào. Theo tờ Thời báo Phố Wall (WSJ) của Mỹ, cho tới nay, chỉ 8 quốc gia công khai đứng về phía Trung Quốc trong vụ này, gồm Afghanistan và Lesotho (châu Phi) là hai nước không tiếp giáp biển.
Các nước khác trong danh sách gồm: Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu ở tận châu Phi. Kyodo bình luận, mặc dù phán quyết của tòa trọng tài không có cơ chế thực thi, nhưng việc Trung Quốc chối bỏ trách nhiệm thực thi phán quyết của tòa án trọng tài sẽ phá hỏng hình ảnh quốc tế của họ.
Theo Mộc Thạch (tổng hợp)
An ninh thế giới