1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Indonesia cảnh giác với Trung Quốc ở Biển Đông

Tại lễ Tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lần thứ VIII của Indonesia ở Jakarta vừa qua, ông Joko Widodo đã long trọng tuyên bố rằng: trong nhiệm kỳ 5 năm của mình ông sẽ dồn sức vào việc xây dựng Indonesia thành một "cường quốc biển" cả về quân sự và kinh tế; tương lai của Indonesia chính là biển, là "trục hàng hải"...

Indonesia cảnh giác với Trung Quốc ở Biển Đông
Tổng thống Widodo (thứ 2, phải) tham quan Hội chợ Triển lãm thiết bị quân sự "Indo Defence Expo tại thủ đôJakarta từ ngày 5 - 9/11 (ảnh: AFP/TTXVN)

Tuyên bố của Tổng thống Joko Widodo được dư luận Indonesia chú ý và đặt nhiều kỳ vọng bởi ông nổi tiếng ở nơi đây là người có "lời nói đi đôi với việc làm", "người gần gũi với nhân dân". Ông còn là người đứng đầu một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, nằm trong Biển Đông với dân số trên 250 triệu người sống dải rác trên khắp lãnh thổ.

Đất nước này có hơn 17.000 hòn đảo lớn, nhỏ, có đường biển dài 81.000 km, có tiềm năng khai thác hải sản lên tới 60 triệu tấn/năm. Indonesia có trữ lượng lớn về dầu lửa, khí đốt và băng cháy có thể khai thác với công suất hàng triệu thùng hoặc hàng triệu mét khối khí/ngày. Đã vậy, nước này còn có nguồn năng lượng tái tạo có thể khai thác như năng lượng sóng biển, năng lượng thủy triều, năng lượng của các dòng hải lưu có thể chuyển đổi thành hàng nghìn MW điện năng ...

Ngoài ra, nhiều thế hệ người Indonesia còn được thừa hưởng một nền văn hóa liên quan đến hàng hải, như Vương quốc hàng hải huyền thoại Sriwijaya đã từng có thời nức tiếng ở Đông Nam Á.

Bộ Ngoại giao Indonesia cũng cho rằng đây chính là thời điểm để Tổng thống Joko Widodo thực hiện các chính sách đem lại những lợi ích trực tiếp cho người dân như ông đã cam kết trong cuộc vận động tranh cử. Một trong những chính sách đó là biến Indonesia thành một cường quốc hàng hải, vì ngoài các thuận lợi như nói ở trên, nước này còn sở hữu một eo biển nhộn nhịp bậc nhất thế giới với khoảng 3.000 lượt tàu bè qua lại mỗi ngày, từ Ấn Độ Dương  sang Biển Đông và Thái Bình Dương. Trong đó, riêng Trung Quốc đã nhập khẩu tới 80% lượng dầu thô cần cho nước họ thông qua eo biển này.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng cũng giống như nhiều nước khác trong Tổ chức ASEAN ở Đông Nam Á, Indonesia cũng đang đứng trước nhiều thách thức và đe dọa từ Trung Quốc về nhiều mặt; trong đó, ngay cả quần đảo Natuna giàu tài nguyên thuộc tỉnh Riau cũng đang bị Trung Quốc nhòm ngó và thò tay đến vì Trung Quốc cũng xếp quần đảo này vào vùng biển nằm trong khuôn khổ đường chín đoạn của họ (!?).

Trước tình hình trên, Indonesia đã từng tuyên bố rằng họ muốn giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng cách thức hòa bình giữa các quốc gia có yêu sách về chủ quyền. Báo Mỹ "Wall Street Journal"đã trích lời Tướng Moeldoko, Tổng Tư lệnh Quân đội Indonesia nói: "... chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng nếu xung đột xảy ra ở Biển Đông liên quan đến cách diễn giải về cái gọi là đường chín đoạn trên bản đồ Trung Quốc chiếm khoảng 90% diện tích 3,5 triệu km2 biển".

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgianto tuyên bố đã quyết định đưa các biện pháp bảo vệ việc thăm dò mỏ khí đốt lớn nhất châu Á tại khu vực khai thác thuộc Natuna nằm ở phía Đông quần đảo Riau, một vị trí được biết đến trước đây với cái tên là "Lô Natuna - D Alpha", một dự án sẽ được phát triển mạnh trong những năm tới.

Ông Purnomo Yusgianto còn cho biết: kinh phí đầu tư cho Quốc phòng Indonesia tăng mạnh trong 5 năm qua, gấp 3 lần ngân sách đầu tư của Chính phủ giai đoạn (2005 - 2009) và gấp 5 lần giai đoạn (2000 - 2004). Chính phủ Indonesia đang thành lập một phi đội máy bay phản lực chiến đấu F-16 và sẽ đưa phi đội này đến tăng cường cho phi đội máy bay chiến đấu ở Pekanbaru nằm ở quần đảo Riau, nơi đã được trang bị 100 máy bay HAWK và 200 phản lực có hệ thống vũ khí tấn công.

Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia, nước này cần phải tăng cường trang bị quốc phòng hiện đại vì họ có rất nhiều dự án chiến lược và cần phải đề phòng các tranh chấp về chủ quyền biển đảo trên Biển Đông hiện nay và sẽ là một mối đe dọa thực sự, sớm hay muộn sẽ tác động đến Indonesia.

Theo Hồ Đức Minh