1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hy Lạp trước hai ngã rẽ Mỹ, Nga

Có là bất ngờ không việc Tổng thống Mỹ Barack Obama vào cuối tuần qua tuyên bố rằng châu Âu chớ nên quá ép Hy Lạp đang suy kiệt?

Hy Lạp hiện đang cương quyết từ chối khoản vay 7 tỷ Euro
Hy Lạp hiện đang cương quyết từ chối khoản vay 7 tỷ Euro
Có phải ông Obama chỉ nghĩ đến hiệu quả của việc “giải cứu” Hy Lạp mà Mỹ có phần đóng góp qua trung gian IMF? Hay là do dấu hiệu xích lại gần nhau mới đây giữa Nga với Hy Lạp hoặc khả năng chính quyền mới ở Athens có những “ngã rẽ” mới?
 
Thứ năm tuần trước, Hy Lạp kịch liệt lên tiếng phản đối việc EU trừng phạt Nga và cuối cùng đạt được kết quả là sẽ không có biện pháp trừng phạt mới thêm với Nga và rằng gói trừng phạt hiện nay sẽ chỉ kéo dài tới tháng 9 thay vì đến tận cuối năm 2015.
 
Trong bối cảnh đó, việc Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đáp trả lại trên truyền hình Mỹ CNBC hôm 30/1 rằng Nga sẽ xem xét việc cứu nợ Hy Lạp nếu Hy Lạp yêu cầu, có thể được xem như là một “lại quả” cho Hy Lạp đồng thời là một bàn đạp để Hy Lạp “mặc cả” với EU bằng “lá bài Nga”.
 
Tân Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias, trong một phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Athens News Agency hôm 1/2 nhấn mạnh rằng EU cần ngưng các bước “nóng nảy” chống Nga, suy nghĩ lại một cách lâu dài xem mình muốn làm gì với Nga, làm sao ổn định tình hình khu vực để có hành động tương thích.
 
Ông cũng quả quyết rằng Hy Lạp đoàn kết với “xã hội Ukraine” (ông không nói đoàn kết với chính phủ Ukraine) và rằng Hy Lạp muốn kiến tạo hòa bình cho Ukraine đồng thời giảng hòa Nga với EU. Ông nhấn mạnh “Hy Lạp không thể nghiêng về phe nào cũng như từ bỏ các quan hệ lịch sử với Nga”.
 
Hy Lạp không đồng lòng trừng phạt Nga và gần gũi Nga hơn là điều dễ hiểu về mặt địa lý, văn hóa và cả tôn giáo (cùng theo Nhà thờ Chính thống giáo). Từ đó dẫn đến quan hệ kinh tế Hy Lạp - Nga gắn bó đến nỗi trừng phạt kinh tế Nga cũng chính là trừng phạt kinh tế Hy Lạp.
 
Tháng 8 năm ngoái, khi Nga ra lệnh cấm nhập các mặt hàng thực phẩm từ EU để đáp trả lệnh trừng phạt của EU, thì cũng là lúc chấm dứt việc xuất khẩu nông sản Hy Lạp sang Nga, thị trường nhập khẩu nhiều nhất của Hy Lạp đồng thời làm giảm lượng du khách Nga tới Hy Lạp, vốn đang góp đến 16% GDP của Hy Lạp và đạt 1,34 tỷ Euro năm 2013.
 
Các lệnh trừng phạt không những đã “gặm” nhiều vào việc trao đổi thương mại Hy Lạp - Nga, mà còn cản trở việc tập đoàn khí đốt Nga Gazprom mua lại một phần công ty khí đốt quốc doanh Depa của Hy Lạp với giá 900 triệu Euro, một món tiền lớn mà các chính phủ châu Âu đều đang mong thu hút được từ các nhà đầu tư nước ngoài…
 
Ngay cả Thủ tướng Pháp Valls cuối tuần qua cũng đã sang Bắc Kinh mời gọi nhà đầu tư Trung Quốc. Tất nhiên, không phải trong nội bộ EU cũng đều quyết liệt trừng phạt Nga như nhau tuy tất cả cùng nhất trí phải trừng phạt do đó đã là kỷ luật nội bộ.
 
Điều mà Ngoại trưởng Hy Lạp Kotzias đề cập, “ngay cả những đối tác của chúng tôi, những người không muốn cắt đứt với Nga, cũng đã nhìn chúng tôi một cách đồng cảm, một số còn ẩn sau chúng tôi”, không phải là vô căn cứ. Pháp cũng muốn “nghiêm chỉnh” kết thúc cho xong hợp đồng bán cho Nga hai tàu đổ bộ, chở trực thăng lớp Mistral!

Vào lúc mà Ukraine đang tuyệt vọng chống trả làn sóng ly khai ở miền đông thân Nga, buộc Mỹ phải cân nhắc khả năng cung cấp vũ khí, thì cả Mỹ và Nga đều đang muốn “tranh thủ” Hy Lạp nay đang muốn xích lại với Nga cũng là điều dễ hiểu.

Theo Danh Đức
Thế giới và Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm