Hy Lạp chính thức được EU giải cứu
(Dân trí) - Kết thúc các cuộc đàm phán căng thẳng suốt đêm Chủ nhật sang sáng thứ Hai, các lãnh đạo Eurozone và Hy Lạp cuối cùng cũng đạt được đồng thuận về một gói giải cứu, trong đó các ngân hàng Hy Lạp sẽ được “bơm” khẩn cấp 25 tỷ euro.
Phát biểu với báo giới, Chủ tịch hội đồng EU Donald Tusk khẳng định các nhà lãnh đạo đã chấp thuận “về mặt nguyên tắc” gói giải cứu, mà “nói cách khác chính là tiếp tục những hỗ trợ dành cho Hy Lạp”.
“Sẽ không còn cái gọi là Hy Lạp ra đi”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thì cho biết, sau một “cuộc chiến khó khăn”, Hy Lạp đã giành được “một gói hỗ trợ tăng trưởng” trị giá 35 tỷ euro, kèm các chương trình cơ cấu nợ vay.
“Thỏa thuận này rất khó khăn, nhưng chúng tôi đã tránh được nguy cơ tài sản nhà nước bị đưa ra nước ngoài”, ông Tsipras hồ hởi khẳng định. “Chúng tôi đã đảo ngược kế hoạch bóp nghẹt tài chính và làm sụp đổ hệ thống ngân hàng”.
Quốc hội Hy Lạp giờ sẽ phải bỏ phiếu thông qua những chương trình cải cách được Eurozone đưa ra trước ngày thứ Tư.
Chủ tịch nhóm Bộ trưởng tài chính các nước Eurozone, Jeroen Dijsselbloem cho biết thỏa thuận vừa đạt được bao gồm thành lập một quỹ hỗ trợ 50 tỷ Euro tại Hy Lạp, để tư nhân hóa hoặc quản lý các tài sản của nước này. Trong số đó, 25 tỷ Euro sẽ được dùng để tái cấp vốn các ngân hàng Hy Lạp.
Suốt 2 tuần qua, các ngân hàng Hy Lạp đã phải đóng cửa, còn hạn mức rút tiền mặt của người dân bị giới hạn ở 60 Euro/ngày, sau khi các biện pháp kiểm soát nguồn vốn được áp dụng. Tình hình khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, trong khi nhiều người dân đổ xô tích trữ lương thực do lo sẽ xảy ra khan hiếm.
Dự kiến trong hôm nay (13/7), các Bộ trưởng tài chính Eurozone sẽ có một cuộc họp nữa, để thảo luận các “khoản tài trợ bắc cầu”, giúp đáp ứng nhu cầu vốn trước mắt của Hy Lạp.
“Chặng đường phía trước còn dài, và theo như những gì diễn ra trong các cuộc đàm phán đêm nay, còn nhiều khó khăn phía trước”, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói sau khi kết thúc đàm phán.
Tổng thống Pháp Francois Hollande thì khẳng định thỏa thuận giúp châu Âu “bảo toàn sự toàn vẹn và đoàn kết”. “Chúng tôi cũng cho thấy châu Âu có khả năng giải quyết một cuộc khủng hoảng đã diễn ra tại Eurozone trong nhiều năm”, ông Hollande tuyên bố.
Tóm tắt các yêu cầu của lãnh đạo EU 1. Hy Lạp sẽ tiếp tục đề nghị IMF hỗ trợ từ tháng 3/2016 2. Trước ngày 15/7, Hy Lạp phải thông qua các biện pháp cải cách, bao gồm đơn giản hóa thuế VAT, và áp dụng loại thuế này rộng rãi hơn. 3. Giảm trợ cấp và tách cơ quan thống kê quốc gia thành cơ quan độc lập. 4. Trước ngày 22/7, Hy Lạp phải thông qua các biện pháp cải cách hệ thống tư pháp và áp dụng các quy định hỗ trợ ngân hàng của EU. 5. Hy Lạp phải đưa ra lộ trình rõ ràng về các biện pháp sau: 6. Cải cách trợ cấp, thị trường sản phẩm, bao gồm giao dịch ngày Chủ nhật, sở hữu trong ngành dược phẩm, sữa và sản phẩm bánh kẹo. 7. Tư nhân hóa hệ thống truyền tải điện. 8. Củng cố ngành tài chính, bao gồm tình hình nợ xấu và loại trừ sự can thiệp chính trị. *Hy Lạp cũng sẽ thực hiện các công việc sau: 1. Tư nhân hóa, bao gồm chuyển nhượng tài sản cho một quỹ độc lập tại Hy Lạp, được hình thành để huy động 50 tỷ euro. 3/4 số tiền này sẽ được dùng để tái cấp vốn cho các ngân hàng và giảm nợ. 2. Cắt giảm chi phí quản lý công và giảm những tác động chính trị trong quản lý công. Đề xuất đầu tiên phải được đưa ra trước 20/7. 3. Các điều luật then chốt phải được chủ nợ phê chuẩn, trước khi đưa ra trưng cầu dân ý hoặc bỏ phiếu tại quốc hội. |
Theo BBC, AFP
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Thế giới, quý độc giả có thể gửi đến ban Quốc tế báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email thegioi@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn! |