1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hợp tác chống cướp biển và khủng bố ở Đông Nam Á

Năm 2004, hai mô hình tuần tra chung trên biển liên quan đến Đông Nam Á ra đời và đã thành công trong việc chống tội phạm trên biển.

Hợp tác chống cướp biển và khủng bố ở Đông Nam Á - 1

Đầu thế kỷ XXI, theo báo cáo của Trung tâm Chia sẻ thông tin quốc tế (ISC), bên cạnh điểm nóng Somalia, cướp biển và khủng bố xuất hiện nhiều hơn ở vùng biển Đông Nam Á, trong đó có Biển Đông. Tại khu vực này nổi lên một số điểm nóng an ninh như “tam giác Hải Nam” (vùng biển giữa Hồng Kông, đảo Luzon của Philippines và đảo Hải Nam – Trung Quốc) và đặc biệt là eo biển nhộn nhịp Malacca.

Thực tế đó dẫn đến việc xuất hiện nhiều sáng kiến với phạm vi khác nhau về tuần tra đa phương nhưng vì nhiều lý do mà kết quả thu về không được như mong muốn. Điển hình là Sáng kiến an ninh hàng hải khu vực (RMSI), Sáng kiến an ninh container (CSI) không đem lại hiệu quả do rào cản chủ quyền và mức độ quyết tâm không đồng đều.

Tuy nhiên, năm 2004, nhờ cách tiếp cận linh hoạt mà các quốc gia ven Malacca đã thiết lập được một mô hình hiệu quả.

Cùng bảo vệ tuyến hàng hải lớn

Malacca là eo biển dài nhất hành tinh (khoảng 600 hải lý), nối liền Ấn Độ Dương với Biển Đông và Thái Bình Dương, biên giới chung của Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan, chiếm 1/4 lượng giao thông hàng hải thế giới với khoảng 50 nghìn tàu thuyền qua lại hằng năm. Tuy nhiên, đây cũng là nơi xảy ra 1/3 các vụ cướp biển trên thế giới và sự hoành hành của các tổ chức khủng bố. Đây là tội phạm có tổ chức cao, nắm được tình hình và xoay chuyển phương thức hoạt động khiến cho không ít vụ việc vượt ngoài tầm kiểm soát của nhà chức trách.

Cục Hàng hải quốc tế (IMB) đặt tại Malaysia cho biết trong quý I/2015 trên thế giới có 54 vụ cướp biển. Hơn một nửa số vụ này tập trung ở Đông Nam Á - nơi từng chiếm 41% các vụ cướp biển tấn công trên toàn cầu trong giai đoạn 1995 – 2003 với thiệt hại trung bình 8,4 tỷ USD hàng năm.

Trước tình hình như vậy, năm 2004, Sáng kiến An ninh Eo biển Malacca (MSSI) và các hoạt động tuần tra chung tại Malacca (MSSP) ra đời, bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore. Năm 2008, Thái Lan gia nhập sáng kiến này. Để dự án đi vào thực tế, từ tháng 7-9/2005, ba nước thành lập một nhóm chuyên gia kỹ thuật về an ninh hàng hải và triển khai kế hoạch giám sát chung trên biển và trên không ở eo biển Malacca. Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực, các thành viên của MSSI còn nhận được sự hỗ trợ của Mỹ, Australia, New Zealand.

MSSI gồm ba thành tố chính: (1) Tuần tra chung – MSSP, (2) Hoạt động phối hợp tuần tra trên không giữa các nước (Eyes-in-the-sky/EiS), (3) Cơ chế trao đổi thông tin tình báo (MSP). Sáng kiến này nhấn mạnh tới sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm chống cướp biển và tội phạm xuyên quốc gia.

Theo nhà nghiên cứu Frederick Situmorang (Đại học Wollongong, Australia), sáng kiến này có tính khả thi vì nó không phải là mô hình an ninh tập thể, không vi phạm nguyên tắc “không can thiệp” của ASEAN. Qua đó cho thấy nguyên tắc chủ quyền không cản trở việc xây dựng mô hình tuần tra chung trên biển.

Hình mẫu của tuần tra đa phương

Nếu như MSSI và MSSP là sản phẩm của các bên tiếp giáp trực tiếp và chỉ áp dụng tại Malacca thì Hiệp định hợp tác khu vực về chống nạn cướp biển và cướp có vũ trang các tàu thuyền ở châu Á năm 2004 (ReCAAP) lại là một cơ chế đa phương rộng rãi.

Hợp tác chống cướp biển và khủng bố ở Đông Nam Á - 2

ReCAAP được kí ngày 11/11/2004 bởi 16 nước châu Á (Campuchia, Brunei, Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Sri Lanka, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan Việt Nam), có hiệu lực từ ngày 10/4/2006. Cơ quan lập pháp hai quốc gia giáp Biển Đông là Malaysia và Indonesia không phê chuẩn vì quan ngại chủ quyền. Sau đó, lần lượt Australia, Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy và Mỹ trở thành thành viên ReCAAP.

Theo quy định của ReCAAP, các nước phối hợp hành động “theo đúng luật pháp, quy định của riêng từng quốc gia và tùy thuộc vào nguồn lực sẵn có ” để: ngăn chặn và trấn áp cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền; bắt giữ cướp biển và những người thực hiện cướp có vũ trang đối với tàu thuyền; tịch thu tàu thuyền và máy bay được tội phạm sử dụng; giải cứu tàu thuyền và các nạn nhân của cướp biển.

Về nội dung: (1) Phối hợp qua Trung tâm Chia sẻ thông tin (ISC) đặt tại Singapore, hoạt động từ tháng 11/2007 với tài trợ của Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và tự nguyện đóng góp từ những thành viên còn lại hoặc từ các nguồn khác nếu được. Các bên phải nhanh chóng thông báo những nguy cơ sắp xảy ra, một vụ đụng độ với cướp biển hoặc cướp có vũ trang đối với tàu thuyền. Quốc gia nào nhận được thông tin từ ISC phải phát đi báo động đối với mọi tàu thuyền trong khu vực cảnh báo. (2) Sử dụng các biện pháp pháp lý và tư pháp, bao gồm việc dẫn độ và hỗ trợ pháp lý để xác định nước nào có trách nhiệm đứng mũi chịu sào điều tra khi tàu bị cướp thuộc một hãng của nước A, treo cờ nước B, thuyền trưởng người nước C, chở hàng của nước D, xuất phát từ nước E đến nước F... (3) Hỗ trợ xây dựng, đào tạo lực lượng, diễn tập để nâng cao trình độ kỹ thuật, khả năng phối hợp chiến đấu.

ReCAAP không phải một tổ chức quân sự hay cạnh tranh với các tổ chức khu vực mà chỉ là cơ chế chống tội phạm trên biển. GS.Châu Khuất Uyên (Đại học Tổng hợp Lancashire, Anh) cho rằng ReCAAP là hình mẫu cho việc xây dựng một số thỏa thuận pháp lý khác trong khu vực.

Sáng kiến cho Biển Đông

Đã có nhiều hoạt động tuần tra chung giữa các nước giáp Biển Đông với nhau hoặc với đối tác bên ngoài nhưng chưa có một mô hình chuyên biệt. Trong bối cảnh căng thẳng do tranh chấp chủ quyền gia tăng, giới chức ASEAN và đối tác thể hiện rõ nhu cầu thiết lập mô hình tuần tra chung trên vùng biển này.

Tháng 3/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein đề xuất ý tưởng xây dựng “lực lượng gìn giữ hoà bình chung” của ASEAN. Quan điểm đó được chia sẻ tại Đối thoại Shangri-la 2015 khi người đứng đầu Bộ Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho rằng tuần tra chung trên Biển Đông sẽ giảm nguy cơ xung đột. Cùng thời điểm, nhiều người kỳ vọng Việt Nam và Philippines – hai quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông sẽ thúc đẩy hiện thực hoá sáng kiến tuần tra đa bên.

“Đã đến lúc các quốc gia ven Biển Đông nên xem xét làm thế nào để biến những cuộc tập trận quân sự nhiều năm qua thành những nỗ lực chung chống lại cướp biển”. (GS. Châu Khuất Uyên, Đại học Tổng hợp Lancashire, Anh)

Nhận biết xu thế này, đầu năm 2015, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ), Đô đốc Robert Thomas tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ nếu các nước ASEAN dẫn đầu nỗ lực đó. Tại Đối thoại Shangri-La 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani khẳng định sẽ cung cấp thiết bị hỗ trợ khi mười nước ASEAN tham gia vào một lực lượng tuần tra chung và luân phiên.

Tuy nhiên, chuyên gia Richard Bitzinger (Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore) nhận định tuần tra chung là "ý tưởng đẹp nhưng phi thực tế" vì các nước ASEAN khó tìm được nhận thức chung. Bên cạnh đó là thách thức về kỹ thuật, phối hợp tác chiến và mức đóng góp chênh lệch.

Về nhận thức, theo GS.Châu Khuất Uyên, các nước liên quan cần gác tranh chấp sang một bên, đặt trọng tâm vào hợp tác và linh hoạt về chủ quyền, không tìm kiếm những lợi ích đơn phương từ hợp tác đa phương trên Biển Đông.

Về tổ chức và pháp lý, nên tham khảo MSSI và ReCAAP vì chúng lột tả được đặc trưng quan hệ giữa các nước ASEAN là bình đẳng, cùng có lợi, chia sẻ nhiệm vụ tuỳ theo năng lực, lãnh đạo luân phiên, tránh vi phạm nguyên tắc “không can thiệp”. Cơ chế trong hợp tác đa phương ở ASEAN vẫn là đồng thuận, và tuần tra chung không phải ngoại lệ.

Về đối tác, kinh nghiệm chỉ huy chống cướp biển ở vùng Sừng châu Phi của Mỹ hay nguồn lực dồi dào của Nhật sẽ đóng vai trò như “chất xúc tác”, kết nối hải quân các nước ASEAN, khắc phục hạn chế kỹ thuật, hình thành nên lực lượng hỗn hợp. Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, khi ASEAN đề ra luật chơi, việc thuyết phục Trung Quốc tham gia sẽ phần nào ràng buộc nước này vào một cơ chế đa phương.

Nếu mô hình tuần tra chung trên Biển Đông được ra đời, ít nhất sẽ đảm bảo an ninh an toàn hàng hải, nguồn lợi tài nguyên; sau đó là nâng cao năng lực biển và tăng cường hợp tác nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN với các bên đối tác.

Theo Nguyên Bảo

Thế giới và Việt Nam

Hợp tác chống cướp biển và khủng bố ở Đông Nam Á - 3