1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyện thời sự:

Họp!

Sau khi thành phố chiến lược Ramadi ở Iraq và thành phố cổ 2.000 năm tuổi Palmyre ở Syria gần như đồng thời bị thất thủ, rơi vào tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), liên minh chống IS phản ứng bằng cách tổ chức... họp ở thủ đô Paris của Pháp, bàn cách chống lại IS!

Họp!
Binh sỹ Iraq làm nhiệm vụ trong chiến dịch tại thị trấn Salaheddin, phía bắc thủ đô Baghdad ngày 26/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)
 
10 tháng mở chiến dịch chống IS, liên minh quốc tế đã thực hiện hơn 4.000 phi vụ nhằm vào các lực lượng IS và đã tiêu diệt một số thủ lĩnh của tổ chức này. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cũng đưa ra con số lạc quan, tổng kết 10 tháng không kích đã tiêu diệt chừng hơn 10.000 tay súng của IS, một con số thương vong khổng lồ nếu như tin vào con số ước tính rằng quân số của IS chỉ khoảng từ 20.000 đến 30.000 tay súng.

Vậy mà sao IS vẫn cứ tiếp tục bành trướng một cách “quá nhanh, quá nguy hiểm”, ở cả Iraq lẫn Syria?

Câu trả lời rõ nhất là chiến lược không kích đã không đạt hiệu quả như mong muốn. Nếu như liên minh chống IS lấy những vụ không kích của Israel nhằm vào Hamas đã ngăn được lực lượng này bắn tên lửa vào lãnh thổ của mình hồi mùa hè năm ngoái, hay các cuộc không kích năm 1999 đã buộc được Serbia từ bỏ Kosovo, như là bài học thành công, thì quả thật đã nhầm to. IS không phải là một nhà nước, mà là một lực lượng trà trộn lẫn trong dân, sử dụng các biện pháp khủng bố để duy trì lực lượng.

Nhưng liệu “một sự thất bại về chiến thuật”, như Tổng thống Mỹ B. Obama thừa nhận khi đề cập tới việc hai thành phố mới rơi vào tay IS, có dẫn tới một sự thay đổi chiến lược, có nghĩa là liên minh, đứng đầu là Mỹ, đưa quân vào tham gia bộ chiến chống IS hay không?

Cho tới nay, câu trả lời là “Không!”.

Vì thế mà dư luận trông chờ Hội nghị Paris sẽ đưa ra được những giải pháp khả dĩ có thể mang lại hy vọng trong cuộc chiến chống IS.

Thế nhưng ở hội nghị này, việc Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry bất ngờ vắng mặt vì ngã xe đạp bị rạn xương đùi, chỉ có thể tham gia hội nghị từ xa, trong khi phía Nga không cử đại diện tham dự, còn Iran không được mời, cho thấy một niềm hy vọng như vậy còn quá xa vời.

Một khi những “tay chơi” chủ chốt, vì lý do này khác, còn chưa tham gia vào ván cờ, thì làm sao có thể có được một chung cuộc như mong muốn đây!

Theo Văn Yên 
Quân đội Nhân dân