1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hôn nhân hợp đồng bùng nổ ở Ảrập Xêút

"Một chàng trai 33 tuổi, ưa nhìn, muốn kết hôn với một cô gái còn trinh hoặc đã ly hôn"; "Một thanh niên Ảrập muốn chung sống với người đã ly dị, con cái không thành vấn đề".

Đây chỉ là hai trong vô số những tin rao vặt tìm bạn chung sống tạm thời trên Internet ở Ảrập Xêút.

 

Hàng nghìn thanh niên Ảrập Xêút đã chọn kiểu kết hôn tạm thời (misyar) để có thể quan hệ hợp pháp với một người khác giới. Những cặp vợ chồng hờ thế này sống ở hai nơi khác nhau song thường xuyên gặp gỡ, nhiều khi chỉ để "lên giường".

 

Kiểu hôn nhân này cũng giúp cho những đấng nam nhi ít tiền không phải trút hầu bao tổ chức những lễ cưới xa hoa song vẫn có quan hệ với phụ nữ. Theo hợp đồng hôn nhân, người chồng thường không phải trợ cấp tài chính cho vợ. Quan hệ giữa họ kết thúc bằng một cuộc ly dị.

 

Trong các cuộc hôn nhân bình thường ở Ảrập Xêút, đàn ông phải trả cho các tiệc cưới đắt tiền, những món quà lớn và một căn nhà. Nếu họ ly hôn, người chồng phải chu cấp cho cả vợ và con. Vì thế, hôn nhân tạm thời cho phép nam giới giảm gánh nặng tài chính và có nhiều sự lựa chọn hơn ví như họ có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng và lấy một phụ nữ khác mà không cần thông báo với vợ cả.

 

Những người Hồi giáo giàu có đôi khi kết hôn tạm thời khi đi nghỉ để quan hệ tình dục với một phụ nữ khác mà không bị coi là phản bội vợ. Kiểu hôn nhân này cũng là lựa chọn duy nhất cho những bà cô già, những người ly hôn hoặc góa phụ. Tính lỏng lẻo của kiểu hôn nhân hợp đồng bị nhiều người lợi dụng. Có những phụ nữ làm mai cho các chàng trai thiếu tiền với các quý cô ế chồng nhưng giàu có.

 

Rima al-Shamikh - một người dẫn chương trình truyền hình - nhận định kết hôn hợp đồng là hậu quả của việc thanh niên Ảrập Xêút mất phương hướng trong thời đại bùng nổ thông tin. "Giới trẻ được chứng kiến thế giới bên ngoài nhờ xem nhiều kênh vệ tinh và họ thấy bất mãn", al-Shamikh nói. "Hôn nhân thế này làm cho họ thấy thoải mái trong xã hội hà khắc".

 

Nhiều học giả cho hay hôn nhân tạm thời xuất hiện ở bán đảo Ảrập trong những ngày đầu tiên của đạo Hồi. Lúc đó, đàn ông thường xuyên phải vắng nhà hàng tháng trời để chiến đấu hoặc buôn bán. Nó tái xuất vào đầu thế kỷ 19 ở Ai Cập và giờ đây rất phổ biến.

 

Sau nhiều năm nghiên cứu, Hội đồng Luật Hồi giáo có trụ sở ở Mecca tuyên bố hôn nhân tạm thời là hợp pháp. Điều này khiến nhiều nhà hoạt động vì phụ nữ tức giận. "Kết hôn kiểu này chỉ giới hạn trong phạm vi tình dục. Thật đáng xấu hổ", nhà sử học Hatoun al-Fassi nói.

 

Youssef al-Qaradawi, một giáo sĩ có ảnh hưởng ở Ảrập Xêút, ủng hộ kiểu kết hôn này song cho hay ít nhất người phụ nữ cũng nên được trao của cải để đảm bảo tài chính.

 

Giáo sĩ Ảrập cho biết hôn nhân hợp đồng được pháp luật thừa nhận nếu nó đáp ứng một số yêu cầu cơ bản của luật sharia như: cả hai bên đều thuận tình, được người đại diện cho cô gái cầu phúc, có sự hiện diện của nhân chứng và một quan chức nhà nước.

 

Các quảng cáo tìm người sống chúng tràn lan trên các trang web ở Ảrập Xêút, khiến người ta nhớ tới mục "những trái tim cô quạnh" trên báo chí phương Tây. "Một chàng trai 33 tuổi, ưa nhìn, muốn kết hôn với một cô gái còn trinh hoặc đã ly hôn", một đoạn quảng cáo viết.

 

Tuy nhiên, không phải tất cả các cuộc hôn nhân hợp đồng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Khaled - lính cảnh vệ 25 tuổi - và Zeinab đã quyết định gắn bó lâu dài với nhau sau khi Zeinab có thai.

 

"Chúng tôi bén hơi nhau rất nhanh", Khaled nói. "Sau đó nàng có thai. Tôi nghĩ cứ thử xem sao và giờ đây tôi thấy mình như người hùng trong một bộ phim lãng mạn. Chúng tôi sẽ là vợ chồng mãi mãi".

 

Theo Hải Ninh

Vnexpress/Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm