1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hơn 100 người Hàn Quốc đã rời khu công nghiệp Kaesong

(Dân trí) – Sau khi được chính phủ lên tiếng kêu gọi về nước, hôm qua có tổng cộng 126 nhân viên của các công ty Hàn Quốc tại khu công nghiệp chung Kaesong về đến Seoul. Khoảng 50 người cuối cùng sẽ về nước trong ngày mai.

Những người Hàn Quốc cuối cùng đang rời Kaesong
Những người Hàn Quốc cuối cùng đang rời Kaesong

Diễn biến trên đã khiến cho tương lai của Kaesong, một thời từng là biểu tượng hiếm hoi cho sự hợp tác liên Triều, và là nguồn cung cấp ngoại tệ lớn cho chính quyền của ông Kim Jong-un bị thử thách.

Các công nhân Hàn Quốc trở về trong cùng ngày Triều Tiên tuyên bố sẽ đưa ra xét xử công dân người Mỹ gốc Hàn bị bắt hồi tháng 11 năm ngoái vì tội âm mưu lật đổ chính quyền Bình Nhưỡng.

Trước đó, hôm thứ Sáu, Seoul đã tuyên bố sẽ rút toàn bộ số công nhân còn lại tại Kaesong do Bình Nhưỡng từ chối tối hậu thư tiến hành đàm phán chính thức để nối lại hoạt động tại khu công nghiệp này.

Tổng cộng 126 người, trong đó có một người Trung Quốc, đã về đến Hàn Quốc sau khi vượt qua trạm kiểm soát biên giới tại Paju. Trên xe của họ đều chất đầy hàng hóa và các nguyên liệu khác được thu gom tại nhà máy.

“Tôi cảm thấy lo lắng nhiều hơn là nhẹ nhõm khi lần đầu được trở về nhà sau một tháng”, Cho Yong-Joo, quản lý của một doanh nghiệp điện tử tại Seoul khẳng định với hãng tin AFP. “Kaesong phải tồn tại nhưng tình hình đang không khả quan”.

Một số công nhân đã bật khóc khi được đoàn tụ với các đồng nghiệp đang đứng đón họ gần biên giới. Khoảng 50 người Hàn Quốc vẫn còn lại bên trong Kaesong, chủ yếu là các nhân viên chính phủ làm nhiệm vụ quản lý cũng như các kỹ sư điện và viễn thông. Dự kiến trong ngày thứ Hai tới những người này cũng sẽ về nước.

Các công ty Hàn Quốc có nhà máy tại khu vực này đã thực sự bị sốc khi Kaesong bị đóng cửa. “7 năm trước tôi đã mơ ước rất nhiều, hy vọng nhiều”, Park Yun-Kyu, chủ một công ty may mặc cho biết. “Giờ mọi thứ thật u ám và tôi không biết phải làm gì”, ông Park nói trong lúc đang chờ đợi 2 nhân viên cuối cùng trở về.

Khu công nghiệp trên đã trở thành nạn nhân của một loạt hành động leo thang của Bình Nhưỡng sau đợt thử hạt nhân hồi tháng 2 vừa qua. Tức giận với lệnh cấm vận của Liên hợp quốc sau vụ thử này, Triều Tiên từ hôm 3/4 đã chặn không cho người Hàn Quốc vào khu công nghiệp này, dù vẫn cho các công nhân rời đi.

Ít ngày sau, 53.000 công nhân Triều Tiên được lệnh rời nhà máy để đáp trả việc Hàn Quốc đề cập đến các kế hoạch “quân sự” nhằm bảo vệ công dân của mình tại Kaesong, khiến hoạt động tại đây bị đình trệ.

“Bước tiếp theo Hàn Quốc sẽ thực hiện đó là cắt điện tại khu công nghiệp trước khi đóng cửa nó hoàn toàn”, Yang Moo-Jin, giáo sư trường đại học Triều Tiên học tại Seoul cho biết. “Những phản ứng mạnh mẽ của Hàn Quốc có thể dẫn tới sự biến mất của điểm tiếp xúc cuối cùng còn lại và một sự đối đầu kéo dài giữa hai miền Triều Tiên”.

Được thành lập năm 2004, khu công nghiệp trên năm khoảng 10 km bên trong biên giới của Triều Tiên. Những người làm việc tại đây khẳng định đây là cơ hội hiếm hoi cho những người Triều Tiên tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

“Tôi sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm với các nhân viên quản lý người Triều Tiên tại đó”, một nhân viên công ty điện tử từng có 3 năm làm việc tại Kaesong nói. “Dù hết sức khác biệt về cách nghĩ, ăn uống và sinh sống nhưng chúng tôi vẫn là bạn. Hơn 50.000 người Triều Tiên đã phần nào cảm nhận được chủ nghĩa tư bản và xã hội Hàn Quốc. Đó là thứ bạn không nên lãng quên”.

Thanh Tùng
Theo AFP