1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hội nghị thượng đỉnh G20 - những cuộc đọ sức và kỳ vọng

(Dân trí) - Hội nghị G-20 thu hút sự chú ý của thế giới không chỉ bởi kỳ vọng về một phương thức đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay, mà cả những khác biệt nổi lên từ trước đó: mâu thuẫn xuyên Đại Tây Dương và ý tưởng về một đồng tiền quốc tế mới.

Hội nghị thượng đỉnh G20 - những cuộc đọ sức và kỳ vọng - 1
Từ trái sang phải: Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner, Thủ tướng Đức Merkel, Thủ tướng Anh Brown, Tổng thống Pháp Sarkozy.
 
 
G20: cuộc đọ sức giữa Mỹ và châu Âu

Điểm chính mà một số tờ báo châu Âu đưa lên trang nhất về Hội nghị thượng đỉnh G20, khai mạc vào chiều ngày 2/4 tại London (Anh), là một cuộc đọ sức giữa Mỹ và châu Âu khi phải đứng trước một cuộc khủng hoảng. 

Trong khi Washington chủ trương vực dậy nền kinh tế bằng những khoản tiền khổng lồ giữa lúc ngân sách đang cạn kiệt, bốn nước hàng đầu châu Âu là Anh, Pháp, Đức và Italia lại chuẩn bị đưa ra một loạt đề nghị khác, nhằm tập trung nỗ lực điều tiết tài chính thế giới.

Thủ tướng Đức Merkel phân tích: “Khủng hoảng xảy ra không phải do chúng ta chi ít tiền, mà vì chúng ta tạo ra tăng trưởng kinh tế với quá nhiều tiền và sự tăng trưởng này không bền vững”. Theo bà, giải pháp để vượt qua khủng hoảng “không phải là lặp lại những sai lầm cũ”. Trả lời phỏng vấn báo giới chỉ vài giờ trước khi bay qua London, Tổng thống Pháp Sarkozy đã nhấn mạnh một lần nữa là ông sẽ không ở lại đến giờ chót, nếu hội nghị thượng đỉnh kết thúc bằng một bản tuyên bố thoả hiệp giả tạo, không giải quyết tận cùng tất cả các vấn đề đang là mối quan tâm của mọi người.

Trong những tuần qua, EU đã nhiều lần khẳng định với Mỹ rằng châu Âu đã nỗ lực hết sức, sử dụng đến 3,3% tổng sản lượng quốc gia (GDP) - khoảng 400 tỷ euro (khoảng 530 tỷ USD) - để kích cầu cho hai năm 2009 và 2010. Trong khi đó, Mỹ cho biết đã chi tới 787 tỷ USD (chiếm 5,5% GDP) và nhấn mạnh với các đối tác châu Âu rằng các nước phải chi thêm nhiều khoản tiền khổng lồ để đối phó với tình trạng suy thoái chung hiện nay.

Căng thẳng giữa hai bờ Đại Tây Dương gia tăng sau khi Thủ tướng Cộng hòa Séc Mirek Topolanek, với tư cách là Chủ tịch luân phiên EU và cũng là người có lập trường kinh tế tự do, chỉ trích Mỹ “đang đi theo con đường dẫn xuống địa ngục”. Thay vì thiên về kích thích kinh tế, châu Âu muốn Hội nghị G-20 chọn giải pháp điều tiết tài chính. Trước thái độ kiên quyết của Brussel, Mỹ vừa tiết lộ một số nét chính trong kế hoạch chống khủng hoảng với những biện pháp “siết chặt các chuẩn mực tài chính hiện hữu và kiểm soát chặt chẽ hơn các xí nghiệp chưa vào khuôn khổ”.

Mô hình tiền tệ quốc tế mới phủ bóng

Khối G20, bao gồm Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Ả rập Saudi, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu - được cho là các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Vài ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh G20, Trung Quốc đã đề nghị tìm kiếm một ngoại tệ dự trữ khác làm phương tiện giao hoán chung cho cả thế giới để thay thế cho đồng USD. Không riêng gì Bắc Kinh mà cả Nga, một số quốc gia ở châu Mỹ Latinh, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng như một số các chuyên gia kinh tế trực thuộc Liên Hợp Quốc cũng đang tính đến khả tước đoạt vai trò ngoại tệ dự trữ của đồng USD.

Ý tưởng về “đơn vị tiền tệ dự trữ siêu quốc gia” phản ánh phần nào lo ngại của cộng đồng quốc tế trước nguy cơ đồng USD sụp đổ. Người ta bắt đầu lo sợ khi thấy tư nhân cũng như Nhà nước đang “nợ nần chồng chất”: nợ của Chính quyền Liên bang trong tài khóa 2009-2010 có nguy cơ vượt quá mức 10% tổng sản phẩm nội địa. Điều khiến giới quan sát lo ngại nhất là kịch bản cực kỳ đen tối xảy ra, tức là khủng hoảng kinh tế thế giới trầm trọng hơn nữa khiến chính phủ Mỹ không có khả năng thanh toán, hay đơn giản hơn là nếu như vì quyền lợi kinh tế quốc gia, Washington mạnh dạn in thêm tiền, cố ý tạo ra lạm phát để giảm nhẹ mức nợ. 

Tuy nhiên, sáng kiến “hạ bệ USD” nhiều khả năng chưa được đề cập tại G20 năm nay vì còn quá sớm để phác họa ra một mô hình tài chính quốc tế mới. Ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo 20 nước phát triển và đang phát triển lần này là làm thế nào để gấp rút quay lại con đường tăng trưởng, đưa kinh tế toàn cầu ra khỏi khủng hoảng. 

Kinh tế thế giới sẽ đổi chiều?

Hội nghị 2009, có hai mục tiêu cần đạt được là tìm ra “giải pháp trị bệnh” - tức là khắc phục suy thoái kinh tế, và “chữa trị tận gốc” - tức là cải tổ hệ thống tài chính. Ngoài ra, vấn đề về chính sách tài chính, quy mô mở rộng vốn hỗ trợ cho các nước phát triển và đang phát triển của IMF cũng sẽ được thảo luận tại Hội nghị G20 lần này. Đại diện 20 nước sẽ thông qua những biện pháp tăng cường quy định tài chính đã được thống nhất trước đó. 

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng kinh tế thế giới khó có thể “đổi chiều” vào ngày 3/4 và người ta chỉ được chứng kiến sự khởi đầu của một kịch bản nhằm chấm dứt khủng hoảng.

Kể từ khi các nhà lãnh đạo G20 nhóm họp ở London tháng 11/2008, hàng triệu việc làm đã mất. Hơn một trăm triệu người trên thế giới hiện sống dưới mức chuẩn đói nghèo (dưới 2 USD/ngày) và hàng chục triệu người khác đang ở bên bờ vực khốn cùng. Phó Giám đốc Trung tâm Cải cách châu Âu (CER) có trụ sở ở London Katinka Barysch nói: “Các vị đứng đầu nhà nước và chính phủ G20 giờ đây phải tập trung vào hai vấn đề: tìm ra biện pháp hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn cuộc suy thoái toàn cầu trở nên sâu rộng hơn và tránh để xảy ra các cuộc khủng hoảng có mức độ tương tự trong tương lai”.

Một số nhà phân tích cho rằng việc hội nghị thượng đỉnh G20 tại London không vạch được lộ trình thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu “dường như là điều không thể tránh khỏi”, chiếu theo kết quả của cuộc họp các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 trước đó. Và như vậy, tác động cũng như tổn thất của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay sẽ kéo dài trong nhiều năm tới.

Nguyễn Viết
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm